Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đông Á đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính

Theo Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố, Đông Á đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Theo Báo cáo, với tư cách là “đầu tàu” kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ở các nước đang phát triển của Đông Á có khả năng tăng tới 8,7% năm 2010, sau khi bị chậm lại từ mức 8,5% năm 2008 xuống 7% năm 2009.

Báo cáo chỉ ra rằng, với việc các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường và giá cả đã ổn định, các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trong khu vực đã bắt đầu bãi bỏ các hỗ trợ chính sách đặc biệt. Các biện pháp giảm hỗ trợ bao gồm việc giảm dần các chương trình bơm thêm vốn khả dụng vào nền kinh tế, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, và Việt Nam và Malaysia còn tăng lãi suất cơ bản. Báo cáo nhận định, ở nhiều nước, vẫn còn quá sớm để rút bớt các biện pháp kích thích tài khóa, vì đầu tư tư nhân vẫn chưa trở thành một động lực tăng trưởng, và người nghèo vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không gian tài khóa bị hạn chế, và nếu chỉ có một mình gói kích thích kinh tế thì không đủ để duy trì cầu nội địa trong một thời gian dài. Việc chuyển sang tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân trong ngắn hạn là hết sức quan trọng.

Điều này có thể thực hiện được. Đông Á đã thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu và trở nên mạnh mẽ hơn, và có thể đạt được tăng trưởng nhanh trong những năm tới ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu ớt. Nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân cao như giai đoạn trước khủng hoảng sẽ đòi hỏi các nước phải trở lại chương trình cải cách trung hạn của mình, và phải thực hiện lộ trình cải cách đó một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Với sự đa dạng của khu vực, mỗi nước sẽ có những ưu tiên riêng của mình. Đối với Trung Quốc, việc lấy lại sự cân bằng cho nền kinh tế như được nhấn mạnh trong khế hoạch phát triển năm năm lần thứ 11 sẽ đóng vai trò quan trọng. Việc lấy lại sự cân bằng bao hàm nhiều khía cạnh, trong đó có việc tái cơ cấu tăng trưởng kinh tế bằng việc cho phép khu vực dịch vụ và tiêu dùng tư nhân đóng một vai trò quan trọng hơn, thay vì tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư và xuất khẩu, đồng thời khuyến khích tính bền vững môi trường hơn nữa. Đối với các nước có thu nhập trung bình, cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để leo lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu. Các nước có thu nhập thấp cần phải phát triển khu vực chế tạo và tham gia vào các mạng lưới sản xuất của khu vực và thế giới. Các nước xuất khẩu hàng nguyên liệu thô cần phải tăng cường các nguyên tắc và khuôn khổ tài khóa để chuyển các nguồn thu không ổn định bên ngoài thành tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, các đảo quốc Thái Bình Dương cũng cần phải hội nhập sâu sắc hơn với thị trường lớn gần với mình nhất.

Báo cáo này cũng xác định hai vấn đề chung cho khu vực trong trung hạn. Thứ nhất, cần tiếp tục quá trình hội nhập khu vực, mà động lực là các cam kết của khối ASEAN trong việc thiết lập một khu vực kinh tế chung. Hội nhập kinh tế khu vực sâu sắc hơn giờ đây càng trở nên quan trọng, vì các nước phát triển có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại trong tương lai. Các rào cản mậu dịch ngoài biên giới cần được giảm bớt, bất chấp các áp lực bảo hộ mới nổi lên khắp thế giới, trong đó có Đông Á. Việc hội nhập sâu sắc hơn sẽ khuyến khích kinh tế theo qui mô và thương mại giữa các ngành, hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa bền vững, giảm chi phí, và tăng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ hai, việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu là một ưu tiên cao trong khu vực. Các biện pháp giảm nhẹ cần được tăng cường hơn nữa để cải thiện việc sử dụng đất và nước, thúc đẩy hiệu quả và bảo tồn năng lượng, và đề cao hơn nữa vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo. Tăng hiệu quả năng lượng không chỉ tốt cho an ninh năng lượng mà còn bền vững hơn về mặt môi trường, và sẽ góp phần làm cho các thành phố đang phát triển nhanh chóng trở nên dễ sống hơn. Hơn nữa, với tỉ lệ đầu tư trong khu vực cao hơn so với các nước phát triển, Đông Á có thể tiến nhanh đến việc sử dụng công nghệ “xanh”. Bước tiến này là một lợi thế của khu vực trong một ngành có tiềm năng tăng trưởng nhanh trên toàn cầu. Đồng thời, chương trình thích ứng (với biến đổi khí hậu) cũng đòi hỏi tăng cường hợp tác khu vực và các khuôn khổ quản lý rủi ro thảm họa. Các khuôn khổ thể chế và qui định nhằm cải thiện sức kháng cự của hoạt động kinh tế, giảm rủi ro hạn hán và lũ lụt, và quản lý các vùng duyên hải và các đảo nhỏ, là hết sức cần thiết.

(ĐCSVN)

ĐỌC THÊM