Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đưa tín dụng phi sản xuất về 22%: Các ngân hàng chạy nước rút

Hôm nay, ngày 30/6 là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng đưa tín dụng phi sản xuất về 22% trên tổng dư nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Dù còn nhiều khó khăn nhưng đa số các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định, họ sẽ nỗ lực để về đích đúng hạn.

Ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tưvà Phát triển Việt Nam( BIDV) cho biết, đến nay, tỷ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đặc biệt là bất động sản và chứng khoán của BIDV đang ở ngưỡng an toàn, khoảng 16 - 17%. "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục kiểm soát theo lộ trình mà NHNN đưa ra"- ông Lực nói thêm.

Nhiều các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đang chạy nước rút để đưa tín dụng phi sản xuất "về đích" đúng hạn.

Lãnh đạo ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceabank) cũng khẳng định, ngân hàng này đảm bảo sẽ hoàn thành đúng thời hạn việc đưa tín dụng phi sản xuất về 22%. "Với Oceabank, chúng tôi có thuận lợi hơn một chút là vì từ đầu năm 2011, ban lãnh đạo ngân hàng đã xác định là không tập trung cho tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi đặt trọng tâm là chất lượng tín dụng, rà soát, lựa chọn những khách hàng tốt - ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Tổng Giám đốc Oceabank cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cũng rất ủng hộ chủ trương thắt chặt tín dụng này của NHNN. Theo T.S Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hạn chế cho vay phi sản xuất sẽ giúp dư lượng vốn cho vay xã hội nhiều lên cũng như bảo đảm lãi suất không ở mức quá cao. "Việc tập trung vốn cho khu vực sản xuất cũng sẽ giúp các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn và hạn chế rủi ro thanh khoản trong thời điểm hiện nay"- ông Thành nói.

Trong khi tín dụng bất động sản - loại tín dụng dài hạn và khó đòi trong bối cảnh hiện nay chiếm gần 80% tỷ trọng tín dụng phi sản xuất thì việc kéo dư nợ phi sản xuất về 22% là điều không hề dễ với nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định, dù khó, họ vẫn quyết làm. "Chế tài xử lý cho các ngân hàng trễ hẹn rất nghiêm. Chẳng ngân hàng nào muốn tăng gấp 2 lần dự trữ bắt buộc, bị áp buộc phạm vi kinh doanh. Bởi thế, cực chẳng đã ngân hàng mới để bị phạt thôi"- lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Nguồn tin: KTĐT