Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Làm gì để góp phần bình ổn thị trường thép xây dựng?

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có Công ty Gang thép Thái Nguyên (GTTN) lâm vào cảnh khó khăn, hoạt động cầm chừng. Tuy vậy thời gian gần đây Công ty GTTN đã có những giải pháp tích cực góp phần quan trọng bình ổn thị trường thép.
 
Vừa sản xuất vừa trông chừng
 
Chúng ta vẫn chưa quên sự "đỏng đảnh" của thị trường thép năm 2008: Sáu tháng đầu năm, giá thép trong nước tăng với tốc độ chóng mặt từ  hơn 8 triệu đồng/tấn thép cuộn lên hơn 10 triệu đồng/tấn và đạt ngưỡng hơn 19 triệu đồng/tấn. Sáu tháng cuối năm, giá thép đột ngột "rơi" xuống còn hơn 10 triệu đồng/tấn, và gần như thoát khỏi sự kiểm soát của các nhà sản xuất trong nước. Cơn sốt nóng lạnh bất thường nói trên đã làm nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thép xây dựng trong nước lâm vào cảnh lao đao, một số có nguy cơ phá sản.
 
Nguyên nhân của sự thất thường nêu trên là do chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (phôi thép, thép phế, xăng dầu...); phụ thuộc vào chính sách thuế xuất khẩu của các nước. Cụ thể, sau khi nước ngoài có những thay đổi về chính sách thuế, tăng giảm thuế xuất khẩu... dẫn đến giá thép, phôi thép nhập vào Việt Nam thấp xuống hoặc ngược lại một cách bất ngờ.
 
Ngoài ảnh hưởng nêu trên, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng góp phần tạo nên khó khăn cho chính ngành thép. Hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thép. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, từ năm 2007 đến nay đã có 32 dự án lớn nhỏ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép xây dựng, với công suất đăng ký lên tới hơn 50 triệu tấn/năm, và đã có không ít dự án đi vào sản xuất. Vấn đề đặt ra, trong khi nhu cầu thật sự của Việt Nam vào năm 2010 chỉ đạt khoảng từ 10 đến 11 triệu tấn và năm 2025 là từ 24 đến 25 triệu tấn thì với công suất đăng ký nêu trên chắc chắn sẽ xảy ra khủng hoảng thừa đối với mặt hàng sắt thép xây dựng.
 
Thêm nữa, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế nước ta cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là thị trường bất động sản, làm cho nhu cầu thép xây dựng sụt giảm. Ðiều này dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm của ngành thép gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho cao, chi phí tăng, hiệu quả sản xuất thấp. Chưa hết, năm 2009 này được dự báo là sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, bằng chứng là bước vào đầu năm nay tuy vẫn đang trong mùa xây dựng nhưng tiêu thụ thép chậm hơn rất nhiều so với mọi năm.
 
Giám đốc Doanh nghiệp 27-7 Nguyễn Thị Thanh Vân, một trong những nhà phân phối thép TISCO lớn nhất Thái Nguyên cho biết: Những năm kinh tế ổn định thì vào thời điểm này chúng tôi bán trên dưới 100 tấn/ngày vì khách hàng "ruột" ở các tỉnh xa về mua thép để sau Tết bán cho công trình hoặc dân làm nhà, nay bán không nổi 20 tấn/ngày... Tình hình nêu trên khiến các nhà sản xuất thép Việt Nam trong đó có Công ty GTTN thời gian qua rơi vào thế bất lợi, không khỏi có những lo lắng và luôn sống trong tình trạng "vừa sản xuất, kinh doanh vừa trông chừng".
 
Giải pháp tích cực
 
Trong cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, Công ty GTTN được xem là "đại gia" của ngành thép Việt Nam - một doanh nghiệp nhà nước lớn có bề dày và luôn phát huy tính chủ lực trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ thép xây dựng.
 
