Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không dễ tiếp cận vốn vay lãi suất thấp

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã định hướng đưa lãi suất cho vay tiền đồng xuống còn 17%- 19%/năm từ cuối tháng 9 và nhiều ngân hàng cũng công bố các gói tín dụng lãi suất thấp nhưng thực tế để vay được với lãi suất thấp không phải dễ.

Lý do đầu tiên là ngân hàng không tìm được doanh nghiệp tốt để cho vay, vì với mức lãi suất thấp, các ngân hàng sẽ phải lựa chọn rất kỹ các khách hàng để cho vay, và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tốt theo các tiêu chí của ngân hàng để tiếp cận được vốn tiền đồng với lãi suất thấp.

Là ngân hàng có lợi thế về tài trợ xuất nhập khẩu, Ngân hàng Eximbank đã đưa các gói tín dụng với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết đến nay ngân hàng đã giải ngân được khoảng 500- 600 tỉ đồng với lãi suất thấp. Tuy nhiên ông Phước cho biết phải có điều kiện đối với doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp, như ngoài hoạt động tốt còn phải cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho rằng doanh nghiệp phải có đầu ra, phải làm được thì mới đi vay tiền. Lãi suất cao chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông nói.

Trong khi đó, trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng quốc doanh cho biết ngân hàng của ông có giảm lãi suất xuống 18%, và trên thực tế những doanh nghiệp tốt còn được hưởng lãi suất 17%. Thế nhưng, số lượng giải ngân gần đây với lãi suất thấp không nhiều, chỉ chừng vài chục tỉ đồng. “Đa số những doanh nghiệp vay là các doanh nghiệp cũ, ngày xưa ngừng vay vì lãi suất quá cao nay trở lại vay vốn. Còn khách hàng mới thì phải thực sự tốt lắm mới vay được”, ông nói.

Ông cũng cho biết là điều kiện để xét cho vay cũng có phần khắt khe hơn từ báo cáo tài chính minh bạch, tình hình làm ăn hiện tại của doanh nghiệp, và dĩ nhiên là phải có đủ tài sản đảm bảo.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, cho biết hiện nhiều ngân hàng có gọi điện cho hiệp hội nhờ hỗ trợ để họ đến tuyên truyền cho doanh nghiệp vay với lãi suất 18- 18,5%, trong đó có ngân hàng Vietcombank cũng sẵn sàng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ không dám vay, vì lợi nhuận của họ cũng không đến 10% do chi phí đầu vào hiện quá lớn, trong khi giá bán sản phẩm lại không cao, ông Hưng nói.

“Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang sản xuất cầm chừng, một số thì đóng cửa nghỉ, chỉ có doanh nghiệp lớn mới dám vay để cầm hơi hoặc cần thiết lắm mới vay để giải quyết ngắn hạn. Hiện doanh nghiệp không bán được hàng nên tồn kho nhiều, nhất là các sản phẩm bất động sản, nên bây giờ vay tiếp để sản xuất tiếp lại càng chết”, ông Hưng nói.

Lãnh đạo một công ty sản xuất thép lớn cũng nói thời điểm kinh tế bất ổn như hiện nay thì tốt nhất là thu hẹp bớt sản xuất và tăng cường trả bớt nợ chứ không phải đi vay vốn.

Đối với những doanh nghiệp lớn, làm ăn tốt và có uy tín thì vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng, và thậm chí được ngân hàng săn đón mời đến vay vốn. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cho biết Sài Gòn 3 gần đây được khá nhiều ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất thấp hơn mức lãi suất nhiều doanh nghiệp khác đang phải vay, tuy nhiên lúc đó công ty chưa có nhu cầu vay vốn.

Trong khi đó, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Saigon (Garmex Saigon), cho biết hiện các ngân hàng cạnh tranh nhau nên doanh nghiệp xuất khẩu cũng được hưởng lợi. Công ty Garmex Saigon hiện đang được một ngân hàng cho vay tín chấp bằng ngoại tệ với lãi suất khá thấp, ông Hùng nói.

Bên cạnh những lý do về phía doanh nghiệp, thì ngân hàng cũng có những khó khăn trong việc giải ngân vốn giá rẻ. Một số chi nhánh ngân hàng hoặc các ngân hàng nhỏ cho biết do bị chặn bởi trần tăng trưởng tín dụng 20% nên thực sự họ cũng không thể cho vay vốn được nhiều.

Thêm vào đó, từ ngày 8-9, khi lãi suất huy động bị buộc phải đứng ở mức 14%/năm thì các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, đang e ngại thiếu vốn huy động, và nếu huy động không được thì không thể cho vay. Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ ở TPHCM cho biết từ ngày 8-9 đến nay huy động vốn của ông đã giảm nhẹ cho nên cũng không mạnh dạn cho vay.

Với cùng mức lãi suất 14% thì rõ ràng ngân hàng lớn có lợi thế huy động hơn. Do vậy, các ngân hàng nhỏ đã tìm cách nâng lãi suất huy động lên mức cao nhất 14% kể cả cho những kỳ hạn rất ngắn để thu hút khách hàng. Mới đây ngày 12-9, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) đã chính thức điều chỉnh mức lãi suất huy động lên 14%/năm áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày và 6 ngày, và dành cho mọi khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Nguồn tin: TBKTSG Online