Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (26/3-1/4): Kênh đào Suez hết nghẽn chuỗi cung ứng vẫn khủng hoảng, Bắc Kinh có thể chấm dứt FTA với châu Âu

 Kênh đào Suez hết nghẽn chuỗi cung ứng vẫn khủng hoảng, Bắc Kinh có thể chấm dứt FTA với châu Âu, Sụt giảm xuất khẩu của Anh với EU bị thổi phồng; Kinh tế Mỹ rất lạc quan... là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới tuần qua 26/3-1/4

Khủng hoảng chuỗi cung ứng 'hậu' nghẽn kênh đào Suez

Tàu container Ever Given hôm 29/3 đã được kéo khỏi nơi mắc cạn trên kênh đào Suez sau gần một tuần, giúp khai thông lại tuyến vận tải biển quan trọng này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng không sớm chấm dứt với các công ty phụ thuộc vào việc nguyên liệu thô, linh kiện và sản phẩm được giao đúng thời hạn. Maersk - hãng vận tải biển lớn nhất thế giới - cho biết sau khi Ever Given được kéo đi, kênh Suez vẫn sẽ phải mất khoảng 6 ngày hoặc hơn, tùy độ an toàn và các yếu tố khác, mới được thông hoàn toàn. Các hiệu ứng lan truyền sau đó với doanh nghiệp sẽ còn kéo dài lâu hơn.

“Kể cả khi kênh đào mở trở lại, tác động lan truyền đến công suất toàn cầu vẫn rất lớn. Việc tắc nghẽn đã châm ngòi cho hàng loạt sự cố gián đoạn và chậm trễ khác về vận tải biển. Việc này có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới giải quyết xong”, đại diện hãng Maersk nói. (CNN)

WTO xem xét các hiệp định thương mại EU-Singapore, Peru-Australia

Tại cuộc họp của Ủy ban về các Hiệp định Thương mại Khu vực (RTA), các Thành viên WTO đã xem xét các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu-Singapore và giữa Peru-Australia.

FTA EU-Singapore có hiệu lực ngày 21/11/2019, theo đó, EU loại bỏ thuế đối với hơn 99% số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Singapore vào năm 2025 và hàng nhập khẩu của Singapore từ EU được miễn thuế khi Hiệp định có hiệu lực. EU và Singapore nhất trí cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với thương mại dịch vụ và đầu tư so với các cam kết của họ trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO.

Trong khi đó, FTA Peru-Australia có hiệu lực từ ngày 11/2/2020 và việc xóa bỏ thuế quan sẽ được hoàn tất vào năm 2023 đối với Australia và năm 2029 đối với Peru. Australia và Peru sẽ duy trì thuế đối với lần lượt 12 và 48 dòng thuế sau khi thực hiện đầy đủ. Thương mại dịch vụ cũng được tự do hóa theo Hiệp định và có các điều khoản về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), cạnh tranh, môi trường và lao động. (PĐVN tại Geneva)

Anh-EU

Xuất khẩu thịt và hải sản của Anh sang EU đã phục hồi trong tháng 2/2021 sau đợt sụt giảm hồi tháng 1, thời điểm nước này chính thức rút khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU.

Theo báo cáo từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU trong tháng 1/2021 giảm 40,7% so với tháng 12/2020, trong đó xuất khẩu thực phẩm và động vật sống giảm 64%. Chính phủ Anh cho rằng sự sụt giảm xuất khẩu của Anh với EU trong tháng 1 đã bị “thổi phồng” do hoạt động dự trữ trước khi Brexit chính thức hết hạn, bên cạnh những hạn chế do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp, đặc biệt là thủy sản và sản xuất thịt, cho biết những vấn đề họ gặp phải đều mang tính hệ thống và có ít cơ hội đề bù đắp cho giá trị thương mại đã mất với EU thông qua việc tìm kiếm những thị trường mới ở xa hơn, trong khi các sản phẩm tươi sống có giới hạn về thời gian giao hàng. (BBC)

EU-Trung Quốc

EU cùng Mỹ và Anh mới đây đã áp đặt trừng phạt các quan chức Trung Quốc với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. Sau đó, Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với 10 chính trị gia EU, bao gồm các thành viên quốc hội và 4 thực thể.

