Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giảm lãi suất: đã thấy ánh sáng cuối đường hầm?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc độ gia tăng và được dự đoán sẽ giảm dần qua từng tháng. Ngân hàng Nhà nước đã từng khẳng định, khi lạm phát giảm sẽ điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp. Liệu đã đến lúc tính đến lộ trình giảm lãi suất?

Những tín hiệu

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định, khi CPI giảm dần, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc".

Cũng trên quan điểm đó, một chuyên gia từ Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nên hướng theo chỉ số lạm phát cơ bản. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng chỉ số lạm phát cơ bản để điều hành lãi suất. Vì thế, việc thực hiện triệt để các giải pháp trên sẽ tác động tích cực đến lạm phát và điều này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất VND và lãi suất có khả năng sẽ giảm trong những tháng tới.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng đã giảm mạnh tốc độ gia tăng trong 2 tháng gần đây, xuống mức xấp xỉ 1% trong tháng 6, đã khẳng định kết quả của hàng loạt chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô; trong đó, đi đầu là thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ. Tất nhiên, đây sẽ là tín hiệu đáng mừng đầu tiên cho nền kinh tế và mang lại hy vọng về giảm lãi suất, cứu DN sản xuất trong cơn khó khăn. Thậm chí, những ý kiến lạc quan cho rằng, có thể trong 1 vài tuần tới sẽ thấy rõ xu hướng giảm của lãi suất mà không cần phải chờ đến cuối quý 3 như dự đoán.

"Chỉ số CPI giảm sẽ là cơ sở cho lãi suất giảm. Tôi cho rằng, với dự báo lạm phát năm nay là 15% thì lãi suất huy động "hợp lý" cũng phải là 16 - 17%". - Ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc NHNN, nhận định.

Nếu như CPI mới chỉ là tín hiệu chung thì những diễn biến mới đây trên thị trường tiền tệ càng mang lại nhiều hy vọng về xu hướng lãi suất giảm dần khi lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động "chui" đã có phần giảm

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ giữa tháng 5 đến nay có xu hướng giảm. Những tuần giữa tháng 6, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 13%/năm, 1 tuần ở mức 15%/năm, từ 2 tuần đến 1 tháng ở mức 18%/năm. Trong khi đó, những cón số thống kể cho thấy, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,05% trong đó, tăng trưởng tín dụng bằng VND vẫn tăng thấp như là yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất đang đến gần.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện khá ổn định theo chiều hướng giảm. Các kỳ hạn giao dịch cũng dài ngày hơn trước, cho thấy nhu cầu vốn trên liên ngân hàng không còn quá nóng. Đây là điều kiện thuận lợi để thời gian tới, khi lạm phát chùng xuống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng khuyến khích tín dụng sản xuất, hạn chế tín dụng cho vay đầu tư.

Bên cạnh đó, sự ổn định của tỷ giá USD/VND và xu hướng bán USD để gửi VND vào ngân hàng đã tạo ngân hàng có điều kiện tốt để các ngân hàng củng cố thanh khoản tiền đồng. Từ đó, mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ dần hạ.

Đặc biệt, trong hai tuần gần đây, lãi suất huy động "chui" vượt trần của các ngân hàng đã giảm dần. Đỉnh cao 19 - 20% gần như không còn. Thay vào đó là sự điều chỉnh hạ dần lãi suất và điều chỉnh các kỳ hạn dài hơi hơn.

Nếu như tuần trước, gửi 500 triệu vào chi nhánh các ngân hàng quốc doanh, người gửi hoàn toàn có thể thỏa thuận các hình thức ưu đãi khác để đạt lãi suất thực 18%/năm cho kỳ hạn gửi 1 tháng đến 3 tháng. Tuy nhiên, đến đầu tuần nay mức lãi suất đó đã giảm xuống còn 17,75% nhưng chỉ nhận gửi ở thời hạn 1 tháng. Còn gửi 3 tháng phải chấp nhận thấp hơn khoảng 17,5%.

Trong khi đó, ở các ngân hàng cổ phần nhỏ, lãi suất cũng đã được điều chỉnh giảm. Hơn 10 ngày trước, gửi trên 500 triệu lãi suất 1 tháng vẫn còn ở mức 19,5%/năm thì nay hầu hết đã giảm xuống dưới mốc này. Nếu trước đây các ngân hàng chấp nhận huy động 19%/năm cho các món trên 500 triệu trong vòng 3 tháng thì nay mức phổ biến chỉ còn khoảng 18%, một số nơi cao nhất cũng chỉ là 18,5%.

Rõ ràng, chính các ngân hàng cũng đã bắt đầu nhận thấy xu hướng giảm lãi suất và bắt đầu có sự điều chỉnh dần để đón đầu xu hướng mới. Thực tế, việc "lách luật" để tăng lãi suất của các ngân hàng là chuyện không thể không làm. Nên khi có điều kiện, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm để quay về trạng thai ổn định có lợi cho cho kinh doanh. Xu hướng điều chỉnh hiện nay của các ngân hàng là phản ứng tích cực của các nhà băng khi CPI có sự điều chỉnh giảm tốc dần. Và hy vọng xu hướng này sẽ được nhận rõ hơn trong tháng 7 tới.