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân về các giải pháp tích cực góp phần khắc phục tình trạng khó khăn nêu trên, Phó Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Trần Trọng Mừng cho biết: Công ty đã đề ra những biện pháp tích cực nhằm ổn định sản xuất kinh doanh. Ðó là, tập trung đổi mới công tác quản lý, điều hành sản xuất, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, khai thác tài nguyên trong nước, sử dụng 50% gang lỏng vào luyện thép. Hơn nữa, để góp phần bình ổn thị trường, công ty đã phấn đấu quyết liệt trên tất cả các mặt, trong đó chủ yếu tập trung đầu tư cho phát triển để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Hoàn thành dự án đầu tư cải tạo kỹ thuật sản xuất giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Dùng công nghệ truyền thống (quặng sắt - gang - phôi thép - thép cán) để hạn chế phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu... Tiếp tục triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II với tổng mức đầu tư bốn nghìn tỷ đồng. Công suất tạo phôi 500 nghìn tấn/năm từ nguyên liệu quặng sắt và than mỡ trong nước, sử dụng công nghệ lò thổi chi phí thấp, giá thành hạ hơn sản xuất lò điện. Ðẩy nhanh các dự án: Cải tạo nâng công suất Nhà máy luyện thép Lưu Xá, Nhà máy cán thép Lưu Xá, Nhà máy cán thép 50 vạn tấn/năm, Nhà máy sản xuất hợp kim sắt Phú Thọ..., bảo đảm đến năm 2010 đạt công suất sản xuất phôi thép và thép cán  lên hơn 1 triệu tấn/năm.
 
Một giải pháp quan trọng nữa, công ty đã xây dựng một chiến lược tiêu thụ sản phẩm và thực hiện rất hiệu quả đó là: Tạo điều kiện tốt nhất để các chi nhánh mở rộng thị trường tiêu thụ tới các tỉnh vùng đông bắc, tây bắc, thị trường các tỉnh phía nam; đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh phân phối và xuất khẩu sang các thị trường Canada, Indonesia, Cam-pu-chia...
 
Ðể hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, công ty cần nỗ lực hơn nữa về nhiều mặt. Thí dụ như việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Ði đến các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng của công ty, vẫn thấy chủ yếu là mầu áo "xanh công nhân" của những năm đầu thế kỷ trước. Ðiều này cho thấy sự tiến bộ về công nghệ vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Ngay tại công ty, tuy đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp công ty, nhưng thiếu những đề tài khoa học giải quyết các khâu cấp thiết trong sản xuất như: Giảm tiêu hao điện năng trong luyện thép, sử dụng hiệu quả các loại quặng sắt vào sản xuất lò cao... Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư chiều sâu, nhất là các dự án đầu tư giai đoạn II không đạt tiến độ kế hoạch đề ra.
 
Trong công tác an toàn vệ sinh lao động, công ty vẫn để xảy ra một số sự cố lớn như nổ lò điện luyện thép 30 tấn, sự cố tháp phân ly trạm ô-xy 3.200 m3/giờ.  Riêng trong năm 2008, có tới 10 vụ tai nạn lao động, làm một người chết. Gần đây nhân dân thị trấn Trại Cau phàn nàn nhiều về tình trạng nổ mìn khai thác quặng sắt làm nứt nhà dân chung quanh mỏ sắt Trại Cau - đơn vị thành viên của Công ty GTTN, đây là vấn đề "nóng" mà dư luận quan tâm nhiều trong năm qua. Thêm nữa là tình trạng gây ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu. Có thể nói mặc dù lãnh đạo công ty đã rất nỗ lực nhằm cải thiện môi trường chung quanh như, trồng cây xanh khu vực công ty, cải tạo giao thông nội bộ, đầu tư hệ thống xử lý nước thải..., nhưng ô nhiễm môi trường không khí vẫn xảy ra thường xuyên. Tại Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (nằm sát trung tâm TP Thái Nguyên), nhân dân quanh vùng rất lo ngại vì bụi độc hại từ nhà máy này xả ra.
 
(ViệtStock)

ĐỌC THÊM