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt dự báo thỏa thuận đầu tư hai bên ký kết mới đây sẽ phải đối mặt với tiến trình phê chuẩn khó khăn hơn. Nick Marro, Trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết: “Sẽ rất khó xử khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư với một đối tác bị nhiều quốc gia trừng phạt”. Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố vào cuối tuần trước, các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định, “rủi ro lớn nhất đối với thỏa thuận đầu tư không phải là việc Bắc Kinh rút lui, mà là đưa ra một phản ứng làm giảm sự ủng hộ của châu Âu đối với hiệp định”. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. (CNN)

Kinh tế Mỹ

Phát biểu trước Hạ viện Mỹ mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ lạc quan về kinh tế Mỹ giai đoạn hậu Covid-19 và tin tưởng vấn đề việc làm sẽ hồi phục hoàn toàn nhờ vào gói kích thích 1.900 tỷ USD mới được thông qua. Bà

Yellen cho biết, với gói cứu trợ trên, Bộ Tài chính Mỹ đang làm việc để nhắm tới những thành phần kinh tế đang cần giúp đỡ nhất, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ nhất trong số các doanh nghiệp nhỏ, trong số đó có những doanh nghiệp do phụ nữ và người da màu sở hữu. Bộ Tài chính Mỹ cũng đang cố gắng giải ngân gói cứu trợ về nhà ở trị giá 30 tỷ USD qua việc đơn giản hoá thủ tục giấy tờ để những công dân Mỹ đang gặp khó khăn sớm nhận được khoản cứu trợ và giải quyết các vấn đề về thuê nhà và trả nợ ngân hàng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phấn đấu triển khai gói cứu trợ cho các bang địa phương trị giá 350 tỷ USD trong vòng 60 ngày tới. (CNBC)

Đại diện Thương mại Mỹ mới được bổ nhiệm Katherine Tai đã thực hiện bước đầu tiên nhằm cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương qua việc trao đổi với những người đồng cấp ở châu Âu và Anh về các chủ đề: cải cách WTO; đề xuất lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ xuyên Đại Tây Dương; củng cố hợp tác Mỹ-EU vì các mục tiêu chung như giải quyết biến đổi khí hậu, lao động cưỡng bức và các vấn đề liên quan đến các nền kinh tế lớn phi thị trường như Trung Quốc; giải quyết tranh chấp liên quan đến trợ cấp máy bay, giải quyết tình trạng dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu; hy vọng nhanh chóng ký kết một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh… (Inside Trade)

Kinh tế Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 15% trong các phiên giao dịch trong tuần sau khi có thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ dần cắt giảm các gói hỗ trợ nền kinh tế, cho thấy sự phụ thuộc của niềm tin nhà đầu tư vào các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh Covid-19. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt mức tăng điểm cao nhất trong 13 năm qua nhờ tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. (Bloomberg)

Tập đoàn công nghệ Pegatron của Đài Loan công bố kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD để xây dựng nhà máy cung cấp sản phẩm cho thị trường Bắc Mỹ trong năm nay. Dự kiến các nhà máy tại Ấn Độ và Việt Nam sẽ cho ra sản phẩm trong nửa cuối năm, tiếp sau đó là nhà máy tại Bắc Mỹ. Giới truyền thông bình luận nhà máy tại Bắc Mỹ của Pegatron chủ yếu để cung cấp sản phẩm cho xe điện Tesla và là nhà máy cung cấp chuyên biệt sản phẩm của Tesla thứ 2 tại Mỹ. (TG&VN)

Kinh tế EU

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, làn sóng Covid-19 mới sẽ phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế châu Âu dù các chương trình tiêm chủng quy mô lớn đang được triển khai. Các nền kinh tế mạnh nhất EU là Đức, Pháp, Italy đã tái áp dụng các biện pháp phong tỏa và chương trình phân phối vaccine tại châu Âu đang gặp khó khăn khi nguồn cung vaccine không đủ và sự phân chia không đồng đều giữa các thành viên. Hiện nay EU đang chậm 7 tuần so với mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng vào cuối mùa hè, sự chậm trễ này sẽ khiến EU thiệt hại khoảng 127 tỷ vaccine trong năm nay. Theo ngân hàng Hà Lan ING, tăng trưởng của khu vực EU trong năm nay chỉ đạt 3%, với kinh tế tăng trưởng mạnh từ Quý 3 hoặc muộn hơn. (AFP)

Ngày 26/3, Chính phủ Đức đã phê chuẩn quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu dịch Covid-19 của EU trị giá 750 tỷ Euro. Quỹ phục hồi khổng lồ này là một trong gói ngân sách dài hạn đến 2027 đã được các nước EU nhất trí hồi tháng 12/2020, với tổng trị giá hơn 1.800 tỷ Euro nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế-xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra và giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển bền vững.

