Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

G-20 có ngăn chặn được "chiến tranh tiền tệ"?

Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sẽ diễn ra tuần này ở Seoul, Hàn Quốc. Hội nghị họp trong bối cảnh có những diễn biến căng thẳng về tiền tệ trên thế giới. Thậm chí, có nhà kinh tế còn cho rằng “cuộc chiến tranh tiền tệ” đã bắt đầu.

Nổ phát súng khởi đầu “cuộc chiến tranh tiền tệ” này là việc chính phủ Mỹ quyết định bơm 600 tỉ USD cho nền kinh tế nước này như một gói kích cầu. Tác động của sự kiện này khá mạnh. Đồng đôla Mỹ thoạt trông có vẻ yếu đi, nhưng lại có lợi cho xuất khẩu của Mỹ. Người ta còn nghi ngờ dòng tiền này có thể được chảy “đầu tư” vào châu Á và sau đó lại được rút đi như hồi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1998. Tất nhiên là Trung Quốc kịch liệt phản đối động thái này của Mỹ. Từ nhiều năm nay, Mỹ và châu Âu cố ép Trung Quốc phải nâng giá đồng nhân dân tệ để cân đối nền tài chính toàn cầu, nhưng là nhằm làm giảm sức nóng của hàng hóa Trung Quốc tràn vào Mỹ và châu Âu. Mỹ cho rằng chính sách định giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị thực tế của Trung Quốc đã mang lại những lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước này trong làm ăn với Mỹ. Mỹ và Trung Quốc được cho là hai tác nhân chủ yếu gây ra “cuộc chiến tranh tiền tệ” lần này.

Chính vì vậy, người ta hy vọng Hội nghị cấp cao G-20 dự kiến diễn ra tại thủ đô Seoul trong hai ngày 11 - 12-11 có thể điều chỉnh và ngăn chặn “cuộc chiến tranh tiền tệ”. Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đề xuất bốn vấn đề quan trọng thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Những vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự chính của hội nghị, bao gồm tỷ giá hối đoái, thiết lập mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, cải cách các thiết chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và vấn đề phát triển.

Rõ ràng là thế giới cần có một mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu để ngăn ngừa khủng hoảng thông qua hợp tác quốc tế. Trong đó, cùng với các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và các tổ chức khu vực như ASEAN... có vai trò ngày càng tăng. Giờ đây các nền kinh tế này cần phải có tiếng nói trên trường quốc tế tương xứng với sức mạnh và năng lực kinh tế của họ.

Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu “cuộc chiến tiền tệ” khó được ngăn chặn triệt để. Báo chí Mỹ cho biết Nhà Trắng tỏ ý hoài nghi việc các nhà lãnh đạo thế giới có thể đạt được đột phá trong những tranh cãi xung quanh chính sách tiền tệ của Trung Quốc tại hội nghị này. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ về các vấn đề kinh tế quốc tế Mike Froman nêu rõ Mỹ không hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết tại Seoul, song sẽ duy trì áp lực nhằm cải thiện tình trạng thiếu cân bằng kinh tế toàn cầu.

Nguồn: CATP