Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không có chuyện giá thép tăng bất hợp lý

Chi phí đầu vào tăng tác động đến giá thép

Theo quy luật thông thường, tháng 7, tháng 8 (tháng 7 âm lịch) hàng năm không phải là mùa xây dựng nên sức tiêu thụ thép trên thị trường thường giảm. Thế nhưng năm nay, nhu cầu sử dụng thép lại tăng hơn hẳn.

 - Trên thị trường, giá thép đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu như đầu năm, giá thép cuộn phi 6 dao động từ 10,2- 10,3 triệu đồng/tấn thì đến đầu tháng 7, giá đã tăng lên từ 10,67- 10.78 triệu đồng/tấn; giá thép tròn đốt cũng tăng, hiện ở mức từ 10,71- 11,2 triệu đồng/tấn (chưa kể thuế VAT) tùy từng thương hiệu.

Theo Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA), do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, quý 1 năm nay lượng thép tiêu thụ chỉ đạt khoảng 150 nghìn tấn, bằng 1/2 so với mọi năm. Nhưng từ quý 2, các gói kích cầu của Chính phủ đã có hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân cho các dự án đầu tư trong nước, đặc biệt là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà ở xã hội….. dẫn đến nhu cầu thép tăng mạnh. Đây là dấu hiệu khá tốt cho thị trường thép Việt Nam.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay lượng thép sản xuất giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sức tiêu thụ đã tăng 4,25%. Chỉ tính riêng trong tháng 7, các DN sản xuất khoảng 340 nghìn tấn thép thì đã tiêu thụ được xấp xỉ 340 ngàn tấn; tháng 6 do lượng thép tiêu thụ cao cũng lên tới 352 nghìn tấn.

Tuy nhiên, trước sự biến động của giá thép trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến đặt câu hỏi, giá thép sẽ tăng đến đâu? Liệu các doanh nghiệp có nâng giá thép một cách bữa bãi?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam cho biết, giá thép lên hay xuống là tùy thuộc vào quy luật cung- cầu. Trong khi sản xuất thép trong nước đã vượt nhu cầu khá nhiều. Hiện các doanh nghiệp (DN) thép sản xuất khoảng 7 triệu tấn thép thành phẩm mỗi năm nhưng nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 4 triệu tấn. Vì thế, nguồn cung trên thị trường khá dồi dào như vậy. Hơn nữa, ngành thép sản xuất thép là ngành đa thành phần kinh tế với tính cạnh tranh cao, nếu các DN nâng giá bất hợp lý sẽ tự đánh mất thị phần. Trên thực tế, các DN trong nước chiếm 76% thị trường, 24% còn lại thuộc về các công ty liên doanh với nước ngoài. Thời gian qua, sản phẩm của một số DN thép mới gia nhập thị trường đã phải bán với giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại khác để chiếm khách hàng như: thép Sông Hồng bán rẻ hơn các loại thép có thương hiệu từ 400- 500 nghìn đồng/tấn, thép Vinakyoei rẻ hơn từ 100- 300 nghìn đồng/tấn… “Vì thế, các DN khó mà có thể nâng giá bừa bãi được”- ông Nghi khẳng định.

Còn vì sao giá thép tăng nhanh, theo ông Nghi, thứ nhất, do quý I/2009, sản xuất đình trệ, nhiều DN phải bán thép dưới giá thành nay phải đưa giá bán trở lại để bù lỗ và có lãi chút ít. Thứ hai, do sản xuất thép trong nước vẫn phụ thuộc đến 40% vào phôi thép nhập khẩu, nhưng trong những tháng gần đây giá phôi lại tăng mạnh. Nếu như giá phôi tháng 3/2009 giảm chỉ còn 220 USD/tấn thì hiện nay đã tăng khoảng 340 USD/tấn. Đó là chưa nói đến, thực tế tỷ giá USD/VND những tháng qua tăng đáng kể; và giá điện, giá dầu FO tăng cũng góp phần làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất.

Trong lúc sản xuất thép cung lớn hơn cầu thì các DN trong nước còn phải cạnh tranh với sự gia nhập ồ ạt của thép ngoại có giá bán rẻ hơn. Không chỉ có thép Trung Quốc vào Việt Nam, thép từ các nước ASEAN cũng có mặt ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam. Bởi vì, theo cam kết, từ đầu năm nay, thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam là 0%. Sau khi trừ hết mọi chi phí nhập khẩu, thép ASEAN nhập vào vẫn thấp hơn thép trong nước từ 500- 700 nghìn đồng/tấn. Theo số liệu của Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng thép thành phẩm và nguyên liệu thép nhập khẩu vào nước ta đạt hơn 5,1 triệu tấn. Chỉ tính riêng thép cuộn ngoại, mỗi tháng tràn vào thị trường gần 38 nghìn tấn đã khiến thị phần thép cuộn trong nước giảm từ 25% trong quý 1/2009 xuống còn 20%. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, các nước xuất khẩu thép đang dư thừa với số lượng lớn và đang tìm thị trường để xuất khẩu. Việt Nam cũng là một trong những thị trường được các nước này hướng tới. Vì thế, nếu thép Việt Nam tăng quá mức sẽ càng tạo cơ hội để thép ngoại tràn vào thị trường.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các nước sản xuất thép lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang thảo luận với các nước xuất khẩu như Braxin, Oxtraylia yêu cầu hạ giá nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than luyện cốc xuống từ 30 – 40%. Gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đã chấp thuận giảm 33% giá quặng so với năm 2008. Riêng Trung Quốc, nước sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu thép lớn nhất thế giới vẫn chưa ký hợp đồng với các nước xuất khẩu quặng để gây áp lực đòi giảm giá nữa.

Trong nước, thời gian tới, một số dự án thép liên hợp của Đài Loan, Malaixia, Hàn Quốc sẽ được triển khai ở Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ khiến nguồn cung thép tiếp tục tăng.

Xuất phát từ những yếu tố trên, Hiệp Hội Thép Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, giá thép trên thị trường có thể có biến động nhưng không thể tăng đột biến.

(Công Thương)

ĐỌC THÊM