Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp trước áp lực hội nhập

Ông Lê Phước Vũ - Tổng giám đốc Công ty Tôn Hoa Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng: Chưa bao giờ áp lực hội nhập đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại lớn như bây giờ. Nhiều nước áp dụng các hành động phi thị trường để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Điều này gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet).

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) than thở, các hiệp định tự do thương mại giảm thuế suất nhiều mặt hàng nhưng lại tăng hàng rào thương mại. Áp lực từ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu đang đè nặng DN Việt khi “vươn ra biển lớn”.

Ông Lê Văn Quang - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú cho biết: Thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam và các nước bằng 0 nhưng hàng rào kỹ thuật được các nước xây cao hơn. Hàng rào thuế quan của các nước gây khó khăn và làm gia tăng chi phí cho DN.

“Trước đây khi không có hàng rào hoặc hàng rào kỹ thuật thấp thì DN chỉ tốn 3 – 4% chi phí. Nhưng đến nay theo tính toán, DN phải tốn 10 – 20% chi phí nhằm “vượt rào” tốt hơn, thậm chí con số này còn lên đến 30%”, ông Quang nhấn mạnh.

Nhiều nước xuất khẩu cố tình vi phạm các cam kết tại các Hiệp định song phương và đa phương để bảo hộ cho hàng hóa trong nước gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu.

Ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc Công ty Tôn Hoa Sen, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng: Chưa bao giờ áp lực hội nhập đối với cộng đồng DN Việt Nam lại lớn như bây giờ. Tất cả các khó khăn, thách thức đều diễn ra bất ngờ, khiến nhiều DN trở tay không kịp. Nhiều nước trên thế  giới áp dụng các hành động phi thị trường để bảo hộ nền sản xuất trong nước. 

Trước áp lực các biện pháp phòng vệ thương mại, DN nghiệp lo ngại bị tổn thất nặng nếu như phía Việt Nam không có phản ứng. DN cho rằng, từ trước đến nay DN đã và đang “đơn thương độc mã” trước những vụ kiện chống bán phá giá của các nước. Đơn cử, tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam liên tục bị cấm nhập khẩu không đạt chất lượng. Trong khi đó, Nhật Bản không áp dụng biện pháp này với Thái Lan do Chính phủ nước này đã can thiệp trực tiếp.

“Có nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước nhưng khi hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật về chất lượng thì Việt Nam không phản pháo lại. Đơn cử, vụ Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối mặt hàng tôm xuất khẩu Việt Nam vài năm trước. Cứ nhùng nhằng kiện lại thì cơ hội không còn”, ông Lê Văn Quang phân trần.

Ông Quang cho rằng, Việt Nam hội nhập nhiều nhưng khi hàng hóa của DN bị hàng rào kỹ thuật các nước áp dụng không đúng luật nhưng chẳng có Bộ - ngành nào lên tiếng. Vậy càng hội nhập nguy cơ khó khăn càng cao.

Ông Lê Phước Vũ nêu quan điểm, hội nhập sâu rộng cùng với thị trường rộng lớn khi đó cạnh tranh ngày càng gia tăng. Trường hợp không được trang bị tốt DN sẽ thất bại. Cần thiết tăng cường đội ngũ nhân lực của cục quản lý cạnh tranh nhiều hơn. Trường hợp nhân lực, năng lực không đủ thì chắc chắn không thể giải quyết được hàng loạt vụ việc sẽ xảy ra như hiện nay. 

Không thể phủ nhận các hiệp định thương mại tự do mở ra các cơ hội mới cho hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, tần suất sử dụng các công cụ bảo vệ thị trường ngày càng cao hơn. Đây được xem là một đối sách để đối phó với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Để ứng phó với những khó khăn mới này, nhiều DN cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các DN với Hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác điều hành xuất khẩu và thâm nhập thị trường nước ngoài.

“Cục Quản lý cạnh tranh chịu tranh nhiệm tổ chức hướng dẫn và xử lý tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, DN cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm của mình đó là giải pháp tối ưu tránh hàng rào kỹ thuật chứ không thể đổ lỗi cho hàng rào kỹ thuật của các nước. Hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được chuẩn chung của thị trường các nước cũng như thị trường thế giới. Không có cách nào khác phải chủ động sản xuất, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua trình độ công nghệ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đảm bảo phát triển bền vững”-  Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM