Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dự án thép "tỷ đô": Hy vọng mong manh?

Dự án thép không gỉ Quan Ding trị giá 700 triệu USD, khởi đầu cho làn sóng các dự án thép lớn vào Việt Nam cách đây 3 năm là một ví dụ. Sau khi “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt một thời gian dài.

 

UBND tỉnh Ninh Thuận mới trao chứng nhận đầu tư cho một dự án sản xuất thép trị giá 9,8 tỷ USD. Đáng nói là các NĐT của dự án không phải là những tên tuổi trong ngành thép.

 

Quá nhiều bánh vẽ?

 

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) dĩ nhiên là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam. Song, thạo đóng tàu không đồng nghĩa với giỏi sản xuất thép.

Còn đối tác nước ngoài của Vinashin trong dự án sản xuất thép tại Ninh Thuận là công ty Maju Stabil Sdn.Bhd mới được thành lập vào tháng 5/2007. Công ty này được Bộ Công Thương cho là: “chưa có tiếng tăm gì về sản xuất thép”. Ngay cả công ty mẹ của họ, Lion Diversifield Holding Bhd (Malaysia), cũng không thuộc hàng ngũ các nhà sản xuất thép lớn trên thế giới.

Hai đối tác, một thạo đóng tàu, một chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép, đã bắt tay thành lập một liên doanh để thực hiện một dự án nhà máy sản xuất thép “hoành tráng” nhất Việt Nam từ trước tới nay với trị giá lên tới 9,8 tỷ USD, tương đương khoảng 160.000 tỷ đồng.

Ấn tượng hơn, chủ đầu tư còn lên kế hoạch sẽ hoàn tất giai đoạn 1 trong thời gian 2008-2010, tại một vùng đồng không, mông quạnh, cơ sở hạ tầng thiết yếu như cảng, đường giao thông chưa hề có. Và một điều nữa, để có được mặt bằng sạch trên diện tích 662 ha ở Việt Nam không phải là chuyện của một tháng, hai tháng mà có khi là hàng năm.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, trong các đề nghị cấp phép dự án thép khổng lồ này, dĩ nhiên kỳ vọng rất lớn vào những lợi ích mà dự án mang lại khi đi vào hoạt động. Nhưng đó lại là câu chuyện của nhiều nhiều năm sau nữa, bởi, trên thực tế không ít dự án thép tỷ đô được cấp phép tại Việt Nam trong ba năm trở lại đây còn đang “vật vã” mà chưa thể khởi công được!

Dự án thép không gỉ Quan Ding trị giá 700 triệu USD, khởi đầu cho làn sóng các dự án thép lớn vào Việt Nam cách đây 3 năm là một ví dụ. Sau khi “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt một thời gian dài, vào đầu tháng 8 vừa qua, các cơ quan hữu trách địa phương đành phải rút giấy phép để khai tử dự án.

Một ví dụ khác: dự án thép Tycoon Steel World Wide ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Dự án này có quy mô ban đầu hơn 1 tỷ USD. Sau khi giậm chân tại chỗ khoảng 1 năm, cuối cùng đã phải đổi chủ đầu tư (được cho là có năng lực hơn) và đăng ký tăng vốn đầu tư lên 3 tỷ USD. Thế nhưng cho đến nay, sau gần 2 năm được cấp phép, dự án này vẫn chưa có ngày khởi công chính thức.

 

Cấp phép dễ dãi

 

Điều đáng nói là, khi góp ý cho việc cấp phép các dự án thép quy mô tỷ đô này, các cơ quan chuyên ngành đã phải vượt qua rất nhiều rào cản về tâm lý với những câu hỏi thông thường như: “quặng đâu để luyện thép, điện đâu để cho nhà máy chạy, nước đâu để cung cấp và tiêu thụ sản phẩm ở đâu?”

Trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay, những phân vân loại kể trên của các cơ quan hữu trách cũng nhanh chóng được “giải tỏa” khi chủ đầu tư lớn tiếng khẳng định họ sẽ sử dụng quặng nhập khẩu, sẵn sàng xây nhà máy điện, hay sản phẩm sản xuất ra sẽ được xuất khẩu là chủ yếu. Và lẽ dĩ nhiên nhà đầu tư phải khẳng định như vậy bởi không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện, nhất là cơ sở hạ tầng, để thu hút được các nhà đầu tư.

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì rất nhiều dự án thép tới Việt Nam vì muốn tận dụng giá điện rẻ ở nước ta. Bởi vậy, chỉ tính riêng ở Bà Rịa -Vũng Tàu hiện đã có 15 dự án thép với sản lượng đăng ký lên tới 3,75 triệu tấn phôi và 8,6 triệu tấn thép.

So với quy hoạch chỉ có 1 triệu tấn phôi và 5 triệu tấn thép cán thì năng lực sản xuất trên lý thuyết của các dự án được cấp phép tại tỉnh này đã vượt khá xa. Mức tăng đột biến về số lượng các nhà máy thép cũng khiến cho nhu cầu phụ tải điện tăng vọt trong khi ngành điện chỉ có thể đáp ứng được cho các nhà máy thép ở đây khoảng 30% nhu cầu.

Chính vì thế, nguy cơ đổ vỡ của các dự án thép ngoài quy hoạch tại Bà Rịa-Vũng Tàu là hiển hiện. Các dự án xây dựng nhà máy điện trong những dự án thép cũng không dễ thành hiện thực bởi tính bất khả thi trong việc bán điện dư với giá thấp cho ngành điện. Còn nếu xây dựng nhà máy điện chỉ để phục vụ nhà máy thép không thôi thì quả là một quyết định đầu tư đắt đỏ.

Tuy vậy, các cơ quan hữu trách ở địa phương dường như lại chỉ thấy mỗi lợi ích trước mắt trong việc có thêm một dự án đầu tư lớn để tăng thêm thứ hạng cho địa phương mình trong cuộc đua thu hút đầu tư chứ chưa hình dung hết những khó khăn đi theo khi cấp phép.

Trên thực tế, ngay đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dù rất muốn thu hút thêm dự án thép chất lượng cao của China Steel (được các cơ quan hữu trách đánh giá khá cao về tính khả thi của dự án và sản phẩm làm ra) nhưng xem ra không hề dễ dàng. 15 dự án thép, trong đó có tới 7 dự án chưa triển khai, 2 dự án mới đang xây dựng, tại khu vực này đã khiến Chính phủ phải đề nghị nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm khác vì hạ tầng cơ sở ở đây đã quá tải.

Xem ra địa phương này đang bắt đầu tiếc vì đã cấp phép một cách khá dễ dãi cho các dự án thép trước đó ở những vị trí đẹp nhưng nhiều dự án trong số này lại vẫn chưa hề động tĩnh gì. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư khác có năng lực tìm đến đây nhưng... đã hết chỗ!

KTĐT

ĐỌC THÊM