Chưa có đảo chiều

Tín hiệu thì đã có nhưng để hy vọng về một làn sóng mạnh mẽ về giảm lãi suất trong 1 - 2 tháng tới sẽ khó xảy ra. Một sự đảo chiều trên thị trường tiền tệ sẽ không thể xảy ra nhất là khi lãi suất vốn là công cụ chủ đạo và ưu thích của các cơ quan điều hành.

Mặc dù khẳng định sẽ điều chỉnh lãi suất theo CPI nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc giảm dần lãi suất là theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc, chứ không thể thay đổi ngay về chính sách, về lãi suất. Như để nhấn mạnh điều này, ông Giàu cho biết, những tháng tiếp theo, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục điều hành một cách chủ động và linh hoạt theo hướng thắt chặt, kiên quyết mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vũ mô. Mà chống lạm phát thì lãi suất phải tăng cao. Tất nhiên sẽ có khó khăn cho khu vực sản xuất nhưng đó là điều khó tránh khỏi và phải chấp nhận.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mặc dù thừa nhận khó khăn lớn nhất hiện nay đối với khu vực sản xuất là lãi suất cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc vẫn cho rằng, chính sách thắt chặt sẽ vẫn thực thi đến cả năm nay và thậm chí có thể phải chuyển sang cả năm tới. Trong khi đó, dù chúng ta đặt mục tiêu giữ CPI đến cuối năm tăng khoảng 15% so với cùng kỳ nhưng muốn đạt mục tiêu đó, 6 tháng cuối năm CPI chỉ được phép tăng chưa đầy 2%. Nên con số khả quan nhất chúng ta có thể giữ được đến cuối năm là 17-18%.

Với thực tế chính sách tiền tệ còn thắt chặt kéo dài và lạm phát vẫn tiếp tục tăng lên ở mức 18% thì lãi suất khó có khả năng giảm sâu lãi suất trong thời gian trước mắt là không thể, Ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, CPI tháng 6 có giảm tốc, nhưng là giảm so với tháng trước đó, nhìn chung, đây vẫn là mức cao, vẫn tăng và sẽ tăng nhiều vào quý 4. Chủ trương chung là lạm phát đã cao thì lãi suất chưa giảm xuống được cho nên khó có thể giảm mạnh về lãi suất ngay.

Trong khi đó, dù thừa nhận những dấu hiệu tích cực của lạm phát và tác động của chính sách tiền tệ, các chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước thì chưa có dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ giảm một cách bền vững nên lãi suất chưa thể giảm.

Thậm chí, các chuyên gia này còn cho biết, bài học năm 2008 - 2010 chắc chắn sẽ không lặp lại. Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ kiểm soát rất chặt chứ vì thế, lãi suất chưa thể giảm trong một hai tháng tới.

Quan điểm này đã được thể hiện trên thực tế khi các quy định về lãi suất cao vẫn được duy trì. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước vẫn hút tiền về qua thị trường mở, tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng, các mức lãi suất điều hành chủ chốt vẫn ở mức cao... Từ góc độ kinh doanh thì lãi suất chưa nhìn thấy tín hiệu giảm một cách mạnh mẽ.

Đoán định được điều này, dù có dự điều chỉnh nhỏ trong lãi suất huy đông nhưng các ngân hàng thương mại vẫn giữ thế phòng thủ khi mức giảm không lớn và mọi sự điều chỉnh đều được tiến hành một cách sự vụ trong ngày. Ngân hàng không mong muốn lãi suất huy động cao và cho vay cao nhưng tính thế hiện nay thì tìm kiếm giải pháp giảm lãi suất đã khó và càng khó hơn khi không ai muốn làm điều đó đầu tiên để mang tiếng, mất khách và hứng chịu các rủi ro.

Hơn nữa, dù lạm phát đã giảm nhưng các yếu tố tăng giá cuối năm vẫn còn có thể đẩy lạm phát lên cao. Các yếu tố hỗ trợ lãi suất như tỷ giá vẫn có thể tăng vào cuối năm, hạn mức tín dụng vẫn còn địa dư lớn theo quy định 20%... cũng như những hạn chế, yếu kem trong ngân hàng có thể là rào cản khiến lãi suất khó giảm.

Chính phủ đã lường trước những diên biến tăng cao của lạm phát cả năm và nhấn mạnh vẫn tiếp tục cách chính sách thắt chặt. Với quan điểm này, chấp nhận sẽ có một bộ phận DN khó khăn thậm chí khó tồn tại nhưng vì sự phát triển dài hạn thì "một nhát cắt đâu" là điều cần thiết.Vì thế, giảm lãi suất hay không, có lẽ không phải là điều tối quan trọng vào lúc này đang là điều chi phối. Điều hy vọng là chính phủ và cơ quan điều hành tiền tệ có sự linh hoạt để hướng các nguồn vốn hữu dụng đến với khu vực sản xuất chính thức thức nhắm tạo sự tăng trưởng dài hạn.

Nguồn tin: (VEF.VN)