Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không nên sai lầm chặn đà phục hồi của nền kinh tế

Sau khủng hoảng kinh tế, các nhà lãnh đạo thường hấp tấp muốn tuyên bố chiến thắng và quay lại chính sách bình thường. Nếu quá vội vàng, kinh tế có thể lại suy thoái.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên học hỏi từ những sai lầm của thời kỳ Đại Suy thoái 1930.

                          

Bà Christina Romer là chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của Tổng thống Obama và ngoài ra là một học giả nghiên cứu về thời kỳ Đại Suy thoái.

 

Bà cho biết: “Trong một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ gần đây, tôi nghe thấy một số người nói đến những tia hy vọng của nền kinh tế. Tôi phân vân không biết liệu có phải điều này có nghĩa là chúng ta sẽ ngừng chi tiêu phần lớn số tiền trong kế hoạch 787 tỷ USD cứu kinh tế Mỹ hay không. Khi được hỏi, tôi đã trả lời rằng còn nhiều tháng nữa kinh tế mới hồi phục và khẳng định nên tiếp tục chi tiêu. Mãi sau này, tôi mới nhận ra câu trả lời tốt nhất là kể lại câu chuyện thời kỳ năm 1937.”

 

 

Câu chuyện năm 1937

 

 

Quá trình hồi phục của kinh tế Mỹ từ thời Đại Suy thoái thường được cho hết sức chậm chạp bởi người Mỹ vẫn khó khăn trong tìm việc làm cho đến sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ.

 

Sự thật là quá trình hồi phục trong khoảng thời gian 4 năm sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt nhậm nhiệm sở năm 1933 đã hết sức mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP trung bình đạt 9%. Tỷ lệ thất nghiệp từ mức đỉnh 25% xuống còn 14%. Nước Mỹ chưa bao giờ trải qua thời kỳ tăng trưởng bùng nổ đến như vậy.

 

Tuy nhiên đà tăng trưởng đó bị chặn lại bởi lần thứ hai kinh tế đi xuống vào năm 1937-1938. Tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên 19%. Nguyên nhân chính đằng sau đợt suy thoái lần hai này là việc chuyển hướng chính sách tài khoá và tiền tệ một cách bất cẩn.

 

Năm 1936, kinh tế tăng trưởng một phần bởi Quốc hội đã bỏ qua phủ quyết của Tổng thống

Roosevelt và đưa ra chính sách thưởng lớn dành cho các cựu chiến binh của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

 

Năm 1937, kế hoạch kích thích này chấm dứt. Lần đầu tiên, chính phủ thu thuế an sinh xã hội. Những yếu tố này giảm thâm hụt ngân sách ở mức tương đương 2,5% GDP nhưng gây áp lực suy giảm lớn.

 

Một yếu tố khác gây ảnh hưởng không tốt lên kinh tế là việc chuyển hướng thu hẹp chính sách tiền tệ. Năm 1936, FED cân nhắc đến chính sách thoái lui. Sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng Mỹ nắm lượng dự trữ lớn hơn yêu cầu của chính phủ.

 

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại số dự trữ quá lớn này sẽ khiến họ khó khăn khi lạm phát tăng hay hoạt động đầu cơ lại tăng cao trên phố Wall.

 

Tháng 7/1936, những người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang tuyên bố lượng dự trữ dồi dào quá như trên sẽ khiến hoạt động tín dụng tăng trưởng quá nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thông báo quyết định hạn chế lượng dự trữ này như một biện pháp phòng ngừa. FED nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi. Các ngân hàng, vẫn hết sức sợ hãi sau cú sốc tài chính đầu thập niên 1930, muốn giữ dự trữ lớn như một cách tự vệ.

 

Khi lượng dự trữ lớn đó bị điều chỉnh, thay vào đó các ngân hàng hạn chế tín dụng. Theo nghiên cứu của Milton Friedman và Anna Schwartz, việc thu hẹp chính sách tiền tệ là nguyên nhân chính gây ra suy thoái thời 1937-1938.

 

 

Ý nghĩa cho hiện tại

 

 

Câu chuyện của năm 1937 có rất nhiều ý nghĩa với hiện nay. Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các nhà lãnh đạo thường hấp tấp muốn tuyên bố chiến thắng và quay lại chính sách bình thường. Họ cần phải chế ngự được mong muốn này cho đến khi thị trường việc làm trở lại bình thường. Khủng hoảng tài chính có thể đã qua, nhưng nó sẽ để lại những vết sẹo sâu, tổ chức tài chính, người tiêu dùng và các công ty sẽ hành xử khác đi.

