Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giật mình trước lãi suất VND

Lãi suất VND đang nóng lên từng ngày. Các NH thương mại phá vỡ lãi suất trần huy động, chấp nhận thương lượng với khách hàng để thu hút nguồn tiền gửi. Nền kinh tế đối diện với nhiều rủi ro.

Lãi suất huy động trên 20%/năm!

Ngày 28.4, lãi suất huy động tại các NH tiếp tục lên cao chót vót. Mặc dù tất cả các NH thương mại đều niêm yết lãi suất cao nhất là 14%, không vượt trần quy định, nhưng diễn biến thực tế lại hoàn toàn khác. Các NH thương mại đều phải chấp nhận thương lượng với khách hàng gửi tiền với mức lãi suất phổ biến cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 19- 20%.

Cá biệt, tại một vài NH thương mại nhỏ, lãi suất huy động còn được đẩy lên đến 20,5%. Thậm chí, lãi suất không kỳ hạn cũng đã tiến gần 14%. Tổng GĐ một NH cổ phần cho biết: Do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, nguồn cung tiền đang bị giảm, các NH nhỏ có thanh khoản kém đã tìm cách đẩy lãi suất lên cao nhằm thu hút nguồn tiền gửi. Những NH khác không thiếu VND cũng phải đua theo để giữ chân khách hàng.

Vị tổng GĐ này cũng khẳng định rằng, hiện tất cả các NH thương mại đều phá vỡ lãi suất trần 14%. Ngay cả các NH thương mại nhà nước cũng không thể áp dụng lãi suất trần 14% như đã niêm yết công khai. Lãi suất tăng cao kéo theo rủi ro lớn nên các NH chỉ dám chấp nhận thương lượng ở các kỳ hạn ngắn từ 1- 3 tháng. Lãi suất cho vay thực tế giữa các NH, kỳ hạn 3- 4 tuần, cũng đã lên 22- 23%.

Lãi suất tăng cao không giúp cho nguồn huy động tăng lên, mà chỉ khiến khách hàng chạy lòng vòng từ NH này sang NH khác. Trong mấy ngày qua, lãnh đạo các NH thương mại đã phải mệt mỏi vì các chi nhánh liên tục gọi điện xin ý kiến cho từng trường hợp cụ thể thương lượng với khách hàng. Có vị đã phải than thở: “Nếu để mất các khách hàng lớn thì không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tiền mà còn kéo giảm các hoạt động dịch vụ khác, vì vậy chúng tôi phải cố giữ”. Có những NH “xả giàn” bằng cách giao luôn cho GĐ chi nhánh tự quyết.

Nguy cơ tăng nợ xấu

Cơn sốt lãi suất huy động khiến cho lãi suất đầu ra cũng phải tăng cao chót vót. Hiện lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đã lên đến 22- 23%. Nhiều NH cho vay cá nhân với lãi suất 24%/năm. Có NH thương mại công khai nhắn tin quảng cáo cho khách hàng về việc cho vay vốn với lãi suất 24%. Nhưng đây chưa phải là mức cao nhất vì theo thăm dò của chúng tôi, có nơi đã đẩy lãi suất cho vay lên 25%.

Theo thông tin từ các NH thương mại, hiện các DN không dám vay vốn đầu tư mới mà chỉ dám vay vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất. Sản xuất trong nước bị thu hẹp sẽ làm tăng nhập siêu và dẫn đến hậu quả căng thẳng ngoại tệ. Các NH thương mại đang phải đối đầu với nỗi lo về nợ xấu.

Theo một lãnh đạo NH thương mại, để làm giảm căng thẳng lãi suất VND, NHNN cần điều chỉnh giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ. Nguyên nhân chính của lạm phát cao không phải do tiền tệ, vì vậy có thể xem xét và tăng cung tiền ở mức độ hợp lý. Việc dỡ bỏ quy định lãi suất trần huy động cũng là cần thiết vì các bảng lãi suất niêm yết không phản ánh đúng một thị trường đang bị “méo mó”. Ngược lại, nó còn che giấu “căn bệnh” của thị trường, khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện kịp thời và có phương pháp trị liệu sớm.

Nguồn: Laodong