Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lãi suất tăng, tỷ giá tăng: Bài toán khó với DN

Chi phí tài chính được nhận định là sức ép lớn nhất đối với các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2011.

Hiện lãi suất cho vay tại các NHTM vẫn chưa hạ nhiệt. Theo phản ánh của các DN, tùy vào mối quan hệ với ngân hàng, mục đích của mỗi khoản vay, lãi suất cho vay dao động trên dưới 20%. Cùng với việc tăng tỷ giá USD/VND tới 9,3%, lãi suất vẫn giữ ở mức cao, nhiều loại nguyên vật liệu tăng giá, chi phí tài chính được nhận định là sức ép lớn nhất đối với các DN niêm yết trong năm 2011 này.

Bất động sản là một trong những ngành dùng nguồn vốn vay thương mại lớn. Giai đoạn nửa cuối năm 2010, nhiều DN bất động sản đã chủ động giãn tiến độ dự án khi lãi suất cho vay quá cao. Ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất COTEC (CLG) cho rằng, lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến tất cả các DN, trong đó có DN bất động sản. Không chỉ tăng chi phí tài chính, mà còn rất khó khăn mới vay được. Ông Nghĩa nhận định, đến giữa năm 2011, lãi suất mới có thể giảm. Trước tình hình này, CLG cố gắng đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý để được cấp phép tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng ngay trong quý I/2011. "Hiện tại, nhiều dự án của CLG đã có đất sạch, nếu không triển khai trong năm nay thì mất đi cơ hội", ông Nghĩa nói.

Ông Trần Hồng Thanh, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) cho biết, lãi suất cũng là sức ép, nhưng không phải là khó khăn lớn nhất với các DN sản xuất hàng tiêu dùng nói chung và HHC nói riêng. Tỷ giá tăng và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến chi phí tài chính tăng cao. "Đầu năm 2010, giá nhập khẩu 1 tấn đường là 500 USD thì sang năm nay đã tăng lên 900 USD. Giá nhiều nguyên liệu khác cũng tăng kỷ lục trong vài năm trở lại đây", ông Thanh nói. Chi phí tăng cao, nhưng DN không thể tăng giá bán, do phải giữ ổn định thị phần. Do đó, năm 2010 và 2011, nhiều khả năng doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận của HHC sẽ không tăng tương ứng. HHC vừa hoàn thành đợt tăng vốn từ 54,75 tỷ đồng lên 82 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động được sử dụng vào việc di dời nhà máy ra ngoại thành Hà Nội và diện tích hiện tại sẽ được xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại. Mặc dù khó khăn, HHC vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2011 cao hơn năm 2010 gần 10% (năm 2010, HHC đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kế hoạch năm 2011 là 27 tỷ đồng).

Đối với ngành thép, hầu hết DN đều sử dụng vốn vay thương mại. Do đó, lãi suất ngân hàng tăng đồng nghĩa với lợi nhuận DN giảm bớt. Bà Nguyễn Thị Nhi, Kế toán trưởng CTCP Ống thép Việt Đức tính toán rằng, với mức lãi suất ổn định như giai đoạn đầu năm 2010, thì mỗi tháng, DN phải trả từ 5 đến 6 tỷ đồng tiền lãi. Nhưng nếu tăng như giai đoạn cuối năm 2010 sang đầu năm 2011, thì phải trả từ 8 đến 10 tỷ đồng. Đây thực sự là một gánh nặng với DN, nhất là DN sử dụng tiền vay nhiều như ngành thép.

"Trong khi sản lượng vẫn giữ như cũ, các chi phí tăng lên sẽ làm lợi nhuận giảm. Chúng tôi không thể chuyển tất cả các chi phí vào giá thành cùng một lúc, mà phải làm dần dần. Chỉ có cách là DN hưởng lãi ít đi", bà Nhi nói.

Năm 2011, VGS đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10 - 12%/vốn điều lệ. "Nhiều NĐT sẽ cho rằng, với mức lợi nhuận như vậy, gửi ngân hàng sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các NĐT cũng cần hiểu rằng, để làm được như thế với DN là đã nỗ lực rất nhiều", bà Nhi trần tình. Năm 2010, VGS đặt mục tiêu lợi nhuận 17 - 18%/vốn điều lệ, nhưng không thực hiện được, mà chỉ đạt 26,27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 28,38% so với mức 36,68 tỷ đồng đạt được trong năm 2009.

