Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép sẽ còn xuống

- Đây là thông tin được Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường đưa ra hôm 10/3, dù tháng 2 đã chứng kiến sự tăng lượng tiêu thụ gần 50% so với tháng trước.

Hiện, lượng thép nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ngành thép đề nghị Chính phủ siết chặt thực hiện quy hoạch vì khả năng cầu vượt qua cung đến 3 lần, đang rất gần.

Tăng tiêu thụ, giá vẫn giảm

Ông Phạm Chí Cường cho biết, tính đến hết tháng 2, sản xuất thép của VSA đạt 237.000 tấn, tăng 2,43%; tiêu thụ thép cũng đạt hơn 257.000 tấn, tăng 47% so với tháng trước. Đây được xem là dấu hiệu rất tích cực, đặc biệt khi mùa xây dựng đã bắt đầu nên sản lượng tiêu thụ trong các tháng tiếp theo sẽ còn tăng cao.
 
Thông thường, 6 tháng đầu năm luôn là thời điểm tiêu thụ vật liệu xây dựng lên cao và minh chứng là năm nào cũng vậy, đây là thời điểm giá tăng. Các tháng đầu năm 2008, cả nước chứng kiến đợt đội giá khủng khiếp của thép với đỉnh điểm 22 triệu đồng/tấn. Mặc dù vậy, nhận định giá thép sẽ giảm thêm là có cơ sở bởi, dù lượng tiêu thụ có tăng cao nhưng cũng giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Tháng 3, giá thép đã giảm 300.000đ/tấn so với tháng 2. Ảnh: Internet


Theo thống kê từ 80 doanh nghiệp trực thuộc VSA, lượng thép dự trữ hiện khoảng 200.000 tấn, phôi thép 450.000 tấn, đủ để phục vụ sản xuất trong tháng này và tháng 4 mà không cần cung thêm. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho giá thép trong tháng 2 đã giảm 400 đến 600.000 đồng/tấn và đầu tháng 3, Tổng Công ty thép đã tiếp tục giảm giá bán với mức 300.000 đồng/tấn.

Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, nếu các gói giải pháp kích thích nền kinh tế của nhiều nước đã và đang thực hiện có hiệu ứng tốt trong khoảng thời gian giữa năm 2009, khi đó nhu cầu sử dụng thép trên thế giới sẽ tăng mạnh. Lúc đó, do nhiều nhà máy sản xuất thép và phôi thép trên thế giới đã cắt giảm mạnh công suất và khó có thể nhanh chóng phục hồi công suất trở lại, trong khi nhu cầu tăng mạnh, nhất là nhu cầu tại các nước phát triển đang phục hồi mạnh trở lại, khi đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá thép, phôi thép rất có thể sẽ tăng cao trở lại.

Phải “siết” quy hoạch

Cho dù đưa ra dự báo là giá thép sẽ không tăng trong thời gian tới, nhưng ông Phạm Chí Cường cho rằng phải thực hiện nghiêm quy hoạch phát triển ngành thép của Chính phủ. Năm ngoái, vào tháng 9, bản quy hoạch ngành thép đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 đã được phê duyệt nhưng chỉ vài tháng sau đã bị vi phạm nghiêm trọng.
 
Tính đến hết năm 2008, đã có 32 dự án ngoài quy hoạch được cấp phép và điều này khiến VSA lo ngại khủng hoảng thừa ở ngành thép. Mức khủng hoảng có thể khiến cho cung gấp 3 lần cầu trong nước và tất yếu là phải xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng không dễ bởi chúng ta còn phải cạnh tranh với các nước có tiềm lực mạnh về thép như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines...

VSA đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự không nhất trí với tình hình thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 - 2015 có xét đến năm 2025”. VSA cũng đề nghị Chính phủ cần sớm đình chỉ các dự án nhà máy thép đang xây dựng hoặc sắp xây dựng mà không có sự đảm bảo nguyên liệu để có thể hoạt động lâu dài.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch vùng để có hướng đầu tư rõ ràng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội. Thêm vào đó, VSA cũng không đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương ưu tiên xây dựng xí nghiệp gang thép ở những vùng kinh tế khó khăn do các dự án quy mô địa phương, xét về mặt hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và yếu tố môi trường không bảo đảm phát triển bền vững.

Về việc cấp phép cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch, nhất là các dự án thép xây dựng thông thường và phải nhập phôi, VSA đề nghị tạm thời không cấp thêm giấy phép mới vì sự dư thừa công suất so với nhu cầu. Các dự án đã cấp phép không đảm bảo tiến độ đã phê duyệt mà không có lý do chính đáng phải kiên quyết thu hồi giấy phép; các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn cần theo dõi sát tiến độ và không cho phép chuyển đổi chủ dự án tùy tiện.
 
(Giadinh.net)

ĐỌC THÊM