Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất USD âm thầm "nóng"

Trái ngược với xu hướng hạ nhiệt lãi suất ở VND đối với cả lãi huy động và cho vay, lãi suất huy động USD vẫn ầm thầm tăng lên trong bối cảnh huy động và cho vay ngoại tệ đang có sự bất cân xứng lớn.

 

usd 28 7

Lãi tiền đồng xuống

Số liệu phân tích từ biểu lãi suất niêm yết của 36 ngân hàng trong tuần qua cho thấy, các ngân hàng đang dần dần đưa lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn về quanh mức 11,2% với mức lãi suất trung bình cao nhất 11,3%/năm hiện thuộc về các kỳ hạn 6 và 12 tháng.

Trong khi đó, các kỳ hạn dài hơn từ 13 tháng đến 36 tháng còn có mức lãi suất trung bình thấp hơn rất nhiều (khoảng 10,97%/năm). Diễn biến này cho thấy một nhóm lớn các NHTM đang chủ yếu tập trung huy động các dòng vốn ngắn hạn 12 tháng trở xuống. Điều chỉnh này được coi là hợp với tình hình thực tế hơn khi mà sự chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn dài và kỳ ngắn hắn không có được mức chênh đáng kể.

Một diễn biến đáng chú ý khác trên mặt bằng lãi suất hiện nay với việc rất một số NHTM còn kéo lãi suất đầu vào xuống đến 10,5%/năm và thậm chí có NHTM đang áp dụng biểu lãi suất 7,8-10,5% tăng dần từ kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng.

Trong biểu lãi suất hiện hành, SeABank hiện đang áp dụng mức 10,5%/năm cho ba kỳ hạn dài 18-36 tháng, Habubank và Vietcombank tương tự áp dụng lãi suất 10,5%/năm cho hai kỳ hạn 24 và 36 tháng, DongABank cũng đưa giá vốn kỳ hạn 18-36 tháng xuống còn 10,9%/năm. Một vài NHTM như TrustBank còn “mạnh dạn” đưa lãi suất huy động toàn bộ các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng xuống còn 10,6%/năm.

Trong lúc SHB đưa biểu lãi suất trở lại đường cong truyền thống với mức thấp nhất 10,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và tăng dần lên mức cao nhất chỉ 11%/năm ở các kỳ hạn 12-36 tháng. Chiều hướng này dù mới xuất hiện ở một vài NHTM, song cho thấy một dấu hiệu về khả năng lãi suất huy động sẽ sớm giảm xuống ngưỡng 10,5%/năm và sau đó là 10%/năm trong một - hai tháng tới như các kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng VN.

...và cơ hội cho USD

Lãi suất VND giảm nhanh chỉ trong chưa đầy một tháng gần đây có thể sẽ là cơ hội tăng nguồn vốn huy động USD vào các NHTM và điều này giải thích vì sao lãi suất USD vẫn âm thầm tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Ngoài một số NHTM có quy mô lớn và tiềm lực về kinh doanh ngoại tệ, lãi suất huy động USD của phần lớn các NHTM hiện nay dao động trong khoảng 3,6-4,7%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng và lên mức 4,2-5%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.

Khác với thời điểm cách đây ít tuần, khi mức lãi suất 5%/năm chỉ xuất hiện ở một vài ngân hàng, các tìm hiểu cho thấy hiện có đến gần 10 NHTM đang đưa lãi suất huy động USD lên mức 5%/năm và xác lập đỉnh lãi suất cao nhất trên thị trường 5,3%/năm trong nhiều tháng trở lại đây. HDBank, SCB, VietABank, OceanBank, SeABank hay PG.Bank hiện đều áp dụng mức lãi suất trên 5%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Cá biệt trong số này, PG.Bank hiện lần lượt áp dụng mức lãi suất tăng dần đều từ 5%/năm đến 5,3%/năm đối với các kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng.

Việc vốn ngoại tệ các NHTM huy động được trong 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ trong khi tăng trưởng tín dụng đạt tới 27% so với đầu năm lý giải động thái tăng lãi suất huy động USD của nhiều NHTM trong thời điểm hiện nay.

Như tại khu vực TPHCM, trong khi huy động vốn ngoại tệ trong 6 tháng đầu nằm chỉ tăng 5,9%, tăng trưởng tín dụng lại đạt tới 22,2%/năm. Mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tại khu vực TPHCM cũng như mức tăng chung của cả nước có thể thấy đều gần như chạm ngưỡng giới hạn trong năm. Trong khi đó, một con số được đưa ra từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tốc độ tiền gửi ngoại tệ đến hết tháng 6 âm tới 2,5% so với thời điểm đầu năm 2010.

Cho vay mạnh suốt thời gian dài khi lãi VND tăng cao song lại không huy động được vốn, nên khả năng thiếu nguồn ở một vài NHTM như một số đánh giá là khó tránh khỏi. Sau thời điểm nóng của lãi suất VND, nhiều khả năng thị trường ngân hàng sẽ chứng kiến một cuộc đua lãi suất huy động USD trong thời gian tới.

NDHMoney