Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không dễ đầu tư ra nước ngoài

Quá nhiều vướng mắc trong cấp phép, đặc biệt là thủ tục liên quan đến ngân hàng - đó là phản ánh của các doanh nghiệp (DN) đang thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài trong buổi gặp lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 5.9, tại TP.HCM.

Theo bà Vũ Hương Giang, Trưởng bộ phận phụ trách đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Mai Linh, tập đoàn này đã đầu tư vào nhiều nước như Campuchia, Nga, Nhật, Thái Lan... với nhiều lĩnh vực khác nhau. Khó khăn lớn nhất là mất nhiều thời gian xin phép các cơ quan chức năng trong nước trước khi có giấy phép ở nước sở tại. Quy định là cấp phép trong vòng 15 ngày nhưng thực thế DN phải mất vài tháng. Bà Giang cho rằng quy định bắt buộc thẩm định dự án có vốn đầu tư trên 15 tỉ đồng là không phù hợp. "Nó không chỉ làm mất quá nhiều thời gian thẩm định mà còn tạo ra hệ quả xấu, đó là làm cho nhiều nhà đầu tư lách luật. Họ đăng ký dưới 15 tỉ đồng rồi sau đó điều chỉnh vốn, như thế sẽ nhanh chóng được cấp phép hơn", bà Giang nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vietranimex phản ánh, trong 6 tháng qua, công ty gửãi văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết hồ sơ nhưng vẫn chưa thấy Bộ trả lời. "Thậm chí chúng tôi ghi chú nếu Bộ không giải quyết thì xin ghi rõ để chúng tôi còn khiếu kiện", ông nói. Chưa hết, ông Thanh còn kể chuyện "cười ra nước mắt" về dự án xây dựng Khu thương mại quốc gia Việt Nam tại Trung Quốc: "Trung tâm hoàn tất việc xây dựng và hôm làm lễ cắt băng khánh thành có Thủ tướng qua dự, thế mà dự án này vẫn chưa xong thủ tục". Vòng luẩn quẩn ở chỗ phía Trung Quốc chỉ cấp phép sau khi nhà đầu tư chuyển vốn vào tài khoản ở Trung Quốc. Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nhất định không cho DN chuyển vốn nếu chưa có giấy phép đầu tư do nước sở tại cấp. Cũng vì quy định đó, ông Nguyễn Quang Thuật, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Foodinco, cho rằng công ty ông đã mất cơ hội làm ăn lớn với thị trường châu Phi. "Quy định của ngân hàng là đúng theo luật nhưng vô lý với thực tế của DN", ông nói.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư ra nước ngoài không chỉ đơn thuần là chuyện làm ăn của DN mà còn là an ninh tài chính quốc gia. Vấn đề lạm phát của Việt Nam cũng là điều đáng suy nghĩ vì có liên quan đến dòng vốn trong sự liên thông giữa vào và ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hoàng nói rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo nghị định để sửa đổi quy định hiện nay nhằm giảm bớt khó khăn cho DN. Quy trình đầu ra cấp phép sẽ đơn giản hơn, hậu kiểm sẽ là giai đoạn quan trọng. DN sẽ chỉ bị yêu cầu như phải có dự án đầu tư, tư cách pháp lý, không có nợ thuế trong nước...

Liên quan đến việc cấp phép, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư nước ngoài Bùi Quốc Trung cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tính đến phương án phân cấp cho địa phương cấp phép đối với dự án đầu tư ra nước ngoài như đầu tư trong nước. Và trong kế hoạch thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ khuyến khích những dự án đầu tư vào lĩnh vực tạo nguồn nguyên liệu cho nhu cầu trong nước thay thế nhập khẩu. Ngoài ra, để khuyến khích đầu tư ở lĩnh vực này Bộ cũng kiến nghị Chính phủ thúc đẩy ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần ở các nước có nhiều nhà đầu tư Việt Nam hoạt động. Như thế nhà đầu tư trong nước sẽ không phải chịu thuế hai lần cho một khoản lợi nhuận được chuyển về nước.

Đến nay cả nước có 317 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 2,5 tỉ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỉ USD. Các dự án tập trung vào các nước Lào, Malaysia, Campuchia, Iraq, Nga, Singapore... với các lĩnh vực chính như trồng rừng cao su, thủy điện, xây dựng, dầu khí, dịch vụ...

Thanh Niên


ĐỌC THÊM