Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển ngành thép

Hiện nay, ngành thép vẫn phải nhập khẩu gần 50% lượng phôi phục vụ sản xuất. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do ngành thép thiếu công suất luyện phôi còn do thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Nguyên liệu sản xuất phôi thép hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu thép phế liệu. Thế nhưng việc nhập khẩu thép phế này lại đang gặp nhiều khó khăn. Do Luật Bảo vệ môi trường quy định cấm nhập khẩu máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thép phế liệu đã phải nhập khẩu qua nước thứ 3, làm sạch trước khi đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi đã phân loại và đảm bảo điều kiện về môi trường, khi đưa về Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Quý Hải, thành phố Hải Phòng phản ánh, để thực hiện luật bảo vệ môi trường, ngay từ năm 2006, đơn vị của ông đã thành lập một công ty thu mua phế liệu và phá dỡ tàu ở Campuchia. Phía bạn cử quan chức về môi trường tới giám sát quá trình rất chặt chẽ nhưng công việc thu mua vẫn diễn ra khá thuận lợi. Vướng mắc lại ở chỗ sau khi làm sạch một con tàu và chuyển về Việt Nam, công ty của ông phải qua 32 con dấu  mới hoàn thành được việc phá dỡ con tàu.
Điều đó cho thấy những thủ tục để thông quan lô hàng thép phế liệu là khá phức tạp, qua nhiều cấp quản lý, nhiều thủ tục hành chính. Không những vậy, các thông tư, văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường cũng chưa chi tiết, cụ thể và đang dẫn tới những cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhập khẩu và đơn vị kiểm định. Ví dụ: Danh mục thống kê các chất cấm nhập khẩu của Luật môi trường liệt kê rất nhiều loại, nhưng lại không có quy định về mức độ lẫn các chất này trong thép phế liệu là bao nhiêu thì được phép nhập; quy định “phế liệu phải được phân loại, làm sạch các tạp chất”, nhưng “sạch như thế nào?” thì chưa được quy định cụ thể. Hậu quả là nhiều lô hàng của doanh nghiệp phải nằm chờ ở cảng nhiều tháng.
Về vấn đề này, ông Trần Tất Thắng, Giám đốc nhà máy luyện thép của Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên kiến nghị: “Cần nghiên cứu, khảo sát đưa ra định mức, tiêu chuẩn về hàm lượng chất nguy hại cho từng loại phế liệu. Quy định này càng cụ thể bao nhiêu thì càng thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp bấy nhiêu”.
Theo các chuyên gia trong ngành, vấn đề khó khăn nhất trong việc quản lý nhập khẩu phế liệu là khâu kiểm tra, giám định theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất thải đã được ban hành. Do các lô hàng phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, không đồng nhất về thành phần và chất lượng nên việc lấy mẫu giám định gặp nhiều khó khăn, thậm chí đôi khi thiếu chính xác dẫn tới kết quả sai lệch với thực tế, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đào Liêm, Giám đốc Kỹ thuật của Vinacontrol, Bộ Tài nguyên- Môi trường cần nghiên cứu đưa ra phương thức lấy mẫu chung, thống nhất, có tính đại diện nhất. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, xây dựng quy trình kiểm tra về phế liệu để giúp cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra, kể cả đơn vị kinh doanh có thẻ tự kiểm tra. Nhưng để làm được điều này một cách thuận lợi, cần phải có một quy trình thống nhất.
Bảo vệ môi trường là yêu cầu tất yếu và cấp bách đang được đặt ra để đảm bảo phát triển bền vững. Thế nhưng làm sao để đảm bảo môi trường, vừa không gây cản trở trong công việc kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp thì vẫn là bài toán khó chưa được các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp.
Cũng cần nhắc lại, ngay từ khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ tháng 7/2006, những vướng mắc đã được cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp nêu ra, song, cho tới thời điểm này, qua nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, bàn luận nhưng vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết triệt để. Hiện nay, Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thép phế liệu. Tuy nhiên qua trao đổi, đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, dự thảo vẫn quá chung chung, thiếu cụ thể. Nếu không được nghiên cứu kỹ lưỡng thì khi đi vào cuộc sống lại tiếp tục gây ra nhiều tranh luận như đã từng xảy ra ở Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường./.
Cả nước hiện có 25 lò điện (dùng để luyện thép) đã sản xuất và đang xây dựng với công suất 4,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên lượng thép phế liệu thu mua trong nước lại chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm nên phải lệ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, năm 2009 ngành thép sẽ phải nhập từ 2 - 2,5 triệu tấn thép phế liệu và tăng lên 4,5 triệu tấn vào năm 2010. Vì vậy, nếu những vướng mắc về pháp lý hiện nay không được tháo gỡ thì nhiều nhà máy luyện thép phải đóng cửa vì không có nguyên liệu là điều có thể xảy ra./.
VOV

ĐỌC THÊM