Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Gỡ nút thắt lãi suất

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần phải đẩy nhanh tiến độ giảm lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp kịp bắt nhịp với những biến động của kinh tế thế giới.

 

Diễn biến lãi suất từ cuối năm 2009 đến nay.

Ông Ngân nói:

Kinh tế vĩ mô trong sáu tháng đầu năm khá tốt. Kinh tế tăng trưởng 6,16%; kiểm soát nhập siêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu; cán cân thanh toán thặng dư trên 3 tỉ USD; kiểm soát lạm phát tốt, tháng 7 tăng nhẹ, chỉ khoảng 0,1%.

Nhưng yếu tố bên ngoài không thuận lợi, khủng hoảng nợ công tại châu Âu buộc các nước thắt lưng buộc bụng, không loại trừ xu hướng nhập khẩu của thế giới giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Tháng 4/2010, Chính phủ chủ trương giảm lãi suất cho vay còn 12%/năm, là một trong những giải pháp nhằm đối phó với diễn biến mới của kinh tế thế giới, nhưng việc triển khai còn chậm.
 

Thị trường liên ngân hàng “đen”?

Theo phản ảnh của một số ngân hàng, hiện đang tồn tại một thị trường liên ngân hàng “đen”. Một số ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ nhưng không thể cho ngân hàng quy mô nhỏ đang cần vốn vay vì các ngân hàng này đã sử dụng hết tỉ lệ được phép vay trên thị trường liên ngân hàng. Để có thể tiếp tục cho ngân hàng nhỏ vay, ngân hàng lớn chuyển vốn sang tên cá nhân là người của ngân hàng, sau đó gửi tại ngân hàng nhỏ dưới hình thức tiết kiệm.

Được biết, thị trường liên ngân hàng là nơi vay mượn giữa các ngân hàng để điều tiết dòng vốn giữa các ngân hàng với nhau. Ở đó ngân hàng quy mô lớn, có tên tuổi, huy động được nhiều vốn hoặc thừa vốn có thể cho ngân hàng quy mô nhỏ, ít tên tuổi vay để cho vay lại. ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng chỉ được vay lại của ngân hàng bạn không quá 20% vốn huy động nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Trước đây, một số ngân hàng nhỏ, thay vì dựa vào vốn huy động tiết kiệm của dân và doanh nghiệp để cho vay, đã sử dụng vốn vay của ngân hàng bạn để cho vay, thậm chí cho vay trung - dài hạn, từ đó dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản.

Hệ thống ngân hàng đã khởi động quá trình này, lãi suất có giảm nhưng không như mong đợi, vì sao?

Đang tồn tại những mâu thuẫn, đó là ngân hàng thừa vốn, vốn trên thị trường liên ngân hàng có lãi suất rẻ nhưng ngân hàng không thể giảm lãi suất huy động. Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm vốn lãi suất rẻ nhưng một số ngân hàng vẫn không tiếp cận được. Vì thế, dù ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất nhưng tiến độ vẫn chậm. Doanh nghiệp thì kêu lãi suất vẫn cao. Nút thắt nằm ở chỗ các ngân hàng có quy mô nhỏ.

Các ngân hàng nhỏ hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, thiếu nguồn vốn có giá rẻ như tiền gửi thanh toán, vốn tự có... ngân hàng Nhà nước bơm vốn giá rẻ nhưng ngặt nỗi ngân hàng quy mô nhỏ không có trái phiếu chính phủ để trao đổi và nhận lại nguồn vốn này. Do chỉ trông vào nguồn huy động tiết kiệm, muốn có nhiều vốn ngân hàng nhỏ phải đưa lãi suất huy động lên cao.

Đúng ra trong thị trường, các ngân hàng nhỏ còn có thể vay vốn từ các ngân hàng quy mô lớn để cho vay lại, lãi suất vay thường thấp hơn huy động của dân. Ví dụ lãi suất vay liên ngân hàng hiện chỉ còn 7-8% tùy kỳ hạn, trong khi vay của dân là trên 11%/năm.

