Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu gọi hỗ trợ

Mới đây, một số ngân hàng thông tin rằng đang đẩy mạnh việc cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh: TL
- “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là đối tượng bị tác động nặng nề nhất và đang trong tình trạng khó khăn”, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy và kiến nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ khối doanh nghiệp này.

Ông Lý Đình Sơn, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi phát biểu tại hội thảo: “Doanh nghiệp- ngân hàng-chứng khoán cùng tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ lạm phát” hôm 3-10 tại Hà Nội đã ví dụ tác động của lạm phát đến doanh nghiệp giống như cơn bão ập đến, ngôi nhà nào yếu, ít được phòng bị thì chịu tàn phá nhiều và nặng nề hơn và đó chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiệp hội đã chia số doanh nghiệp bị tác động thành ba nhóm:

Nhóm một là những doanh nghiệp bị tác động mạnh, đang hết sức khó khăn, bị phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Nhóm này có thể chiếm tới 20% tổng số doanh nghiệp. Đây thường là các doanh nghiệp có quy mô khá, đã có giai đoạn tăng trưởng nhanh, đã có dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn vay ngân hàng.

 

Nhóm hai là những doanh nghiệp bị lạm phát và khủng hoảng kinh tế tác động mạnh, hiện đang ở trong tình trạng khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Số lượng các doanh nghiệp thuộc nhóm này có thể đến 60%. Lạm phát khiến các doanh nghiệp không kiểm soát được chi phí sản xuất, mất thị trường, không có đủ vốn để duy trì sản xuất.

 

Nhóm còn lại là những doanh nghiệp ít bị tác động hoặc thậm chí vẫn tìm được cơ hội phát triển trong điều kiện lạm phát. Đây có thể là những doanh nghiệp chưa hoặc ít sử dụng vốn vay hoặc là những doanh nghiệp có người đứng đầu là những doanh nhân có kiến thức, kinh nghiệm với bản lĩnh cao trong kinh doanh.

Hiệp hội cho biết hiện vẫn đang nhận được đề nghị hỗ trợ của các doanh nghiệp thành viên trong việc tìm công nghệ và vốn để sản xuất, tìm đối tác để nâng cao năng lực cạnh tranh, gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời kỳ hiện tại.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, hiện cả nước có 349.309 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh với số vốn lên đến 1.389.000 tỉ đồng (tương đương 84,1 tỉ đô la Mỹ), trong đó có hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự đóng góp lớn cả về quy mô và số lượng, bộ phận doanh nghiệp này có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế, chưa nói đến việc nơi này cung cấp việc làm cho hơn 50% số lao động làm việc trong doanh nghiệp và mỗi năm tăng thêm nửa triệu lao động.

Hiệp hội đang kiến nghị Chính phủ dành ra một khoản vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay và thông qua chính sách hỗ trợ phát triển số doanh nghiệp này, trong đó có việc hình thành Quỹ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm cho doanh nghiệp và cung cấp một số hỗ trợ kỹ thuật.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng thống nhất với đề xuất trên. Bà đề nghị Chính phủ khẩn trương cơ cấu lại hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng, giúp họ dễ tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng đồng thời cũng giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, những đề đạt nêu trên của phía các hiệp hội chưa tìm được sự thống nhất với các ngân hàng. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), một trong số các ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước trong việc hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là mâu thuẫn về nhu cầu và quyền lợi các bên chưa có lời giải.

Ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch HĐQT Agribank, lập luận: “Các doanh nghiệp nhất loạt đòi hỏi giảm lãi suất vay, càng thấp càng tốt. Nhưng nếu giảm lãi suất cơ bản, mặc dù hiện vẫn thấp hơn mức tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng), để giảm lãi suất vay thì sẽ đi ngược mục tiêu chống lạm phát”. Ông giải thích các ngân hàng thương mại chấp nhận ghìm lãi suất cho vay vì cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng, nhưng không thể hạ thấp mãi mà phải đảm bảo có chênh lệch đầu vào - đầu ra, trong đó ngoài chi phí nghiệp vụ, lãi cổ đông thì còn phần trích lập quỹ rủi ro, vì nếu không đủ quỹ để bù đắp rủi ro phát sinh thì đến lượt ngân hàng sụp đổ.

Theo một báo cáo cách đây vài ngày của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) thì có trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Nguồn vốn vay chiếm tỷ trọng 45,31%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn hệ thống là 3,64%, đặc biệt số nợ có khả năng mất vốn chiếm 37,3% tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

(TBKTSG Online)

ĐỌC THÊM