Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khó giảm lãi suất USD

Hai tháng gần đây, lãi suất USD (cả huy động và cho vay) liên tục tăng. Nếu so sánh với mặt bằng chung của nhiều nền kinh tế phát triển, thì lãi suất huy động USD ở VN đã cao hơn 10 lần, còn lãi suất cho vay cũng cao gần xấp xỉ 2 lần, thế nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu lãi suất USD sẽ dừng ở mức mà nhiều NHTM đang công bố.

Trong ít tháng đầu năm 2010, việc nguồn vốn USD tạm dư thừa đã là vấn nạn của không ít các Ngân hàng thương mại (NHTM), vì thế bằng nhiều cách NHTM phải đẩy vốn ngoại tệ ra thông qua những sản phẩm tín dụng với lãi suất (LS) thấp so với LS cho vay VND. Nhưng tình thế đã đổi chiều nhanh chóng, khi 2 tháng gần đây LS USD liên tục tăng. Nếu so sánh với mặt bằng chung của nhiều nền kinh tế phát triển, thì LS huy động USD ở VN đã cao hơn 10 lần, còn LS cho vay cũng cao gần xấp xỉ 2 lần, thế nhưng, hiện vẫn chưa có dấu hiệu lãi suất USD sẽ dừng ở mức mà nhiều NHTM đang công bố chứ chưa nói là sẽ giảm.

Việc lãi suất USD tăng trước mắt có thể giải quyết được một số vướng mắc về thanh khoản, về nguồn vốn của NH..., nhưng về lâu dài việc duy trì LS cao sẽ khiến các NH (nhất là các NH trong nước) trở thành những “kẻ cho vay nặng lãi”, mất dần những khách hàng tốt vào tay NH nước ngoài hiện đang hoạt động ở VN. Lãi suất USD cao không thể hỗ trợ cho các DN xuất khẩu giảm giá thành, không làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, không khuyến khích việc bán USD cho NH để tăng nguồn ngoại tệ kinh doanh bù đắp cho phần thâm hụt thương mại của nền kinh tế.

LS thấp khó khả thi

Trong bối cảnh VN hiện nay việc mong chờ lãi suất USD giảm thấp là khó khăn do một số nguyên nhân:

(i) VN có nhu cầu vốn lớn, mức tích lũy thấp, những rủi ro của môi trường kinh doanh/chính sách không nhỏ thì việc hy vọng huy động vốn giá rẻ để từ đó cho vay với LS thấp là khó khả thi.

(ii) Do hệ thống NH chưa phát triển, tình trạng USD hóa nền kinh tế ở mức cao, tỉ lệ dùng tiền mặt cao, tích lũy của dân cư dưới dạng tiền mặt, ngoại tệ và vàng lớn nên có một lượng không nhỏ ngoại tệ trôi nổi ngoài hệ thống NH. NH muốn huy động được tối đa nguồn vốn ngoại tệ này thì LS huy động phải đủ hấp dẫn người gửi, lợi tức không quá nhỏ so với việc tìm kiếm lợi nhuận ở các lĩnh vực khác/ hoặc khoản LS tiền gửi ngoại tệ không thể quá nhỏ so với lãi vay mà NH phải trả nếu đi vay trên thị trường tài chính quốc tế.

(iii) Ở VN hiện tại, những cơn sốt giá về vàng, ngoại tệ, nhà đất, hàng hóa nói chung hay xảy ra với tần suất lớn, ngoài ra còn có những ưu đãi của chính sách với một số lượng không nhỏ các DN... đã đem đến nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao khiến cho người vay sẵn sàng trả giá cao để có vốn, bởi vậy NH khó có thể hạ thấp LS huy động nếu muốn có nguồn tín dụng cho vay.

Đâu là giải pháp?

