Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khủng hoảng thừa thép: "Cái chết" được báo trước?

Hiện đang có tình trạng "bội thực" các dự án thép quy mô cực lớn.

- Tình trạng "bội thực" các dự án thép quy mô cực lớn, được cấp phép vào VN chỉ trong thời gian ngắn (từ đầu năm 2008 đến nay) đã khiến những chuyên gia đầu ngành về luyện kim không khỏi giật mình.

Mới đây, Hiệp hội Thép VN (VSA), sau nhiều cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại này của ngành thép đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Chính phủ phải có biện pháp mạnh để tránh cho ngành thép không lặp lại bài học đau lòng đã phải trả giá trong quá khứ của hàng loạt các dự án mía đường, hay ximăng lò đứng... vì đầu tư không tính toán.

Công nghệ cũ "trăm hoa đua nở"

Theo VSA: "Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9.2007, thì dự báo đến năm 2010, nhu cầu tiêu thụ thép đạt khoảng 10-11 triệu tấn, đến 2020 nhu cầu mới cỡ khoảng 20 triệu tấn/năm. Nhưng theo kết quả điều tra của Bộ Công Thương mới đây, với các dự án đã được cấp phép thời gian qua, thì tổng công suất các dự án khi đi vào hoạt động đã lên tới 60 triệu tấn.
 
Trong đó, ngoài 23 dự án nằm trong quy hoạch được duyệt, hiện các địa phương đã cấp phép đầu tư cho 32 dự án khác không có trong quy hoạch. Trong số này, chỉ có 3 dự án liên hợp thép quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư; 5 dự án quy mô vừa được Bộ Công Thương có ý kiến thoả thuận; còn lại 24 dự án quy mô vừa và nhỏ được các địa phương vượt rào cấp phép mà không được sự cho phép của Thủ tướng hay Bộ Công Thương về quy hoạch, đã phá vỡ cân đối cung - cầu thép.

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA: "Nếu các dự án được thực thi sẽ dẫn đến lượng cung rất lớn, có thể gấp tới 3 lần so với con số dự tính nhu cầu thép trong quy hoạch"... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả không chỉ ở chỗ "cung" bỏ xa "cầu", mà việc "nở rộ" sản xuất thép ở hầu khắp các địa phương sẽ dẫn đến mất cân đối những tính toán trong quy hoạch như: Năng lượng điện, quặng sắt, năng lực vận tải (cảng biển, đường bộ, đường sắt)...

VSA kiến nghị: Không cấp phép cho các dự án ngoài quy hoạch

Theo VSA, tình trạng bội thực nêu trên là những cái chết đã được cảnh báo trước, nhưng trước cơn hưng phấn của các địa phương trong việc thu hút đầu tư, các dự án không có trong quy hoạch, không thoả thuận với bộ chủ quản (ở đây là Bộ Công Thương) vẫn đương nhiên được cấp phép. Đây là hệ quả của việc phân cấp cho địa phương được quyền cấp phép đầu tư, nhưng lại buông lỏng giám sát việc tuân thủ quy hoạch ngành, vùng theo quy định.

Trong khi đó, những liên hợp thép lớn từ 5 đến 15 triệu tấn/năm đều là các dự án 100% vốn nước ngoài. Nhưng việc giám sát công nghệ và môi trường ở các dự án nước ngoài, để bảo đảm nhà đầu tư không đưa công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường vào VN hiện là điều không tưởng, vì trình độ của cán bộ kỹ thuật và quản lý của VN còn nhiều hạn chế.

Hiệp hội Thép VN kiến nghị Chính phủ rà soát kỹ dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng, để kiểm tra cơ sở nguyên liệu có đủ bảo đảm nhà máy hoạt động lâu dài hay không. Không nhất trí với đề nghị của Bộ Công Thương ưu tiên xây dựng xí nghiệp gang thép ở những vùng kinh tế khó khăn, nếu địa phương đó không đủ điều kiện cung ứng nguyên liệu ổn định và bảo đảm xử lý môi trường.

Hơn nữa, các dự án quy mô ở các địa phương xét về mặt hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và yếu tố môi trường sẽ không bảo đảm phát triển bền vững. Tạm thời không cấp thêm giấy phép mới cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch vì đã dư thừa công suất so với nhu cầu...

Hiệp hội Thép VN cũng kiến nghị Chính phủ: Để bảo đảm ngành thép phát triển bền vững, đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương cần ban hành sớm tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở VN. Việc thẩm định và cấp giấy phép cho các nhà máy liên hợp luyện kim không thể phó mặc địa phương, mà phải tuân thủ quy chế chặt chẽ, có sự tham vấn của chuyên gia để bảo đảm chọn đúng đối tác có tiềm năng tài chính, công nghệ và quản lý để có đủ kinh nghiệm triển khai các dự án luyện kim lớn.

(Lao Động)

ĐỌC THÊM