Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hiểm họa từ cuộc chiến tiền tệ

Không chỉ bất lợi cho nền kinh tế đôi bên, căng thẳng tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn ảnh hưởng đến sự phục hồi của nhiều quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia tại Mỹ tin rằng, Chính quyền Bắc Kinh kiềm giá nhân dân tệ là để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của nước mình trên thị trường quốc tế. Và điều này, theo họ, đã làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ. Và mới đây, Hạ viện Mỹ đã đưa ra dự thảo yêu cầu Chính phủ phải áp đặt thuế trừng phạt lên hàng hóa từ quốc gia nào giữ đồng tiền của mình ở mức thấp.

Tháng 6.2010, Trung Quốc đã tăng giá nhân dân tệ so với đồng yên sau 2 năm giữ ở mức thấp. Kể từ đó, nhân dân tệ đã tăng gần 2% so với USD. Tuy nhiên, vấn đề là nhân dân tệ mạnh hơn không phải là liều thuốc chữa căn bệnh hiện nay của nền kinh tế Mỹ.

Vào những năm 2005-2008, khi nhân dân tệ tăng khoảng 21% so với USD, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng lên. Đơn giản là vì Trung Quốc sản xuất quá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà người Mỹ cần. Do đó, việc giải quyết tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa 2 quốc gia này phải cần đến nhiều động thái hơn là chỉ can thiệp tiền tệ. Nó đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ về mặt cơ cấu ở cả 2 nền kinh tế. Nói một cách đơn giản là người Mỹ phải tiết kiệm hơn và chi tiêu ít hơn. Còn người Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn và bớt tiết kiệm đi.

Nhân dân tệ mạnh hơn cũng không hẳn đã tốt cho người tiêu dùng Mỹ. Bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với việc giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ đắt hơn, càng khiến cho người Mỹ hạn chế chi tiêu do còn phải trả nợ vay ngân hàng và bị ám ảnh bởi nỗi lo thất nghiệp.

Đồng nhân dân tệ mạnh cũng không khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại Mỹ, tức là không có việc làm mới được tạo ra. Chẳng hạn, những nhà máy xuất khẩu tại Trung Quốc có xu hướng di chuyển sang những quốc gia đang phát triển khác như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, nơi có chi phí thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Một mối lo khác là việc kiểm soát chặt chẽ giá nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ gây ra làn sóng giảm giá nội tệ của các quốc gia khác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vốn mỏng manh của nền kinh tế thế giới. Ngày 15.9, Nhật đã can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên trong 6 năm qua để làm hạ giá đồng yên đang tăng cao. Brazil và Hàn Quốc cũng được dự báo sẽ sớm có động thái hạ giá đồng tiền nước họ.

Điều đáng lưu ý là nhân dân tệ tăng rất có lợi cho Trung Quốc về lâu dài. Những gì Trung Quốc đã trải qua trong thời gian nhân dân tệ tăng giá so với USD trước đây đã cho thấy các nhà xuất khẩu của nước này vẫn sống sót, thậm chí tăng trưởng mạnh nhờ nỗ lực hoạt động và chuyên sâu hơn vào công nghệ cao.

Và đây là điều mà Chính quyền Bắc Kinh mong muốn để tạo ra những tập đoàn kinh tế tầm vóc quốc tế. Hơn nữa, nhân dân tệ tăng sẽ giúp cho việc chuyển mình của Trung Quốc từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu thụ nội địa. Từ đó, nền kinh tế nước này ít lệ thuộc hơn vào nhu cầu thế giới, chi tiêu chính phủ và các khoản đầu tư dựa trên vốn vay.

Nguồn: Vinacorp