 

Nếu chính phủ rút ra các chính sách hỗ trợ quá sớm, kinh tế có thể suy giảm trở lại, theo sau đó là sự hoảng loạn. Xét trên phương diện này, chúng ta không nên quá vội vàng ngừng các biện pháp kích thích, việc rút bớt các chính sách cần phải được tính toán thật cẩn trọng.

 

Theo Văn phòng ngân sách quốc gia, kế hoạch kích thích kinh tế sẽ chi tiêu gần 400 tỷ USD trong năm tài khoá 2010 nhưng chỉ để lại 130 tỷ USD cho năm 2011. Mức thu hẹp tài khoá tương đương 2% GDP. Nếu tất cả mọi chuyện diễn ra ổn định, nhu cầu cá nhân sẽ tăng lên đủ để bù lại khoảng trống trên. Nếu điều đó không xảy ra, cần kéo dài sự hỗ trợ về chính sách.

 

Có lẽ bài học tốt hơn đó là các nhà hoạch định chính sách kinh tế tìm ra cách hiệu quả hơn để ứng phó với áp lực thu hẹp chính sách kích thích. Ví dụ, bảng cân đối kế toán của FED đã phình gấp đôi trong cuộc khủng hoảng và thu hút nhiều sự chú ý. Nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã công bố rõ ràng rằng việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết.

 

Chương trình tín dụng của FED xét trên phương diện nào đó đang tự thu hẹp lại, nhu cầu đối với các kênh hỗ trợ tín dụng giảm, bảng cân đối kế toán cũng trong tình trạng tương tự. Đã đến lúc FED có thêm công cụ để làm giảm bớt quy mô bảng cân đối kế toán một khi kinh tế hồi phục. Một số chuyên gia cho rằng FED nên có quyền phát hành nợ giống như nhiều Ngân hàng Trung ương khác.

 

FED sẽ có thêm khả năng rút bớt tiền từ hệ thống tài chính. Khi có thêm công cụ, thị trường hẳn sẽ tin tưởng hơn vào việc FED sẽ có thể ứng phó tốt hơn với áp lực lạm phát mà FED không phải củng cố niềm tin bằng cách thu hẹp các chính sách ở thời điểm quá sớm.

 

Thanh tra về khả năng tài khoá

 

Đã đến lúc nghĩ đến tình hình tài khoá dài hạn. Dù Tổng thống Obama thừa hưởng khoản thâm hụt ngân sách lớn, việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng mức thâm hụt này. Trong trung hạn, nếu chuyển sang thu hẹp quá nhanh, quá trình hồi phục sẽ bị cản trở và một cuộc suy thoái trong suy thoái như năm 1937 là điều hoàn toàn có thể lặp lại.

 

Hiện nay, nhiều người lo ngại về khả năng tài khoá dài hạn. Đó là lý do tại sao Tổng thống Obama đã phác ra kế hoạch giảm bớt mức thâm hụt ông phải thừa hưởng xuống một nửa và đề ra mục tiêu tỷ lệ nợ/GDP giảm dần. Trên phương diện này, việc cải cách ngành y tế là một cơ hội vàng. Nguồn gốc thâm hụt ngân sách dài hạn thường là chi phí y tế tăng quá cao.

 

Bằng việc mở rộng pham vi kết hợp với đưa ra cải cách làm chậm đà tăng của chi phi y tế, chúng ta có thể cải thiện tình hình tài khoá trong dài hạn mà không phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

 

Bà Christina Romer kết lại bằng nhận xét: “Một số người trước đây đã chỉ trích kịch liệt tầm nhìn hạn chế của các nhà hoạch định chính sách kinh tế thời cuối thập niên 1930. Tuy nhiên cá nhân tôi cảm nhận được áp lực mà họ đang trải qua. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên tích cực học hỏi từ kinh nghiệm thời kỳ 1937 để không làm chặn đà phục hồi kinh tế trước cả khi sự phục hồi thật sự bắt đầu.”

CafeF

 


ĐỌC THÊM