Nhật Bản và Hàn Quốc

Nhật Bản: Chính phủ Nhật Bản cho biết nền kinh tế trong nước có thể được thúc đẩy khoảng 2,7% nhờ CPTPP - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới được ký kết bởi 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Tính theo tổng sản phẩm quốc nội thực tế của đất nước trong năm tài chính 2019, hiệu quả kinh tế dự kiến từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, với sự tham gia của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, tương ứng với mức tăng GDP khoảng 15 nghìn tỷ Yên (140 tỷ USD). Nhật Bản dự đoán khoảng 570.000 việc làm sẽ được tạo ra trong ước tính đầu tiên được công bố về tác động của RCEP. RCEP sẽ bao trùm khoảng 46% tổng thương mại của Nhật Bản, so với khoảng 15% của CPTPP và khoảng 12% của Hiệp định thương mại Nhật Bản-EU, mặc dù sẽ mất một khoảng thời gian "đáng kể" để tác động trở thành hiện thực hoàn toàn (Kyodo, Reuters).

Hàn Quốc: Ngày 26/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2021 lên 3,6% so với dự báo 3,1% đầu tháng 1 năm nay, nhờ vào bùng nổ xuất khẩu và các chính sách hỗ trợ tài chính của nước này trong bối cảnh đại dịch. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 2 đã tăng đến 9,5% so với cùng kỳ năm trước và Chính phủ nước này cũng đã thông qua gói trợ cấp tăng thêm 15 nghìn tỷ won (13 tỷ USD). (Yonhap)

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội Quý I/2021 của Việt Nam ghi nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1 năm 2020. Quý 1 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,65 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 77,34 tỉ USD, tăng 22%; nhập khẩu đạt 75,31 tỉ USD, tăng 26,3%. Điểm sáng tăng trưởng kinh tế quý 1 cho thấy sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Quý 1 năm nay không còn tình trạng găm hàng, ngăn sông cấm chợ như năm trước. Chỉ những vùng căng thẳng dịch bệnh mới đóng băng, còn các địa phương khác vẫn sản xuất, thậm chí ngay trong các địa phương đóng băng vẫn có sản xuất. (TG&VN)

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Bank of America (BoA), Covid-19 đã khiến nền kinh tế Ấn Độ sẽ mất thêm 3 năm để vượt kinh tế Nhật Bản về quy mô kinh tế. Cụ thể, theo nghiên cứu trước đây, BoA dự báo Ấn Độ vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2028 tuy nhiên do Covid-19, điều này dự báo diễn ra vào năm 2031. Nguyên nhân là do các tính toán này dựa trên giả định Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ bình quân 9% trong các năm tới. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến GDP Ấn Độ tăng trưởng khoảng -10%. (CNBC)

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) hôm 24/3 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ mức 3,2% đưa ra vào tháng 12/2020 xuống 3% do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 thứ hai và tình hình du lịch ảm đạm. BoT đã cắt giảm dự báo lượng khách nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay từ 5,5 triệu lượt xuống chỉ còn 3 triệu lượt. Theo ông Titanun, Thư ký Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoT cho biết với việc du lịch đóng góp tới 12% GDP, sự phục hồi kinh tế của Thái Lan đang diễn ra chậm hơn so với các nước khác ít dựa vào du lịch hơn. Sự sụt giảm đáng kể về lượng khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ gây thiệt hại nặng nề cho GDP trong quý đầu tiên của năm nay. (TG&VN)

Đối thoại ASEAN-New Zealand lần thứ 28 ngày 23/3 đã đạt được dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược. Cuộc họp đã xác định một số lĩnh vực trong Kế hoạch hành động mới mà hai bên có thể tăng cường hợp tác, trong đó có an ninh hàng hải; chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU); phát triển bền vững; thương mại, đầu tư và kế hoạch phục hồi kinh tế; năng lượng tái tạo, quản lý rủi ro thiên tai; giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; y tế; phát triển nguồn nhân lực; giáo dục; và giao lưu nhân dân. Về hợp tác kinh tế, hai bên mong muốn nâng cấp đàm phán Hiệp định Khu vực Tự do Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), cũng như hoàn tất đàm phán Hiệp định Dịch vụ Hàng không giữa ASEAN và New Zealand. Hai bên hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020 và mong muốn hiệp định này sớm có hiệu lực vào năm tới. (TTXVN)

Nguồn tin: Thế giới và Việt nam

ĐỌC THÊM