Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hạ lãi suất: Vì ngân hàng, chưa vì doanh nghiệp?

Thực hiện chủ trương giảm dần mặt bằng lãi suất, thời gian gần đây, lãi suất cho vay ở một số ngân hàng đã giảm, nhưng thực tế mức giảm này chưa đáp ứng kỳ vọng của phần lớn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn khó vay vốn

Lời hứa đưa lãi suất cho vay về 17 - 19% của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đang dần trở thành hiện thực, khi khi lần lượt các ngân hàng thông báo hạ lãi suất. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp từ các ngân hàng.

Đây không phải là điều gì lạ lẫm bởi trước đây cũng từng có rất nhiều chương trình ưu đãi vay vốn được công bố, nhưng thực tế bao nhiêu doanh nghiệp được vay, ngân hàng giải ngân như thế nào thì ít người biết. Một vị giám đốc doanh nghiệp chế tạo máy có trụ sở ở Từ Liêm, Hà Nội phân trần: “Thấy các ngân hàng liên tục công bố hạ lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi, vay vốn với lãi suất 20% là quý lắm rồi, đừng nói là vay 17%”. Vị này cũng cho biết, mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra đối với doanh nghiệp vẫn ở 22 -23%.

Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hà – công ty chuyên sản xuất và kinh doanh về lĩnh vực cơ khí tại Hà Nội cho biết: Ngay khi nghe tin NHNN phát tín hiệu hạ mức cho vay xuống 17-19%, đầu tháng 9, công ty đã liên hệ với một số ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng đều trả lời với mức lãi suất 21%/năm.

 

Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm xuống mức kỳ vọng.

Thực tế, ngay cả ở mức lãi suất 17-19%, nhiều doanh nghiệp vừa nhỏ cũng phải ngần ngại vay. Theo tính toán của ông Nguyễn Thế Toàn – Giám đốc một công ty sản xuất thiết bị y tế có trụ sở tại Hoàng Mai, Hà Nội tính toán, nếu có cơ hội vay 17% thì chưa chắc ông đã dám vay. Bởi nếu vay 17%, sản xuất kinh doanh phải lãi 20-22% thì mới tồn tại được. Nhưng giai đoạn này, các doanh nghiệp cầm cự được là may rồi, lấy đâu ra làm ăn có lãi nhiều như vậy. Tuy nhiên, ông Thế Toàn cho biết, đấy chỉ là nói cho vui, chứ còn khả năng ông vay vốn được 17% là điều không thể.

Phóng viên VnMedia cũng đã có dịp tiếp xúc với với trường hợp vay được vốn với lãi suất 17% của Trung tâm xúc tiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam từ ngân hàng Enximbank. Vị lãnh đạo Trung tâm này cho biết, để tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng này, họ phải chứng minh được năng lực tài chính cũng như các đơn hàng, hợp đồng mua bán”.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng với lãi suất từ 17 – 19% là không nhiều. Ông Kiêm cũng cho biết, nếu vay được vốn 17% thì đối với doanh nghiệp vẫn là quá cao, thực tế, doanh nghiệp cùng lắm chỉ chịu được mức lãi suất 14%. Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, lãi suất khoảng 10% thì doanh nghiệp vay mới làm ăn được.

Hạ lãi suất vì ngân hàng, chưa vì doanh nghiệp

Một vị chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hạ lãi suất là cần thiết, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn, 57.000 doanh nghiệp đăng ký thì gần 50.000 dừng hoạt động, trong đó có 5.00 doanh nghiệp giải thể, khoảng 11.000 ngừng hoạt động và hơn 31.000 doanh nghiệp đã dừng nộp thuế. Hơn nữa nước ta có căn cứ khách quan là không chỉ có lạm phát về tiên tệ, bao gồm cả lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo, lạm phát ngoại nhập... cho nên nếu dùng đầy đủ nguyên tắc thực dương trong lãi suất tức là lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì hơi cứng nhắc.

Vị này cũng lý giải, sở dĩ, doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng bởi chính các doanh nghiệp khó có đủ điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng. Hơn nữa, hiện nay, ở các ngân hàng nợ dài hạn, nợ khó đòi cao, nên họ phải chọn doanh nghiệp để cho vay. Không phải vô cớ mà nhiều ngân hàng coi từ nay đến cuối năm việc đòi nợ trở thành nghị quyết, kế hoạch, nhiệm vụ. Mức tín dụng giới hạn của mỗi ngân hàng cũng đã đến nên ngân hàng phải để dành chờ đấu giá doanh nghiệp nào lãi suất cao hơn mới cho vay.

Thực tế, có nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp phân trần rằng bị ngân hàng mặc cả lãi suất. Vị giám đốc này cho biết, nhân viên ngân hàng sau khi kiểm tra thất đủ điều kện cho vay thì quay sang nói rằng “có doanh nghiệp A trả họ lãi suất 25%, nên họ yêu cầu doanh nghiệp chúng tôi cũng phải trả 22% mới cho vay”.

Vị chuyên gia kinh tế trên cho rằng, việc hại lãi suất chủ yếu vì ngân hàng chứ chưa hẳn vì doanh nghiệp. Nếu vì doanh nghiệp, thay vì áp trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay. Đằng này, NHNN cho các doanh nghiệp cho vay ra thoải mái. Việc khống chế trần cho vay sẽ đủ để khống chế đầu vào, vì ngân hàng không thể huy động cao hơn cho vay. Khống chế lãi suất cho vay cũng giúp hạn chế nguồn tín dụng dồn vào lĩnh vực mạo hiểm. Một điểm quan trọng nữa là hạn chế tình trạng mặc cả, đấu giá lãi suất cho vay, tránh được hiện tượng các doanh nghiệp ăn theo lãi suất cao của việc đấu giá lãi suất. Cho nên, về lâu dài, cần phải bỏ trần lãi suất nhưng trước mắt, khống chế trần cho vay cộng với công cụ dự trữ bắt buộc, mua bảo hiểm tín dụng bắt buộc.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế trên, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn giá rẻ, biện pháp căn cơ vẫn là giảm lạm phát làm căn cứ vững bền giảm lãi suất. Thứ hai, thay vì cắt giảm đầu tư công, hoặc là chuyển đổi đầu tưu công phải dùng một phần cắt giảm chuyển sang ngân hàng chính sách hay là ngân hàng nông nghiệp hoặc định chế tài chính nào đó để cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Tức là đầu tư công cũng nên thay đổi về mặt nhận thức, không phải cắt giảm đầu tư công chỉ là cắt giảm mà phải chuyển một phần cắt giảm chuyển sang đầu tư cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, thay vì khống chế trần lãi suất huy động, chuyển sang trần lãi suất cho vay.

Nguồn tin:VnMedia