Vận tải là ngành sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng và chịu ảnh hưởng từ sự biến động giá xăng dầu. Phản ánh những khó khăn đó, cổ phiếu CTCP Hoàng Hà (HHG) - một DN chuyên về vận tải - hiện đang được giao dịch dưới mệnh giá (giá đóng cửa ngày 11/2 là 7.900 đồng/CP). Tuy nhiên, ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT HHG cho biết, năm 2010, lợi nhuận đạt thấp do HHG tập trung đầu tư 2 dự án bến xe tại Cẩm Phả và trụ sở chính tại Thái Bình. Năm 2011, hoạt động của DN sẽ ổn định, kinh doanh sẽ hiệu quả hơn khi các dự án trên hoàn thành đưa vào khai thác.

Thừa nhận lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động của DN, ông Hà cho biết, giảm đầu tư và tiết kiệm chi phí là hai giải pháp cấp bách nhất được HHG triển khai trong giai đoạn hiện nay. "Việc đầu tư hệ thống xe mới và mở rộng tuyến mới chúng tôi chưa thực hiện trong giai đoạn này, do lãi suất ngân hàng tăng cao", ông Hà nói.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2011 trên 7%, nên theo nhiều chuyên gia, việc kéo lãi suất về mặt bằng hợp lý để các DN có thể đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh là điều sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra. Tuy nhiên, thời điểm nào lãi suất có thể hạ là một ẩn số, do lạm phát vẫn ở mức cao. Thị trường tài chính, tiền tệ thiếu ổn định nên nhiều DN niêm yết không tự tin đề ra kế hoạch kinh doanh cao trong năm nay. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến TTCK chưa khởi sắc, NĐT vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư.

"Nhiều DN đã phải tính đến chuyện lùi thời gian triển khai, dù có các dự án khả quan"

 

Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội

 

Từ nửa sau năm 2010, nhiều DN đã tính toán đến việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn nhằm đối phó với sự căng thẳng lãi suất trên thị trường tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, diễn biến TTCK không thuận lợi và trong một số trường hợp là cả uy tín DN khiến không phải đợt phát hành trái phiếu nào cũng thành công. Nhiều DN dù có kế hoạch kinh doanh khả quan nhưng cũng phải tính toán đến chuyện lùi thời gian triển khai.

 

Giảm lãi suất là xu hướng chắc chắn sẽ diễn ra trước yêu cầu tăng trưởng kinh tế, nhưng điều này lại phụ thuộc vào tình hình kiềm chế lạm phát của nền kinh tế. Theo ước tính của chúng tôi, lạm phát trong tháng 2 sẽ gần 2% và tính chung 2 tháng sẽ là trên 3%. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát 6 tháng đầu năm vào khoảng 3,5%, việc kiềm chế lạm phát trong 4 tháng tới sẽ rất căng thẳng. Đó là chưa kế đến tác động của việc tăng giá điện (gián tiếp làm tăng giá nhiều mặt hàng khác) dự kiến vào tháng 3. Tôi cho rằng, kịch bản lạc quan nhất cũng chỉ có thể là từ quý II trở đi mới có thể hạ lãi suất.

 

Liên quan đến việc tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đến 9%, các DN sử dụng nhiều USD để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu các DN này cũng thực hiện xuất khẩu hàng hóa thì việc nới lỏng tỷ giá sẽ không tác động nhiều. Các DN ngành thủy sản, cao su tự nhiên, dầu khí sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc này do đầu ra chủ yếu là xuất khẩu trong khi đầu vào là nguyên liệu trong nước.

 

Những khó khăn hiện tại sẽ khiến nhiều NĐT tỏ ra thận trọng khi tham gia thị trường chứng khoán. Nhưng sự thận trọng sẽ giúp thị trường tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng nóng dẫn đến rủi ro. Các chính sách trong nước hiện đã khá rõ ràng nhưng còn một số rủi ro đến từ bên ngoài, như diễn biến giá dầu, vàng…

Nguồn: ĐTCK-online