Thế nhưng ngân hàng quy mô lớn lại không thể cho ngân hàng nhỏ vay nhiều hơn vì các ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được vay vốn từ ngân hàng bạn. Đây là nút thắt thứ hai làm chậm tiến độ giảm lãi suất.

Theo quy định của ngân hàng Nhà nước, hạn mức đi vay lại từ các ngân hàng khác của mỗi ngân hàng bị giới hạn trong tỉ lệ 20% vốn huy động từ dân cư và các tổ chức. Ví dụ ngân hàng huy động được 100 đồng thì chỉ được vay thêm từ các ngân hàng bạn tối đa 20 đồng. Khi đã sử dụng hết hạn mức này thì dù ngân hàng bạn có chào mời vốn rẻ, ngân hàng nhỏ cũng không thể vay, lại phải đẩy lãi suất huy động lên cao để thu hút nguồn vốn của dân.

Trong bối cảnh ngân hàng nhỏ đưa ra lãi suất huy động cao, dù ngân hàng lớn thừa vốn cũng không dám giảm lãi suất huy động vì sợ người dân chuyển sang gửi ở ngân hàng nhỏ.

Vậy nút thắt của việc giảm lãi suất nằm ở cơ chế cho vay giữa ngân hàng Nhà nước với ngân hàng nhỏ?

Theo tôi, cần phải có đối sách mang tính đột phá trong cơ chế cho vay của ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng nhỏ. ngân hàng Nhà nước đưa ra vốn rẻ, có thể cho ngân hàng nhỏ vay thông qua tái cấp vốn, số vốn vay ngang với vốn điều lệ của ngân hàng, không cần đòi hỏi ngân hàng đó phải có trái phiếu chính phủ.

Cũng có thể linh hoạt, tạm thời điều chỉnh hạn mức ngân hàng được vay lại của các ngân hàng bạn, thay vì 20% có thể nâng lên 30% hoặc 40% nhưng chỉ áp dụng một thời gian và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Tôi cho rằng linh hoạt hạn mức vay lại sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình giảm lãi suất. ngân hàng nhỏ thay vì huy động của dân với lãi suất cao, có thể vay từ ngân hàng bạn với lãi suất rẻ hơn nhiều.

Nhưng thưa ông, đến nay thị trường vẫn chưa thấy được tín hiệu của ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất khi nơi này vẫn giữ nguyên các mức lãi suất cơ bản đã áp dụng ở giai đoạn có nguy cơ lạm phát cao?

Thời gian qua, ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh các mức lãi suất cơ bản là thận trọng cần thiết do còn lo ngại lạm phát ở mức cao. Tuy nhiên, diễn biến lạm phát trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong tháng 7/2010, cho thấy xu hướng lạm phát đã nằm trong tầm kiểm soát.

Theo tôi, lúc này ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn cắt giảm lãi suất cơ bản, từ mức 8% đã được duy trì từ tháng 12-2009 đến nay xuống còn 7%, qua đó cắt giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu xuống mức thấp hơn. Nếu làm được như thế sẽ phát đi một tín hiệu cực kỳ quan trọng là việc giảm lãi suất là có cơ sở khi các giải pháp về kiểm soát để ổn định kinh tế vĩ mô được thực hiện trong những tháng qua có hiệu quả.

Theo ông, lãi suất huy động sẽ là bao nhiêu nếu kiểm soát được lạm phát năm 2010 ở mức 8%/năm?

Nếu lạm phát 8%/năm thì huy động 9%/năm là vừa. Hiện nay ngân hàng đang huy động đến 11%. Vì vậy cần phải giảm lãi suất về 9%/năm để có thể cho vay 12%/năm, trong đó chênh lệch 3% là chi phí cho ngân hàng.

Thời gian qua, dù lãi suất huy động có giảm nhưng lượng tiền gửi vẫn tăng nhẹ. ngân hàng có thể mạnh tay hơn trong giảm lãi suất khi lạm phát đã được kiểm soát tốt và tỉ giá tương đối ổn định. Hiện chỉ có một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay 12% cho một số đối tượng khách hàng. Cần phải mở rộng ra, lãi suất vay sản xuất - kinh doanh phổ biến phải là 12%/năm.

TT