Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 12 năm

GDP quý III/2022 tăng 13,67%, tính chung 9 tháng năm nay tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất 9 tháng, trong giai đoạn 2011-2022.

Sáng nay (29/9), tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đánh giá, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Theo đó, GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng 2 con số có được trên nền so sánh của quý III/2021, là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm nay tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung.

CPI tháng 9 tăng 0,4%, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm giảm giá. Hai nhóm giảm giá là giao thông giảm 2,23% do giá xăng liên tục giảm ở các kỳ điều chỉnh trong tháng và bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Ngược lại, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào; một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê nhận định, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Đến nay, mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu.

Nguồn tin: Tiền phong

ĐỌC THÊM