Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiến nghị cẩn trọng với các dự án thép

Dự kiến từ nay đến cuối tháng 12, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng danh sách khoảng 10 dự án thép đề nghị được bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc nhiều yếu tố.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, bộ cũng sẽ trình Chính phủ báo cáo đánh giá tổng quan về toàn bộ các dự án thép và dự báo nhu cầu thép trong nước sau khi đã rà soát tất cả các dự án thép trên cả nước. Những dự án thép được cấp phép sau này sẽ thường xuyên điều chỉnh, cập nhật và bổ sung dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu cả trong nước lẫn thị trường quốc tế.

Theo Bộ Công Thương, hầu hết các chủ đầu tư của những dự án thép lớn sau này đều đưa ra phương án xây dựng nhà máy điện riêng tận dụng nguồn nhiệt dư thừa từ các lò đốt, cam kết áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hầu hết đều có đánh giá tác động môi trường hoàn hảo.

Tiêu tốn năng lượng và tác động môi trường

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay đối với các siêu dự án thép chính là tiêu thụ năng lượng, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang thiếu điện đến mức báo động, và ô nhiễm môi trường.

Việc theo dõi những tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất của các dự án thép trong tương lai thuộc về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh. Nếu địa phương không kiểm soát chặt chẽ thì hàng triệu tấn xỉ than, khói bụi thải vào không khí tại nơi có nhà máy thép thực sự là mối hiểm họa cho môi trường.

Nhiều người cho rằng, Việt Nam đang tự biến mình thành "công xưởng" của thế giới, các dự án công nghiệp nặng có nguy cơ gây ô nhiễm cao đang nhắm hướng đổ vào Việt Nam.

Trao đổi với Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc cấp phép để xây dựng các nhà máy thép tại Việt Nam nên cân nhắc kỹ đến 3 tiêu chí quan trọng gồm: nhu cầu thực tế thép ở trong nước là bao nhiêu; hiệu quả sử dụng năng lượng và những tác động môi trường trong đầu tư ngành công nghiệp nặng này là bao nhiêu; và cuối cùng là vấn đề tác động về biến đổi khí hậu.

“Các dự án thép phải đi đôi với vấn đề sử dụng năng lượng, đi đôi với môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu. Hiện nay các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp nặng như dự án sản xuất thép không phải là xu hướng cần thiết trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, thế nên cần phải tính toán, cân nhắc một cách tổng thể”, ông Hà nói.

Nguồn nguyên liệu có đủ đáp ứng?

Trong một lá thư gởi Bộ Công Thương và các bộ liên quan phân tích về nhiều dự án thép đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường thừa nhận, ngành công nghiệp thép Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, mới chỉ có các nhà máy sản xuất thép cỡ nhỏ, cỡ trung, sản xuất thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ và gia công sau cán. Chính vì vậy, mỗi năm Việt Nam phải chi ngoại tệ rất lớn cho việc nhập những loại thép chưa sản xuất được trong nước.

Ông Cường cho rằng ngành công nghiệp thép có nhiều dự án đầu tư là dấu hiệu đáng mừng, nhưng rất cần sự cân nhắc thận trọng để tránh gặp phải những khó khăn nảy sinh do chấp nhận ồ ạt quá nhiều dự án và việc lựa chọn đối tác dễ dãi, không đủ năng lực về tài chính và công nghệ.

Theo ông Cường, cần lưu ý đến vấn đề nguyên liệu quặng sắt và than cốc cho các dự án thép. Cho tới nay, Việt Nam đã thăm dò tương đối kỹ quặng sắt ở 2 mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai) và một số mỏ nhỏ ở Cao Bằng, còn lại hầu hết chỉ là tìm kiếm, thăm dò sơ bộ, con số trữ lượng không đủ độ tin cậy.

Nếu xây dựng lò cao sử dụng quặng ở địa phương, cần cân nhắc nguồn nguyên liệu quặng có thể cung cấp cho 20 - 30 năm, thậm chí tới 50 năm của tuổi thọ 1 lò cao và của khu liên hợp.

Về vấn đề than, theo ông Cường, Việt Nam gần như không có than mỡ để luyện than cốc cho luyện kim. Ví dụ khu gang thép Thái Nguyên chỉ có mỏ than mỡ nhỏ, phải nhập thêm than cốc của Trung Quốc và gặp không ít khó khăn vì chất lượng than cốc nhập khẩu.

Các lò cao xây dựng sau này chắc chắn cũng phải sử dụng than cốc nhập khẩu. Bản thân Trung Quốc cũng có chính sách hạn chế xuất khẩu than cốc luyện kim vì sản xuất than rất ô nhiễm.

Cung sẽ vượt cầu

Nếu như các dự án nhà máy liên hợp thép lớn trở thành hiện thực thì sau 5-7 năm nữa, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ có tổng sản lượng khoảng trên 40 triệu tấn. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Công Thương thì đến năm 2020, nhu cầu thép của Việt Nam chỉ khoảng 22 triệu tấn.

“Có lẽ với thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực, việc có thêm 2 nhà máy liên hợp công suất 5-10 triệu tấn/năm trong 5 năm tới là thích hợp. Nếu quá nhiều nhà máy liên hợp ra đời sẽ dẫn tới cung vượt cầu quá lớn, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt và điều thua thiệt sẽ rơi vào các công ty thép nhỏ và vừa của Việt Nam, vì các công ty này vừa mới đầu tư và còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập”, ông Cường nhận định.

Theo quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam đến giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến đến năm 2010 khoảng 10 - 11 triệu tấn; năm 2015 khoảng 15 triệu tấn; năm 2020 khoảng 20 triệu tấn và năm 2025 khoảng 24 triệu tấn.

Một số dự án thép lớn đã được khởi công xây dựng tại Việt Nam trong thời gian gần đây gồm: nhà máy liên hợp thép Formosa – Sunco ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 7,8 tỉ đô la Mỹ, công suất 7,5 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2011; nhà máy liên hợp thép Tycoon – E.United ở Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư là 3 tỉ đô la Mỹ, công suất 3 triệu tấn/năm.
 
 (ViệtStock)

ĐỌC THÊM