Nhu cầu USD của nền kinh tế VN là rất lớn, chỉ cần nhẩm tính riêng lượng vốn ngoại tệ cần có để đối ứng trong các dự án đầu tư đã là một con số không phải nhỏ. Khi cầu USD luôn ở mức cao thì khó có thể hy vọng sẽ mua được vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, hiện có thêm các yếu tố: Nguồn cung USD giảm mạnh do trước đây LS tiền gửi USD quá thấp người dân chuyển khá nhiều USD sang VND; thâm hụt cán cân thương mại và dấu hiệu không tốt về tài sản có ngoại tệ ròng của các NH xuống thấp; chuẩn bị thực hiện Thông tư 13, các NH cần huy động USD để ổn định nguồn vốn huy động, các khoản nợ USD đến hạn phải trả...làm cho vấn đề lãi suất và tỉ giá ngày càng khó xử lý hơn.

Nếu không có các giải pháp quản lý/hỗ trợ về chính sách thì thị trường vốn ngoại tệ sẽ dễ trở nên “nóng” kéo theo những hệ lụy khó lường. Tuy nhiên, xử lý vấn đề ngoại tệ luôn là bài toán khó đối với các quốc gia (đồng nội tệ dễ hơn). Bởi vậy nếu để bùng phát cơn sốt ngoại tệ, khả năng dập tắt sẽ khó khăn với sự trả giá không nhỏ. Vấn đề đặt ra là cần xác định mức LS hợp lý để tìm giải pháp thực hiện sẽ hiệu quả hơn việc kêu gọi giảm LS thuần túy bất kể đến thực tại khách quan của nền kinh tế.

Hiện nay, LS cho vay của Mỹ với khách hàng tốt chỉ 3,25%/năm, khách hàng chưa tốt cộng thêm khoảng 1% nữa. Ở VN nếu xét đến yếu tố rủi ro, LS cũng chỉ nên cao hơn 1,5%-2% so với mặt bằng chung của các nền kinh tế phát triển mới tạo điều kiện cho các DN tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nếu chỉ giải quyết bài toán lãi suất USD đơn thuần thì không mấy kết quả, bởi mối quan hệ giữa lãi suất VND và USD, với tỉ giá và thâm hụt thương mại có liên quan tác động với nhau. Phải có cái nhìn tổng thể, giải quyết trọn gói mới đem lại hiệu quả mà những vấn đề này lại nằm ngoài tầm với của các NHTM.

Đây là vấn đề mang tính vĩ mô cần vai trò của Chính phủ, các bộ, trong đó có NHNN. Nếu khả năng tác động bằng nguồn lực vật chất vào thị trường vốn ngoại tệ là hạn chế thì NHNN cần gia tăng sự hỗ trợ chính sách mang tính định hướng rõ ràng ổn định, không giật cục, dễ suy đoán, tăng cường các biện pháp hành chính trong quản lý ngoại hối của các NH; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố thông tin rộng rãi để thị trường tự định đoạt số phận của các NH hoạt động kinh doanh mang tính phiêu lưu mạo hiểm tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, NHNN nên tạo điều kiện cho các NH, các DN hoạt động tốt, tài chính lành mạnh có thể chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay trên thị trường quốc tế để gia tăng nguồn cung. Bên cạnh đó cũng cần có các giải pháp thích hợp đối với thị trường vốn VND để hạ LS thêm nữa, nếu không mức chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn lớn thì khả năng kìm hãm giá cả cho vay ngoại tệ ngày càng trở nên xa vời.

Hiện LS vay VND đã ở ngưỡng giới hạn chịu đựng của phần lớn DN, trong khi LS vay USD dù có tăng thì tính cả tỉ lệ mất giá VND (theo dự báo của một số tổ chức) thì LS vay USD vẫn thấp hơn so với LS VND. Có DN tính toán nếu cộng cả tỉ lệ mất giá (nếu cao nhất là 5% nữa) thì LS  vay USD vẫn thấp hơn LS vay VND (hiện những DN xuất khẩu  tốt chỉ đàm phán với NH LS đi vay trong khoảng 4%-4,5%/năm, như vậy nếu VND có mất giá đi nữa thì LS vay cao nhất cũng chỉ 10%/năm), đây là lý do chính khiến nhu cầu vay USD của DN vẫn tiếp tục cao.

Nguồn: LĐ