Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khốn đốn vì giá vật liệu "trở chứng"

Sau nửa năm “án binh bất động”, hai tháng qua, hàng loạt công trình xây dựng đã khởi động trở lại… Tuy nhiên, các chủ công trình lại đối mặt với sự “trở chứng” của giá vật liệu xây dựng (VLXD).

“Hùa nhau” tăng giá

Những tháng sau tết kéo dài cho đến giữa năm 2009, giá VLXD liên tục giảm mạnh, trong đó có thời điểm giá thép xuống 9 triệu đồng/tấn. Với mức giá này so với “thời vàng son” trước đó, giá thép đã giảm hơn 50%. Còn các loại VLXD khác như cát, đá, gạch… cũng giảm bình quân 15%-30% tùy loại. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản “đóng băng”, hầu hết công trình đều “trùm mền” (riêng thép tồn kho hàng trăm ngàn tấn). Lợi dụng thời cơ giá VLXD giảm giá mạnh cũng như nhận thấy gói kích cầu của Chính phủ và các địa phương bắt đầu phát huy hiệu quả, nhiều chủ công trình tranh thủ lên kế hoạch xây dựng công trình nhằm “chạy giá”. Tuy nhiên, khi các công trình bắt đầu đi vào khởi công, cũng là lúc những đơn vị sản xuất, kinh doanh VLXD “tỉnh giấc sau cơn ngủ đông” và đồng loạt tăng giá trở lại.

Cuối tháng 5 và bước vào tháng 6, các công ty sản xuất, kinh doanh thép tiên phong tăng giá và dẫn dắt các mặt hàng VLXD hùa nhau tăng theo. Chỉ tính đến hết tháng 7, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép có ít nhất 6 lần tăng giá.

Do đó, giá thép từ 9 triệu đồng/tấn, nhanh chóng được đẩy lên 11,8 triệu đồng/tấn. Do giá thép “quay ngược” quá nhanh, trong khi trước đó một số doanh nghiệp cán thép phải ngưng sản xuất vì không tiêu thụ được càng khiến giá thép bị tăng “ảo” lên mức 13-14 triệu đồng/tấn. Chưa dừng lại đó, bước qua đầu tháng 8, Công ty Thép Miền Nam thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam lại nâng tiếp giá bán ở khu vực phía Nam thêm 100.000-250.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và cây. “Noi gương” thép Miền Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép cũng đẩy giá lên tương ứng. Hiện tại, giá thép cuộn phi 6-8 bên ngoài thị trường ở mức trên 12 triệu đồng/tấn. Riêng thép Việt Úc phi 16 có giá 210.000 đồng/cây; thép cây phi 18 của Vina Kyoei và thép Pomina bán từ 495.000-497.000 đồng/cây…

Như vậy, so với giá thép trong tháng 7, hiện chủ công trình phải trả chênh lệch thêm 100.000 đồng/cây. Tương tự, các VLXD khác như gạch, sơn và một số loại gốm sứ nội thất cũng tăng giá từ 20%-30%. Đơn cử, gạch lát nền (40cm x 40cm) từ 109.560 đồng/thùng, nay tăng lên 135.960 đồng/thùng, gạch viên 4Lnice (13cm x 40cm) từ 97.900 đồng/thùng tăng lên 165.000 đồng/thùng; cát, đá từ 220.000 - 250.000 đồng/xe. Riêng xi măng nhờ nguồn cung dồi dào nên đối với những thương hiệu lớn tăng thêm 1.000 đồng/bao, còn bình quân vẫn ở mức 59.000 - 69.000 đồng/bao.

Theo giải thích của các nhà sản xuất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá VLXD liên tục tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng. Mặt khác, nhiều công trình xây dựng cùng lúc được triển khai nên nguồn cung không “rót” kịp. Trong khi đó, các cửa hàng VLXD lại cho rằng, hầu hết VLXD tăng giá là do vừa qua giá xăng tăng liên tục khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Phải ký hợp đồng xây dựng... mở

Không chỉ VLXD tăng giá, mà đơn giá thi công công trình cũng có mức tăng 30%-50% và rất khan hiếm nguồn nhân lực càng khiến chủ các công trình thêm khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Tính, đang xây dựng căn nhà diện tích 4m x 16m, gồm 3,5 tầng lầu, ở phường Tân Thới Nhất quận 12 cho biết, lúc giá VLXD giảm sâu vợ chồng chị hớn hở lập dự toán kinh phí xây dựng căn nhà hết khoảng 600 triệu đồng. Thế nhưng, đến thời điểm này khi mới xây đến tầng 1, giá VLXD tăng trở lại khiến chi phí vật tư phát sinh thêm khoảng 30%. Chưa kể, chủ thầu yêu cầu chị phải trả thêm 40 triệu đồng tiền thi công nếu không sẽ hủy hợp đồng, vì thợ đòi tăng giá nếu không sẽ kéo nhau nghỉ.

“Với dự toán ban đầu, vợ chồng tôi đã vay ngân hàng 40% và mượn bà con hơn 100 triệu đồng. Bây giờ phát sinh hơn 200 triệu đồng biết đào đâu ra”, chị Tính buồn rầu tâm sự. Theo chị, nếu giá VLXD không giảm trở lại, giải pháp trước mắt là “cắt” bỏ một tầng lầu, chừng nào có tiền mới làm tiếp.

Trong khi đó, để giảm bớt rủi ro thiệt hại, các nhà thầu xây dựng phải thuyết phục khách hàng ký hợp đồng theo từng giai đoạn hoặc hợp đồng mở, tức nhà đầu tư cùng chia sẻ khoảng chênh lệch với nhà thầu khi giá nguyên liệu tăng cao. Một số công ty khác thì cho rằng, với tình hình giá cả VLXD có xu hướng tăng cao như hiện nay, họ đã phải tính toán và điều chỉnh lại toàn bộ các công trình đang thi công để hạn chế tối đa sự thua lỗ.

Giá VLXD tăng cao không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng mà tác động không tốt đến thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia ngành xây dựng, giá cả VLXD tăng là do chịu sự tác động của quá trình điều chỉnh giá điện, xăng dầu và phôi thép thế giới. Tuy nhiên, tăng giá VLXD tại thời điểm này thì chưa hợp lý, bởi sẽ khiến cho chính sách bình ổn giá của Chính phủ bị xáo trộn, đồng thời tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vừa mới khôi phục.

Do đó, tạm thời Nhà nước nên bảo hộ mặt hàng VLXD, đặc biệt là thép trong một thời gian bằng cách hỗ trợ các công ty sản xuất giảm bớt thua lỗ, ít nhất là hết năm 2009. Đến lúc đó nền kinh tế đã ổn định hơn, sự tăng giá của các mặt hàng VLXD sẽ ít gây xáo trộn thị trường.

(Stockbiz)

ĐỌC THÊM