Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đua nhau báo lỗ nhưng lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép đã tạo đáy trong quý 3/2022?

Nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh trong bối cảnh suy thoái toàn cầu đã khiến các doanh nghiệp ngành thép đua nhau báo lỗ trong quý 3/2022.

Thống kê của VnEconomy cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 doanh nghiệp niêm yết ngành thép công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022, trong đó 3 công ty báo lỗ, 1 công ty báo lãi giảm và 2 công ty ngược dòng tăng mạnh. 

ĐUA NHAU BÁO LỖ

Cụ thể, quý 3 vừa qua, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (TIS) ghi nhận doanh thu thuần hơn 2,6 nghìn tỷ đồng và lãi gộp 45 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ của Tisco giảm mạnh còn 21.895 tấn tương ứng giảm 11,4% so với cùng kỳ. Sản lượng giảm cùng với giá bán thép giảm đã kéo biên lợi nhuận của Tiscon chỉ còn 1,7% trong quý 3 vừa qua trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 6%.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, Tisco báo lỗ sau thuế 25 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 10 tỷ đồng. Nếu không tính tới khoản thu nhập khác, Công ty này đã lỗ hơn 38 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thép. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần hơn 9.5 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 7 tỷ đồng, giảm tương ứng 1% và 93% so với cùng kỳ.

Công ty CP Thép Thủ Đức - VnSteel (TDS) vừa chính thức công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với tình hình kinh doanh ảm đạm. Trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 411,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 403 tỷ đồng của quý 3/2021. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lỗ gộp 20,6 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ song chi phí tài chính tăng mạnh gấp gần 4 lần chủ yếu là chi phí lãi vay; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi dẫn đến kết thúc kỳ doanh nghiệp thép này lỗ 29,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 643 triệu của quý 3/2021.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Thủ Đức lỗ 15,8 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2021 có lãi 58 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu do đó giảm từ 297 tỷ đồng còn 276 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Công ty CP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA) ghi nhận doanh thu thuần của công ty giảm gần 18% xuống còn 477 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn nên VCA lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỷ. Trừ đi các chi phí, Thép Vicasa lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng quý 3, cùng kỳ năm ngoái lãi gần 2 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của công ty kể từ khi niêm yết (năm 2010).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Vicasa đạt 1.834 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 42 tỷ. Lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối quý III/2022 là 9 tỷ đồng.

Mặc dù không đến mức thua lỗ nhưng Thép Mê Lin cũng báo lãi giảm mạnh chỉ còn 964 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 18,7 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Mê Lin báo lãi 13,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái con số này là 57,5 tỷ đồng.

Đua nhau báo lỗ nhưng lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép đã tạo đáy trong quý 3/2022? - Ảnh 1

XUẤT HIỆN NHIỀU VỆT SÁNG

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó vẫn có những doanh nghiệp ngành thép lội ngược dòng báo lãi tăng mạnh. Cụ thể, Công ty Cổ phần Cán Thép Thái Trung - Một công ty con thuộc công ty CP Gang Thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2022 1.434 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 1.520 tỷ đồng của năm 2021. Giá vốn hàng bán giảm nhờ đó lợi nhuận gộp đạt 22 tỷ đồng tăng 2 tỷ đồng so với quý 3/2021.

Sau khi trừ đi các khoản thuế phí phát sinh, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận 6,8 tỷ đồng tăng gần gấp 4 lần so với con số 1,8 tỷ đồng của năm 2021. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Cán Thép Thái Trung ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7,89 tỷ đồng, tăng so với con số 7,57 tỷ đồng của năm 2021. 

Tương tự, tại Công ty Cổ phần Kim khí Miền Trung, doanh thu trong kỳ tăng nhẹ từ 555 tỷ đồng lên 597,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính cùng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đã giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần gấp đôi từ 967 triệu năm ngoái lên 1,6 tỷ năm nay. Lũy kế từ đầu năm đến ney, Kim khí Miền Trung báo lãi 16,2 tỷ đồng tăng so với con số 15 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Cho đến thời điểm hiện tại, còn hai doanh nghiệp lớn trong ngành gồm Hòa Phát và Hoa Sen chưa công bố kết quả kinh doanh cho quý 3/2022. Tuy nhiên, theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2022 của HPG vào khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.

LỢI NHUẬN NGÀNH THÉP CHẠM ĐÁY?

Bức tranh kinh doanh đã cho thấy các doanh nghiệp ngành thép đã khó khăn trong suốt giai đoạn vừa qua, đúng như lời của tỷ phú Trần Đình Long nói. "Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi", lời chia sẻ của ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 4.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được cải thiện trong Quý 4.

Thứ nhất, tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng đã qua. Quý 4 là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập 06 Tổ Công tác của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức đạt 58,7% kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. 

Nguồn: Tổng cục Thống kê. 

Nguồn: Tổng cục Thống kê. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các Bộ ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian để chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm

Thứ hai, tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành thép từ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ Trung Quốc ngày 24/8/2022. Trong đó, bổ sung 300 tỷ CNY mà các ngân hàng nhà nước có thể sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023.

Thứ ba, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã khiến giá điện ở châu Âu tăng vọt. Để đối phó với tình trạng trên, một số nhà máy thép trong khu vực đã cắt giảm một phần hoặc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất. Với việc EU sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, người mua thép EU sẽ cần tìm kiếm các nguồn thép rẻ hơn ở châu Á, bao gồm Việt Nam, khi nhu cầu ở EU phục hồi.

Đua nhau báo lỗ nhưng lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép đã tạo đáy trong quý 3/2022? - Ảnh 2

Thực tế cho thấy, xuất khẩu thép cũng tích cực hơn trong những ngày cuối năm 2022. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sắt thép tiếp tục nằm trong nhóm 10 mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn trong kỳ 2 tháng 9 năm 2022. Giá trị xuất khẩu thép tăng từ 0,17 tỷ USD con số đầu kỳ tháng 9 lên 0,26 tỷ USD trong 15 ngày cuối tháng 9. Như vậy, tính riêng tháng 9, xuất khẩu thép đạt 0,43 tỷ USD. Trong khi tháng 8, sắt thép bị loạt khỏi 10 mặt hàng giá trị xuất khẩu lớn. 

Nguồn tin: vnEconomy

ĐỌC THÊM