Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép "hạ nhiệt", vì sao?

- Đầu năm nay, khi giá thép trong nước vừa “nhấp nhổm” leo thang đã phải tự “hạ nhiệt”, góp phần gỡ khó cho nhiều công trình xây dựng. Vậy đâu là nguyên nhân đã ép thị trường thép phải xuống giá?

Buộc phải giảm giá thép để giảm tồn kho

 

Thực tế, trong những ngày đầu năm 2009, mặc dù sức tiêu thụ thép trong nước vẫn duy trì ở mức thấp, giá phôi thép nhập khẩu về Việt Nam vẫn giữ mức dưới 400 USD/tấn, nhưng giá thép tại nhà máy của Tổng công ty Thép VN bất ngờ tăng 500 nghìn đồng/tấn, lên mức 11,6 - 11,75 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Giá thép bán lẻ trên thị trường dao động từ 13,3 - 13,5 triệu đồng/tấn, cao hơn so với giá thế giới.

 

Tuy nhiên, đến giữa tháng 1/2009, giá thép tại nhà máy đã giảm trở lại xuống mức 11,1 triệu đồng/tấn (chưa có VAT). Sang tháng 2/2009, giá thép tiếp tục giảm; giá thép tại nhà máy vào cuối tháng 2/2009 giảm xuống mức 10,6 triệu đồng/tấn (chưa có VAT).

 

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương: Nguyên nhân biến động giá thép trong những tháng đầu năm 2009 là do lượng thép tiêu thụ trong nước có dấu hiệu tăng trở lại; thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép được điều chỉnh từ 2% lên 5%; Chính phủ tăng thuế VAT từ 5% lên 10%, các nhà kinh doanh thép trong nước đã tận dụng cơ hội này tăng giá thép nhằm tăng lợi nhuận.

 

Tuy nhiên từ giữa tháng 1/2009, giá thép trong nước liên tục giảm mạnh do một số nguyên nhân cơ bản như:  Giá thép và phôi thép trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp. Hiện giá phôi thép chào bán tại Viễn Đông và Địa Trung Hải dao động quanh mức 300 USD/tấn. Bên cạnh đó, lượng phôi thép và thép thành phẩm tồn kho lớn (đến cuối tháng 2/2009, có khoảng 200 nghìn tấn thép thành phẩm và gần 400 nghìn tấn phôi thép tồn kho); Phôi thép tiếp tục được nhập khẩu về với lượng lớn và giá nhập khẩu vẫn duy trì ở mức thấp. Theo thống kê của cơ quan Hải quan, 2 tháng đầu năm 2009, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam ước đạt khoảng 170 - 180 nghìn tấn, với mức giá dao động quanh mức 400 USD/tấn (CIF hoặc CF).

 

Bên cạnh đó là việc Chính phủ quyết định giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho mặt hàng thép bắt đầu từ đầu tháng 2/2009; Sức ép cạnh tranh từ thép giá rẻ của nước láng giềng Trung Quốc cũng tác động mạnh đến thị trường thép trong nước.

 

Trước những lý do trên, mặc dù lượng thép tiêu thụ trong hai tháng đầu năm 2009 tăng so với tháng cuối năm 2008 (lượng thép tiêu thụ đạt trên 300.000 tấn/1 tháng), nhưng các nhà kinh doanh thép trong nước buộc phải giảm giá thép trở lại nhằm tăng lượng tiêu thụ, giảm tồn kho để thu hồi vốn.

 

Nhu cầu thép trong nước sẽ tăng mạnh trở lại

 

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo, đối với thị trường thế giới, trong những tháng đầu năm 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ giảm mạnh; lượng thép tồn kho lớn, do đó giá thép và phôi thép trên thế giới trong quý I và nửa đầu quý II/2009 sẽ không có biến động, tiếp tục duy trì ở mức giá thấp như hiện nay.

 

Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực của các gói giải pháp kích thích nền kinh tế của nhiều nước đã và đang thực hiện sẽ phát huy hiệu quả trong khoảng thời gian giữa năm 2009. Khi đó nhu cầu sử dụng thép trên thế giới sẽ tăng mạnh, trong khi nhiều nhà máy sản xuất thép và phôi thép trên thế giới đã cắt giảm mạnh công suất và khó có thể phục hồi nhanh công suất trở lại khi nhu cầu tăng mạnh, nhất là tại các nước phát triển đang phục hồi trở lại. Do đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, và giá thép, phôi thép có thể sẽ tăng cao trở lại.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 1/2009 đạt 86 triệu tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng tăng 4,5% so với tháng 12/2008 do sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 1/2009 tăng 9,9% so với tháng 12/2008. Hầu hết các quốc gia sản xuất thép thô như Nhật Bản, Hàn Quốc… trong tháng 1/2009 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008.

 

Đối với Việt Nam, trước những gói giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng mà Chính phủ đã và đang thực hiện, cùng với việc phê duyệt đầu tư 35 nghìn tỷ đồng vào xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2010; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ như hạ lãi suất cho vay, giãn nợ… đã giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xây dựng, tác động trực tiếp đến sự phục hồi của thị trường thép, nhu cầu thép sẽ tăng mạnh trở lại.

 

Theo thống kê, 2 tháng đầu năm 2009, lượng thép tiêu thụ trên cả nước đạt khoảng 600 nghìn tấn. Nhu cầu thép tăng, nhưng do nguồn cung sắt thép dồi dào (khoảng 200 nghìn tấn thép thành phẩm và gần 400 nghìn tấn phôi thép), cùng với công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt khoảng 250 nghìn tấn/tháng, về cơ bản cung đáp ứng đủ cầu và giá thép trong nước. Theo dự báo, đến hết quý II/2009, thị trường thép trong nước sẽ không có đột biến.

(HNMO)

ĐỌC THÊM