Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không thiếu ngoại tệ, nhưng ngân hàng, doanh nghiệp đều lo

Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Phước Thanh cho biết, cũng như nhiều ngân hàng khác, Vietcombank cũng đang trong cảnh căng kéo về nguồn ngoại tệ trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Với những khách hàng “vừa và nhỏ”, Vietcombank cố gắng tự trang trải bằng cách cân đối lượng mua vào – bán ra hoặc đi vay rồi cho vay lại. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lớn, nhập khẩu mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, ngân hàng phải báo cáo ngân hàng Nhà nước để được bơm vốn ngoại tệ. Cũng theo ông Thanh, thực hiện yêu cầu kết hối trước đó của cơ quan quản lý, một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nguồn thu ngoại tệ lớn đã bán cho Vietcombank vài trăm triệu USD và ngân hàng này đã bán lại cho ngân hàng Nhà nước. “Nay nếu những doanh nghiêp này có nhu cầu mua ngoại tệ trở lại, chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo ngân hàng Nhà nước để cung ứng cho họ, nhưng trong tình hình này cũng không dễ dàng đáp ứng một lượng lớn, ngay lập tức...”, ông Thanh nói.

Là một trong những doanh nghiệp trong diện ưu tiên hàng đầu, song tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng phải “cân đong từng lô hàng nhập khẩu”. Phó tổng giám đốc Petrolimex Vương Thái Dũng cho biết, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp này lên tới 5,5 – 6 tỉ USD mỗi năm. “Thời điểm này, mối lo lớn nhất của chúng tôi là thu xếp ngoại tệ. Tỷ giá liên tục tăng, hoạt động kinh doanh của chúng tôi rất rủi ro”, ông Dũng nói.

Trả lời về khả năng cân đối cung – cầu ngoại tệ, đại diện ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định hệ thống đang dư khoảng 300 triệu USD và tình trạng giá USD bị đẩy lên cao như hiện nay chủ yếu do yếu tố tâm lý găm giữ của người dân, doanh nghiệp. Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định cơ quan này chưa có phương án điều chỉnh tỷ giá.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Quyền lực, sức mạnh nắm giữ ngoại tệ, vàng của người dân không thua kém gì ngân hàng Nhà nước”. Ông Thành nhận định và dẫn giải, tổng lượng tiền gửi của Việt Nam hiện tương đương khoảng 100 tỉ USD, trong đó, riêng tiền gửi ngoại tệ chiếm 20 – 25%.

Ông Thành nhấn mạnh: “Phải làm sao để người dân đặt trọn lòng tin vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Khi đó, áp lực tỷ giá mới được tháo gỡ”..

WB: Chính phủ cần củng cố lại niềm tin với tiền đồng

Bên lề cuộc họp công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tại Hà Nội ngày 19.10, bà Victoria Kwakwa, giám đốc ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trước việc tiền đồng bị giảm giá, Chính phủ cần hành động để tăng niềm tin cho người dân.

Theo bà Victoria, ngân hàng Nhà nước cần công bố một cách rõ ràng và dễ hiểu về quan điểm trong chính sách của mình. Đó là quan điểm chính sách tiền tệ, về chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm tạo dựng niềm tin cho người dân, nhà đầu tư… với quản lý kinh tế của Việt Nam. Khi đó, thị trường hối đoái sẽ hoạt động tốt hơn.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nhanh chóng nhưng không đồng đều. Tốc độ tăng trưởng của những chỉ số kinh tế chủ chốt như GDP thực, sản xuất công nghiệp, đầu tư và xuất khẩu được trông đợi sẽ phục hồi gần tới tốc độ tăng trưởng tiền khủng hoảng. Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao và các hộ gia đình cũng như các công ty dường như vẫn tiếp tục dự trữ vàng và ngoại tệ, gây áp lực liên tục cho đồng nội tệ.

Nguồn: SGTT.VN