Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giải bài toán lãi suất

Tân Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình hôm 3-8 đã khẳng định "từ tháng 9, lãi suất có thể giảm về từ 17-19% và ngay trong tháng 8 sẽ có một loạt các biện pháp kinh tế chứ không còn là các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây”. Tuy nhiên, việc giải bài toán lãi suất và tỷ giá chưa thể đơn giản như vậy, dù cả nền kinh tế đang kỳ vọng vào một chuyển biến của những chính sách mới.

Thị trường mở hết đất?

Một điểm khá trùng hợp là các phát biểu tích cực nói trên đúng vào lúc cơ cấu nhân sự mới được hoàn chỉnh. Do đó kỳ vọng được nâng lên là điều bình thường. Vấn đề còn lại là các chính sách thực thi sẽ được triển khai như thế nào và hiệu quả thực tế đến đâu. Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh trong phiên ngày 4-8 cho thấy giới đầu tư lẫn doanh nghiệp đang thực sự chờ đợi một làn gió mới.

Tình trạng khó đoán trong biến động của lạm phát có thể còn gây áp lực đến mặt bằng lãi suất tiền gửi. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, thị trường để thực hiện giảm lãi suất cho vay, nhưng ẩn số về lạm phát và cung cầu vốn khiến hiệu quả thực tế của các biện pháp cần thời gian để chứng minh.

Theo nhận định của một số tổ chức đầu tư trong nước, thông thường khi có lãnh đạo mới thì sẽ có những điều chỉnh trong việc sử dụng chính sách kinh tế mới. Do đó, rất có khả năng trong hai tháng tới sẽ có sự điều chỉnh nhất định đối với chính sách tiền tệ. Thực tế vừa qua công cụ thị trường mở đã không đem lại hiệu quả nhiều, dù dư địa thực thi của công cụ này không còn nhiều.

Theo số liệu của Bloomberg, tuần cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm hút vốn qua thị trường mở bằng 0. Từ đầu tháng 7 đến nay, lượng giao dịch trên thị trường này càng ngày càng thu hẹp và liên tiếp 13 phiên gần đây khối lượng chỉ đạt 1.000 tỷ đồng/phiên. Tổng lượng chào thầu mỗi phiên giảm rất mạnh từ mức bình quân 20.000 tỷ đồng/phiên xuống khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên trong tháng 6 và chỉ còn 1.666 tỷ đồng/phiên trong tháng 7. Rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đang muốn giảm lượng giao dịch qua kênh này xuống.

Nguy cơ thiếu vốn

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cao vẫn đang tiếp diễn và có lẽ các chính sách được kỳ vọng tới đây là hạ nhiệt lãi suất cho vay để giải bài toàn thiếu vốn cho sản xuất. Nhu cầu vay mượn của nền kinh tế những tháng cuối năm thường tăng cao và áp lực tăng cung vốn cũng lớn hơn. Diễn biến tăng trưởng tín dụng hàng tháng của năm ngoái cho thấy cuối quý 3, đầu quý 4, tăng trưởng tín dụng khá cao, bình quân trên 2% mỗi tháng. Ngoài việc cần vốn cho sản xuất mùa vụ, áp lực vốn còn đến từ các khoản vay đáo hạn.

Báo cáo tháng 7 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng cho nền kinh tế đã giảm 0,19% so với tháng 6. Trong đó, tín dụng bằng VND giảm 0,88%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1,96%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,57%. Tổng phương tiện thanh toán đến 20-7-2011 ước tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cuối năm 2010. Trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 4,55% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 1,25%.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng còn thấp xa so với hạn mức 20% của cả năm, nhưng khối ngân hàng thương mại cổ phần lại có mức tăng khá mạnh. Ngay từ tháng 4, khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới ở mức 1,7% thì dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã là trên 8%. Việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng gần đây đã giảm nhiều là một tín hiệu tốt, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đảm bảo. Điều này cũng phản ánh việc cầu vốn của doanh nghiệp bị hạn chế do lãi suất cao. Như vậy, ngân hàng vẫn đang tồn đọng vốn với lãi suất đầu vào cao và làm cách nào để giảm lãi suất đầu ra xuống là bài toán không dễ giải.

Việc phải thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế phù hợp, vừa định hướng dòng vốn tới đúng nơi cần thiết là thách thức từ lâu đối với các chính sách điều hành. Việc thiên lệch trong chính sách đều tạo ra các hệ quả mà sau đó cơ quan quản lý lại phải dốc sức sửa chữa. Do đó kỳ vọng là yếu tố cần thiết, nhưng vẫn phải chờ các đột phá chính sách đi vào thực tế.

Nguồn tin: Daidoanket