Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hạ lãi suất tiền gửi, ngân hàng không hạ lãi cho vay

Thông tin các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống còn 7,5%/năm để thúc đẩy tín dụng, song thực tế các doanh nghiệp lại không vui gì bởi việc tiếp cận nguồn vôn vẫn khó khăn và chưa nhìn thấy cơ hội giảm lãi vay.

Anh Vũ Ngọc Huy, Giám đốc công ty TNHH An Hưng Phát – một đơn vị chuyên kinh doanh thép xây dựng chia sẻ: “Dù lãi suất huy động được  Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nhiều lần song các doanh nghiệp như chúng tôi vẫn phải chịu mức lãi suất vay cao (14,4%/năm). Không những thế có vay được vốn thì cũng ‘sây sườn, tróc vảy’, anh Huy nói.

 

Trăm sự khó

Anh Huy kể lại ‘sự tình’ đi vay vốn ngân hàng mới thấy hết nỗi thống khổ của doanh nghiệp.

Do suốt năm 2012, các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn nên kéo theo các đơn hàng thép xây dựng của doanh nghiệp anh cũng bị chậm theo. Vốn nằm trong các đơn hàng mà không có cách nào để xoay xở. Anh tính chuyện đi vay thêm vốn để đầu tư tiếp.

Dù hồ sơ vay đã có, cầm thêm cái sổ đỏ đi thế chấp, lịch sử trả lãi trước đó với ngân hàng cũng rất sòng phẳng song anh được phía ngân hàng trả lời là phải ‘chờ nghiên cứu’.

Chạy vạy cả mấy tháng trời, dùng đủ các mối quan hệ, cuối cùng anh cũng vay được 500 triệu đồng với mức lãi suất 14,4%/năm.

‘Cộng đủ thứ chi phí với số lãi mà chúng tôi phải trả, thực sự doanh nghiệp chúng tôi phải oằn mình mà gánh chịu. Cứ nói hạ lãi suất gửi doanh nghiệp sẽ được hạ lãi suất vay nhưng điều đó khó lắm’, anh Huy nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh, hiện nay các ngân hàng thương mại rất cần cho vay vì đang ứ đọng vốn. Song vấn đề là giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang mất niềm tin. Doanh nghiệp không tin ngân hàng và ngược lại.

“Vấn đề nợ xấu còn tồn đọng, hàng tồn kho chưa giải quyết… chừng nào còn những việc này thì việc giảm lãi suất huy động chỉ là một biện pháp có tính chất tiềm năng chứ không phải là biện pháp có thể dẫn đến cải thiện ngay được lãi suất cho vay. Muốn làm được điều này phải giải quyết đồng bộ nhiều biện pháp khác nữa”, TS Doanh nói.

Do mất niềm tin nên ngay cả khi doanh nghiệp mang theo tài sản để thế chấp may ra được ngân hàng cho vay được khoảng 30-40% tài sản đó. Chỉ có doanh nghiệp được tín nhiệm lắm mới được cho vay đến 50%, dù rằng ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay.

Khó tạo áp lực cho ngân hàng

Ông Lê Đăng Doanh cũng cho biết, ngân hàng có nỗ lực giảm lãi suất từ năm trước và đến nay giảm lãi suất thêm 0,5% cũng nằm trong cố gắng đó. Lý do là vì tính đến tháng 3 lạm phát đã ở mức – 0,19% tạo ra niềm tin lạm phát có thể kiềm chế được.

Rất khó để doanh nghiệp được hưởng lãi suất thấp
Rất khó để doanh nghiệp được hưởng lãi suất thấp

Tuy nhiên, ‘cái khó là Ngân hàng nhà nước từ trước đến nay chưa bao giờ khống chế lãi suất trần cho vay mà chỉ khống chế lãi suất trần huy động, còn lại là tự các ngân hàng quyết định. Do vậy, rất khó để tạo áp lực’, ông Doanh khẳng định.

Cũng cùng quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ lý giải, ‘sở dĩ các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn và chịu lãi vay cao là vì ngân hàng cũng đang gặp khó khăn về xử lý nợ xấu cũ. Thứ hai là phải xem cho ai vay mới ăn chắc để tránh chồng thêm nợ xấu. Thứ ba là nhóm lợi ích và sự ích kỷ của ngân hàng thương mại, không muốn chia sẻ với doanh nghiệp’, TS Hồ nói.

TS Lưu Bích Hồ cũng cho biết, cách đây hai ngày ông có cuộc họp với Bộ Kế hoạch đầu tư để chuẩn bị cho cuộc họp vào cuối tháng này với Chính phủ. Cuộc họp đánh giá tình hình hiện nay áp lực đối với ngân hàng rất lớn. Việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về lãi suất cũng chậm.

Theo TS Hồ, tình hình lạm phát của quý I dang xuống rất thấp là cơ sở để giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Đương nhiên quan trọng hơn là phải giảm được lãi suất cho vay. ‘Hiện nay lãi suất huy động đã giảm được một bước cũng là khá nhưng khoảng cách đối với lãi suất vay vẫn rất lớn. Nhiều ngân hàng thương mại vẫn găm lãi suất cao mà không chịu hạ lãi suất cho vay’, TS Hồ nhấn mạnh.

Phải quy định trần lãi suất vay

Theo TS Doanh, hiện rất khó để buộc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Lý do các ngân hàng thương mại trước đây đã huy động lãi suất với nhiều mức khác nhau, giống như một gia đình đi đong gạo nhiều ngày đổ vào thùng gạo. Thùng gạo đó có nhiều giá khác nhau, cho nên tùy theo ngân hàng sẽ có mức lãi suất tiền vay khác nhau.

‘Có lẽ ngân hàng nhà nước có thể làm một việc giảm trần lãi suất cho vay tối đa còn lại để cho các ngân hàng tự quyết định còn lại người dân có thể tự lựa chọn’ TS Doanh gợi ý.

TS Hồ lại cho rằng, không thể áp đặt được các ngân hàng mà chỉ có thể chỉ đạo các ngân hàng. Việc áp đặt lãi suất cho vay đã nói nhiều rồi nhưng do ta chưa có luật nên không áp dụng được chặt chẽ.

‘Theo tôi ngân hàng nhà nước phải tác động tích cực hơn nữa vào hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện NHNN đã kiên quyết rồi nhưng hình như không đủ mạnh nếu như không nói là không biết có chuyện gì bên trong giữa ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại hay không. Cũng có ý kiến cho rằng cũng không loại trừ. Xu thế là phải kiên quyết tạo ra tình hình mới, kiên quyết để doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất rẻ’ TS Hồ đề xuất.

Giới chuyên môn cũng thừa nhận, hiện do việc huy động tiền gửi lãi suất thấp nên nhiều ngân hàng vẫn phải áp dụng cộng lãi ‘đi đêm’ kể cả huy động lẫn cho vay đều có. Dù biết là có mà không có cách gì kiểm soát và ngăn chặn. Do vậy rất khó để có cách gì đó buộc các ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giam sát tài chính Quốc gia đánh giá khoảng cách lãi vay và lãi gửi chỉ cỡ 2-2,5% là hợp lý nhưng thực tế khoảng cách vẫn là 4-5%.

TS Hồ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn và lấy một vài ngân hàng mạnh để làm ‘chim mồi’ hạ lãi suất để buộc lòng các ngân hàng khác phải hạ lãi suất xuống.

Nguồn tin: ĐVO