Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Huy động đôla để 'cứu' tiền đồng

Lãi suất huy động đôla vừa được Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) nâng lên 6,2% một năm cho kỳ hạn một tháng. Trước đó, một số nhà bang cổ phần khác cũng đưa huy động ngoại tệ vượt 6%.
Giữa tháng, Ngân hàng cổ phần Nam Việt đã tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên trên 6% một năm. Tại nhà băng này, với những khoản tiền gửi từ 30.000 – 70.000 USD, mức lãi suất là 6,12%; riêng với khoản tiền từ 1,5 triệu USD trở lên là 6,24%.

Trong khi đó, Vietbank không có mức lãi suất cao nhất như Ngân hàng Nam Việt, nhưng chỉ cần gửi 1 tháng với khoản tiền từ 25.000 USD, khách hàng đã được hưởng 6,2%.

Một số ngân hàng huy động đôla nhưng chủ yếu để làm thế chấp vay tiền đồng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Một số ngân hàng huy động đôla nhưng chủ yếu để làm thế chấp vay tiền đồng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Với nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB, Eximbank..., lãi suất huy động đôla cao nhất phổ biến ở mức 5% nhưng mới được điều chỉnh lên 5,1-5,2% nếu cam kết không rút trước hạn.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cho biết, lãi suất đôla tăng mạnh trong những ngày gần đây bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, huy động tiền đồng hiện gặp nhiều khó khăn do hạn chế về lãi suất trần 14% một năm. Vì thế, một số nhà băng chuyển sang huy động đôla rồi bán đi lấy tiền đồng. Với tỷ giá thời gian gần đây đã đi vào ổn định, nhà băng cũng không quá lo lắng về rủi ro. Thứ hai, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu vay đôla nhiều hơn do lãi suất tiền đồng hiện quá cao. Sau khi vay đôla xong, họ bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiết lộ, nhiều tổ chức tín dụng nhỏ tăng lãi suất huy động ngoại tệ để lấy nguồn vốn làm thế chấp vay tiền Việt Nam từ các nhà băng khác. Ông này cho biết, việc ngân hàng huy động đôla rồi bán đi lấy tiền đồng cũng có nhưng vẫn ở trong phạm vi kiểm soát. “Ngân hàng thương mại có quyền linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn huy động, miễn là tuân thủ quy định về trạng thái ngoại hối - không được chênh lệch về nguồn ngoại tệ và nội tệ quá 30%”, quan chức này nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc VPBank phân tích, vào thời điểm cuối năm khi lãi suất tiền đồng quá cao, đôla thấp kèm tỷ giá ổn định thì nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp sẽ tăng. Trong khi đó, thời điểm này, nguồn ngoại tệ từ kiều hối về nhiều cộng với tâm lý găm giữ giảm khiến huy động ngoại tệ cũng dễ hơn. “Cả cung và cầu cùng có điểm thuận lợi là nguyên nhân khiến thị trường vốn đôla trở nên sôi động”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia về ngân hàng phân tích, chênh lệch lãi suất giữa tiền đô và đồng lên tới hơn 10% một năm là nguyên nhân khiến các nhà băng tìm tới đôla như một biện pháp giải cứu cho nguồn vốn nội tệ. “Đối với các tổ chức tín dụng nhỏ, đây là biện pháp rất quan trọng”, tổng giám đốc một nhà băng cỡ vừa tại Hà Nội nói.

Ông này tiết lộ, với những tổ chức tín dụng nhỏ, hạn mức vay liên ngân hàng thấp, thậm chí có đơn vị không được nhà băng khác cho vay nếu không có đảm bảo. “Vì thế, nguồn huy động ngoại tệ đang trở thành vật thế chấp để vay tiền đồng nhiều hơn là để cho khách hàng vay. Tuy nhiên, khi những ông nhỏ cứ dâng lãi suất đô lên thì ông lớn cũng phải đi theo, nếu không vốn sẽ chảy sang nơi khác, dù chưa muốn tăng”, ông này nói.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện một số ngân hàng tăng mạnh lãi suất đôla chỉ cho biết, do nhu cầu vốn ngoại tệ vào cuối năm tăng nên họ cần đưa ra các biện pháp để thu hút đôla từ dân cư.

Nguồn: Vnexpress