Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp Việt với phòng vệ thương mại

 Khi nền kinh tế càng hội nhập, sự bảo hộ thương mại của các nước càng tăng lên khiến cho DN xuất khẩu phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện liên quan đến phá giá... Do đó, để chủ động phòng tránh, DN cần trang bị các biện pháp để sẵn sàng ứng phó với rủi ro có thể xảy ra.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, nhất là vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong nửa đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 225,29 tỷ USD, tăng 13%, so với cùng kỳ năm 2017.


Chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn

Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 85,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu tăng cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều hành động bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở các thị trường lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đến nay hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại ở 17 thị trường, trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Có thể thấy, khi sự hội nhập càng tăng thì sự hiện diện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng sẽ nhiều hơn. Đây đang là thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chủ nghĩa bảo hộ hiển hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018.

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Hoa Kỳ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được chính nước này công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế chống lẩn tránh vào tôn xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, cũng là nơi chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Số liệu từ ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho thấy, tính đến tháng 5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp có hiệu lực, trong đó có 10 lệnh chống bán phá giá liên quan đến Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, thép là ngành hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất với 27 vụ việc, chiếm tỷ trọng khoảng 21%. Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá với Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa.

Trước những thách thức về bảo hộ thương mại của các nước, các DN xuất khẩu cần đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Theo nhận định của một số chuyên gia ngành thép, thời gian tới việc xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định bởi các nước đã và đang tiếp tục khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam. Do đó, các DN cần tăng cường những giải pháp để hạn chế thấp nhất rủi ro.

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã giành thắng lợi trong vụ kiện chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn Hòa Phát xuất khẩu vào Australia. Theo đó, Ủy ban Chống bán phá giá Australia đã quyết định chấm dứt cuộc điều tra thép dây dạng cuộn nhập khẩu do biên độ bán phá giá của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam đều dưới 2% (biên độ phá giá tối thiểu), không gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất của Australia. Sự việc này cũng khẳng định, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần trang bị tốt những kỹ năng tham gia và theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá nếu gặp phải.

Trên thực tế, hiểu biết của các DN nội về phòng vệ thương mại tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, với nguồn lực tài chính không mạnh nên các DN cũng khó có thể theo đuổi các vụ kiện kéo dài.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, nhấn mạnh, các DN cần chú trọng hơn đến công tác phòng vệ thương mại, cần chủ động nắm bắt thông tin pháp luật, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, phối hợp với các bên liên quan trong quá trình theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại để chứng minh hoạt động xuất khẩu của DN phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM