Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kiểu tràn lan

 Sáng nay (12/6), với 83,50% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thống nhất thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nên theo hướng hỗ trợ cơ bản, tập trung vào các DN đáp ứng đủ điều kiện chứ không thực hiện tràn lan, tránh lãng phí ngân sách.

Thua lỗ, không có khả năng phục hồi buộc phải đào thải

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật này là hỗ trợ theo quy mô DN, đó là các DN nhỏ và vừa. Các DN được nêu trên, nếu được thành lập và hoạt động theo Luật DN và đáp ứng tiêu chí là DNNVV theo quy định của Luật này thì cũng được hưởng các hỗ trợ.

Chính sách trong dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng phân nhóm hỗ trợ, cụ thể là: Nhóm hỗ trợ chung, thiết yếu căn bản cho tất cả các DNNVV để tạo điều kiện ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh (tiếp cận tín dụng, tư vấn, đào tạo, pháp lý); nhóm hỗ trợ giảm chi phí, thời gian (thủ tục thuế, kế toán đơn giản hơn cho DN siêu nhỏ, hỗ trợ giá thuê mặt bằng trong khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, miễn giảm phí tư vấn); nhóm hỗ trợ chỉ dành cho các DN có lợi nhuận (áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường); Nhóm hỗ trợ trọng tâm chỉ dành cho các DN có tiềm năng phát triển, khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao (DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị). Trường hợp DN liên tục thua lỗ, không có khả năng phục hồi thì sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.

Hỗ trợ tín dụng phải tuân theo thị trường

Về nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách; việc quy định căn cứ vào điều kiện ngân sách của từng địa phương để hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo chỉ tạo điều kiện cho các tỉnh có nguồn thu, còn tỉnh nghèo về điều kiện kinh tế, ngân sách còn khó khăn thì sẽ rất khó khăn thực hiện do không có nguồn thu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách, như khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV, hình thành các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, chuỗi phân phối sản phẩm, công nhận địa vị pháp lý của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân… Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn, từng địa phương cũng có điều kiện kinh tế khác nhau, quy định như dự thảo Luật nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương trên cơ sở phù hợp lợi thế so sánh nhằm hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thiết thực nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, có quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ tín dụng với DNNVV. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. “Dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ những quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV; khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để tăng cường xã hội hóa việc xếp hạng tín nhiệm DNNVV”, ông Thanh nhấn mạnh.

Liên quan đến các khoản thuế, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho biết, bên cạnh vai trò huy động nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, pháp luật về thuế còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế. Việc giảm thuế thu nhập DN cho DNNVV cũng được nhiều quốc gia áp dụng. Việc giảm thuế có thể tác động giảm thu trong ngắn hạn, nhưng có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ DNNVV đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn. Dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập DN nhưng có thời hạn và trong từng thời kỳ sẽ được điều chỉnh, sửa đổi cụ thể trong các luật thuế để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật thuế.

Về ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư; bổ sung chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê mặt bằng cho DNNVV trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, định hướng của dự thảo Luật là hỗ trợ theo quy mô DN, việc hỗ trợ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội về việc cần giới hạn đối tượng áp dụng Luật, không hỗ trợ tràn lan, quy định hỗ trợ có thời hạn giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn là nhằm tập trung hỗ trợ các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, hạn chế tình trạng sản xuất xen lẫn trong khu dân cư như hiện nay, góp phần thực hiện bảo vệ môi trường. Việc mở rộng đối tượng áp dụng cho cả DNNVV trong lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ khó khả thi trong điều kiện hiện nay.

Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với 83,50% số phiếu tán thành.

Cải cách hình chính, mở rộng thị trường

Về hỗ trợ mở rộng thị trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư không có nghĩa trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh của DN. Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi phân phối sản phẩm. Quy định như dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ một số DN lớn trong nước có tiềm lực, kinh nghiệm kinh doanh chuỗi bán buôn, bán lẻ hình thành, mở rộng và phát triển chuỗi phân phối sản phẩm để thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích tiêu thụ hàng hóa của DNNVV tại thị trường nội địa. Việc quy định chính quyền địa phương bố trí quỹ đất và xây dựng các cơ chế thúc đẩy hình thành các trung tâm thương mại, các địa điểm kinh doanh cho thuê để hỗ trợ các DNNVV kinh doanh thương mại, dịch vụ sẽ mở rộng đối tượng, khó khả thi, không phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phù hợp mục tiêu hỗ trợ tập trung cho các DNNVV thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến.

Riêng về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho biết, một lý do quan trọng khiến các hộ kinh doanh không có động lực chuyển đổi thành DN vì đang được thực hiện cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành DN; không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không phải thực hiện các quy định như phải có kế toán trưởng, phải thực hiện nhiều biểu mẫu kế toán, kê khai thuế, mất nhiều thời gian kê khai… Quy định như dự thảo Luật cũng chỉ miễn thuế có thời hạn, cùng với hỗ trợ khác như miễn lệ phí môn bài, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… để tạo khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh chuyển thành DN. Đi đôi với hỗ trợ này, pháp luật có liên quan cần bổ sung chế tài về điều kiện kinh doanh trong khu dân cư, yêu cầu bắt buộc hộ kinh doanh phải đưa sản xuất vào cụm công nghiệp tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường…

Phát triển DNNVV là chiến lược lâu dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của nền kinh tế cả nước cũng như của từng địa phương. Các DNNVV được đăng ký thành lập và hoạt động trên một số địa bàn, địa giới hành chính nhất định, do vậy không cần phân định đối tượng doanh nghiệp nào thuộc trung ương hỗ trợ, DNNVV nào thuộc địa phương hỗ trợ mà quy định trách nhiệm theo nội dung hỗ trợ. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung như về thuế, kế toán, tiếp cận tín dụng, đất đai của trung ương thì chính sách của từng địa phương về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực… còn tùy thuộc vào khả năng nguồn lực và sự năng động, quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Luật đã bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý để địa phương phát huy thế mạnh, như thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, tham gia đầu tư cùng Quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn, bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến động vật, sản phẩm động vật, nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản…

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện vai trò điều phối, xác định mục tiêu, đối tượng, trọng tâm hỗ trợ để xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ DNNVV, hướng dẫn việc kiện toàn hệ thống hỗ trợ doanh DNNVV; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV trên phạm vi toàn quốc và đương nhiên có trách nhiệm thực hiện tốt việc phối hợp với UBND các tỉnh. Về ý kiến, cần tập trung vào một số việc như cải cách bộ máy tổ chức, đổi mới tinh thần phục vụ của công chức; cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ yêu cầu Chính phủ cải tiến, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành.

Nguồn tin: KT&ĐT

ĐỌC THÊM