Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không đơn giản chỉ là phá giá đồng tiền

Hoạch định và thực thi chính sách tỉ giá không chỉ đơn giản là phá giá đồng tiền để đạt được mục tiêu "tăng xuất khẩu", nhất là đối với nền kinh tế Việt Nam có nhiều đặc thù riêng.

5 đặc điểm ảnh hưởng đến quyết sách tỉ giá

Đối với thực tế của VN, có 5 đặc điểm kinh tế và thị trường tài chính cần được nhấn mạnh xem xét trong các quyết sách về tỉ giá, đó là:

- Nền kinh tế VN đang trong giai đoạn phát triển nên có nhu cầu lớn về NK. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê hiện nay khoảng 90% tổng giá trị hàng nhập là nhập thiết bị máy móc và nguyên, vật liệu sản xuất. Vì vậy, việc tăng hay giảm giá trị NK sẽ phụ thuộc nhiều vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế hơn là tỉ giá hối đoái.

- Trong cấu thành các mặt hàng XK của VN, nguyên liệu NK chiếm tỉ trọng đến 70% là giá trị hàng NK. Trong cơ cấu hàng XK của VN thì dầu thô, hàng dệt may, thủy sản và gạo chiếm tỉ trọng tương đối lớn (khoảng gần 40%), mà giá trị XK của các mặt hàng này chủ yếu dựa vào kết quả của hoạt động sản xuất và khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế hơn là tỉ giá hối đoái. Do vậy, một sự giảm giá VND không chắc đã làm tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng XK bởi năng lực cạnh tranh của hàng XK chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen nhau. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất hàng hóa thay thế NK và hàng hóa đủ tiêu chuẩn XK ở VN đều còn hạn chế.

Nếu VND lên giá thì một số lĩnh vực cũng bị ảnh hưởng, nhưng tựu chung lại là tác động không lớn. Chẳng hạn khối DN xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản là nhóm hàng chủ yếu sản xuất ở trong nước chịu tác động bất lợi hơn đối với các DN sản xuất hàng gia công chế biến, lắp ráp linh kiện điện tử. Khối khai thác dầu khí chịu bất lợi khi VND lên giá, nhưng do giá thế giới lên cao, nên tác động không lớn.

- Lạm phát của VN tuy đã được kiểm soát ở mức dưới hai con số, nhưng tính ổn định chưa cao, còn tiềm ẩn những yếu tố gây áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách kéo dài, vay nợ nước ngoài để bù đắp thâm hụt ngày càng tăng.

- Nền kinh tế VN là nền kinh tế đang bị “USD hóa”, trong suốt thời kỳ cải cách (tuy mức độ đôla hóa tính theo tiêu chí của IMF có giảm dần). Vì vậy, nếu các biện pháp chính sách tiền tệ, tỉ giá hối đoái thiếu thận trọng, không cân nhắc đến tất cả các khía cạnh của vấn đế thì hậu quả của bất ổn vĩ mô là rất nặng nề.

- Từ năm 2007, VN chính thức trở thành thành viên của WTO, phải đối mặt với hiện tượng “bộ ba bất khả thi”, đó là, khi dòng vốn nước ngoài vào nhiều, để ổn định tỉ giá NHNN mua ngoại tệ, qua đó gây áp lực lạm phát, việc kiểm soát dòng vốn theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối thì VN đã tự do hoá giao dịch vãng lai, còn các giao dịch vốn chưa được tự do hoàn toàn nhưng đã nới lỏng một cách tương đối. Theo lý thuyết này, với một tài khoản vốn mở, một quốc gia không thể đạt được cùng một lúc 2 mục tiêu ổn định lạm phát và ổn định tỉ giá. Các nỗ lực tăng lãi suất để làm giảm áp lực lạm phát thì đồng thời cũng làm tăng khả năng hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Vì vậy, tỉ giá lại được nâng lên, nhưng điều này lại làm suy yếu mục tiêu của các NHTƯ về tỉ giá hối đoái. Tác động hai chiều ngược nhau của chính sách này đã tác động mạnh trong môi trường hiện tại. Đối với các thị trường mới nổi, nơi mà thị trường tài chính và tiền tệ còn kém phát triển, thì hiện tượng “bộ ba bất khả thi” là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.

Khống chế biên độ là giải pháp hữu hiệu     

Trong tình hình hiện nay, NHNN nhấn mạnh vai trò của tỉ giá như một công cụ quan trọng để ổn định vĩ mô và ổn định thị trường tài chính là đúng hướng. Cơ chế điều hành tỉ giá khống chế biên độ và điều hành thận trọng của NHNN hiện là giải pháp hữu hiệu nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, trong dài hạn, khi nền kinh tế đã đạt được những điều kiện nhất định như: Tiềm lực tài chính của quốc gia đã đủ mạnh; thị trường tài chính phát triển đầy đủ và vận hành ổn định; tình trạng USD hóa trong nền kinh tế được kiểm soát mức thấp; lạm phát ở mức ổn định; Cơ cấu XNK có sự thay đổi căn bản, theo hướng XK các mặt hàng tinh chế, tỉ trọng XK các mặt hàng thô giảm, giá trị hàng xuất được hình thành chủ yếu bằng nguyên, vật liệu trong nước thì việc điều hành tỉ giá nên nhấn mạnh tầm quan trọng của tỉ giá là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện cán cân thương mại, tăng khả năng cạnh tranh trong XK, từ đó đảm bảo tính bền vững của cán cân thanh toán nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Nguồn: LĐ