Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới dần khởi sắc

 Trong 4 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới dần có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc...

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp toàn cầu đều trên 50 điểm và liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm (52,3 vào tháng 1, 53,2 vào tháng 2 và 54,8 vào tháng 3), cho thấy sự mở rộng sản xuất kinh tế thế giới với sự dẫn đầu của các quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Ấn Độ, Australia…

Nhu cầu các mặt hàng về máy móc, nguyên vật liệu trên thế giới có xu hướng phục hồi. Dòng vốn FDI vào năng lượng xanh và chất bán dẫn tiếp tục tăng. Giá vàng và giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới năm 2021 vẫn chưa rõ nét khi vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bất ổn từ các vấn đề địa chính trị, xung đột thương mại và diễn biến khó lường từ dịch COVID-19.

Các tổ chức lớn trên thế giới cũng có những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi liên tục tăng mức dự báo. OECD đã nâng mức dự báo từ 4,2% (vào tháng 12/2020) lên 5,6% (tháng 3/2021). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 lên 6% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 1/2021 và tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2020).

Xu hướng một số nền kinh tế chủ yếu

Kinh tế Mỹ được phục hồi đáng kể sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Trong tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Mỹ lần đầu tăng trưởng dương trở lại kể từ tháng 9/2019. Trong khi đó, chỉ số PMI của Mỹ trong tháng 3 đạt 59,1 điểm, chỉ thấp hơn 0,1 điểm so với mức kỷ lục trong tháng 1/2021.

Kinh tế khu vực châu Âu cho thấy những dấu hiệu phục hồi khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã dần thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2021, với mức tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng mạnh. Sự phục hồi của thị trường lớn thứ 2 này đã tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời góp phần bảo đảm tốt hơn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, như dệt may, gia dày, điện thoại và linh kiện…

Chỉ số PMI tại Hàn Quốc đang ở mức 53,3 điểm, không đổi so với tháng 2 và đây là con số tốt nhất kể từ năm 2012. Nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi còn nhờ hỗ trợ bởi xuất khẩu chip nhớ và ô tô. Xuất khẩu đang đóng góp tới một nửa trong tăng trưởng của kinh tế nước này. Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi trong năm nay bởi dịch bệnh tại nước này cũng đã được khống chế và Chính phủ nước này cũng đã có những gói hỗ trợ kịp thời để phục hồi kinh tế. Nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay, tăng 0,5 điểm % so với ước tính trước đó.

Kinh tế Nhật Bản dần phục hồi, PMI sản xuất và dịch vụ trong tháng 3 đều tăng so với tháng trước đó (PMI sản xuất tăng từ 51,4 lên 52,7; PMI dịch vụ tăng từ 46,3 lên 48,3).

Một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Myanmar đang bị ảnh hưởng do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 và căng thẳng chính trị. Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất có sự cải thiện các điều kiện sản xuất trong tháng 3 với PMI tổng hợp đạt 50,7. Chỉ số PMI tổng hợp của Myanmar đạt mức thấp kỷ lục mới (27,5) khi các nhà máy tiếp tục đóng cửa.

Nhu cầu của một số mặt hàng trên thế giới có xu hướng phục hồi. Nhập khẩu máy móc tại Nhật trong tháng 3/2021 tăng 29,1% so với tháng trước; nhu cầu mua vật tư và nguyên liệu công nghiệp tại Mỹ trong tháng 3/2021 tăng 3,5 tỷ USD so với tháng 2/2021; nhu cầu về quặng sắt và thép được dự báo sẽ tăng mạnh vào năm 2021 nhờ nhu cầu xây dựng và sản xuất của Trung Quốc phục hồi. Trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng thép thành phẩm xuất khẩu của Trung Quốc tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo do nhu cầu ngày càng tăng nên lượng thép thành phẩm xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong các tháng 3 và tháng 4/2021.

Xu hướng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu vẫn yếu trong tháng 2/2021, tuy nhiên đầu tư vào năng lượng xanh và chất bán dẫn vẫn tiếp tục tăng. Dòng vốn FDI vào các dự án năng lượng tái tạo ước tính đạt 11,8 tỷ USD trong tháng 2/2021, tăng 133% so với tháng 2/2020.

Về giá dầu, trong tháng 4/2021, giá dầu thế giới tăng sau loạt dự báo tích cực của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2021 đạt 96,4 triệu thùng/ngày (tăng 5,2 triệu thùng/ngày so với năm 2020), phục hồi khoảng 60% khối lượng bị giảm do đại dịch COVID-19. Tổng nguồn cung bên ngoài OPEC+ sẽ tăng 830.000 thùng/ngày trong năm nay, sau khi giảm 1,3 triệu thùng vào năm 2020. Tồn kho dầu sẽ giảm mạnh khi việc sử dụng nhiên liệu tăng lên trong khi OPEC+ không tăng sản lượng khai thác.

Nguồn tin: Chính phủ

ĐỌC THÊM