Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép: Áp lực vào cuối năm

Hầu hết các doanh nghiệp thép đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán đều có doanh số tăng cao trong quý 3 vừa qua, tuy nhiên mức lợi nhuận đạt được không tương ứng mà trái lại còn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Điều này đang tạo ra áp lực cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.

Kết quả quý 3 đáng thất vọng…

Thống kê cho thấy, có 12 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sắt thép đang niêm yết công bố lợi nhuận quý 3 thấp hơn so với cùng kỳ 2009 và so với quý 2/2010 cũng có đến 10 doanh nghiệp thông báo lợi nhuận giảm.

Đáng chú ý là Minh Hữu Liên (HNX: MHL) với mức lợi nhuận quý 3 chỉ đạt 8 triệu đồng, giảm gấp đôi so với cùng kỳ và quý trước. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc giá vốn hàng bán trong quý tăng hơn 50% cùng kỳ. Mặc dù doanh thu có sự tăng trưởng 12.5% nhưng vẫn không đủ bù đắp.

Giải trình về kết quả kinh doanh kém khả quan này, MHL cho biết doanh thu hàng xuất khẩu của công ty trong quý vừa qua giảm mạnh, bên cạnh đó giá vốn lại tăng do giá nhân công tăng và giá nguyên liệu thép cũng tăng trở lại trong quý 3.

Một đơn vị hoạt động trong ngành thép và là công ty mẹ của MHL là Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA) cũng thông báo lợi nhuận giảm 71% so với cùng kỳ và giảm khoảng 14% so với quý 2/2010.

Nguyên nhân mà doanh nghiệp này đưa ra là do không còn nhận được nguồn hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ như năm 2009, trong khi lãi suất trên thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến chi phí tài chính của công ty đội thêm 35% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc thị trường thép trong năm 2010 liên tục biến động theo chiều hướng giảm, chỉ phục hồi trong tháng 7 và 8, sau đó lại giảm tiếp trong tháng 9 làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ các sản phẩm của công ty.

Cùng nguyên nhân với HLA, Công ty XNK Thương mại SMC (HOSE: SMC) cho biết, trong điều kiện thị trường tiêu thụ giảm sút, công ty đã tăng cường mở rộng thị phần trong quý 3 nhưng doanh thu vẫn sụt giảm 16% so với cùng kỳ và giảm khá mạnh tới 23% so với quý trước, chỉ còn hơn 1,279 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc mất đi nguồn hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ đã làm cho chi phí tài chính của SMC tăng vọt 147% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động này giảm 71% phần nào gây thêm áp lực giảm lợi nhuận của SMC trong quý vừa qua.

Điểm qua các doanh nghiệp khác, mức lợi nhuận sụt giảm đều ở mức khá cao như Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) giảm 77.5%, Thép Việt Ý (HOSE: VIS) giảm gần 73%.

Tiếp tục có nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm khiêm tốn so với cùng kỳ như Sản xuất và Kinh doanh Kim khí (HNX: KKC) giảm 67%, VIS giảm gần 62% hay như HLA giảm trên 45% và MHL thụt lùi gần 36%.

Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác thị trường vẫn ghi nhận một số doanh nghiệp có mức lợi nhuận đột biến trong quý 3 như Thép Bắc Việt (HNX: BVG) với lợi nhuận sau thuế tăng 473% cùng kỳ, dù chỉ đạt 2.35 tỷ đồng; Thép Việt Đức (HNX: VGS) tăng 200% đạt 6.42 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, BVG tiếp tục ghi nhận mức tăng vượt trội với 24 lần so với cùng kỳ và đạt 19.38 tỷ đồng. Tiếp theo là Tập đoàn Sơn Hà (HOSE: SHI) tăng 110% khi đạt trên 52.4 tỷ đồng và hoàn thành 75% kế hoạch năm. Thép Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) ghi nhận mức tăng 83%, đạt gần 162 tỷ đồng, nhưng so với kế hoạch 250 tỷ đồng, công ty vẫn còn một quãng đường khá xa để thực hiện trong quý cuối năm.

“Đại gia” trong ngành thép như Pomina (HOSE: POM) tuy mức lợi nhuận sau thuế quý 3 giảm đến 53% so với cùng kỳ với chi phí tài chính tăng quá cao lên đến gần 160%. Nhưng tổng kết 9 tháng, công ty này đã xuất sắc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra là 612 tỷ đồng lợi nhuận cả năm, đạt hơn 616.5 tỷ đồng. Khoảng thời gian còn lại được dự báo sẽ khá dễ dàng cho POM thị trường đã bước vào mùa xây dựng mới.

Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) thông báo mức lợi nhuận tương đối khi hoàn thành 70% kế hoạch, đạt lợi nhuận sau thuế 944 tỷ đồng trong 9 tháng,

Áp lực vào cuối năm

Thông tin gần đây từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ cuối tháng 10/2010, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 100,000 - 150,000 đồng/tấn. Theo đó, giá thép từ các nhà sản xuất bán ra ở mức phổ biến 13.2 - 13.85 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa thể bù đắp cho phần chi phí mà các doanh nghiệp đã phải “cõng” thêm do sự tăng giá mạnh của USD so với VND. Do đó, các doanh nghiệp có thể sẽ phải tăng giá bán thép xây dựng thêm tối thiểu là 500,000 đồng/tấn thì mới đảm bảo bù đắp các chi phí.

Trong báo cáo hồi đầu tháng 11 về ngành thép, CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC) cho biết, 9 tháng đầu năm 2010, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong nước tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2009, trong đó sản xuất tăng 19% và tiêu thụ tăng 18%, sản xuất phôi thép trong nước đạt 2.3 triệu tấn, tăng 11%. Nhập khẩu phôi thép đạt 1,401 triệu tấn.

Nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam dự kiến năm 2010 đạt khoảng 10-11 triệu tấn.

HASC dự báo, trong quý 4 này, khi mùa mưa bão đi qua thì nhu cầu xây dựng tăng mạnh, tiêu thụ thép sẽ khá lớn. Do đó, mặc dù tình hình thép thế giới đang có xu hướng giảm nhẹ nhưng giá thép trong nước kỳ vọng sẽ nhích lên.

Ngoài ra, trong tháng 5 và 6/2010 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tích trữ được lượng phôi thép giá rẻ khi giá phôi thế giới sụt giảm mạnh. Ưu thế này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp giảm được nhiều ưu thế vốn trong năm 2011. Đồng thời, lượng hàng tồn kho khá lớn từ những tháng trước sẽ là lợi thế trong quý này khi nhu cầu thép tăng mạnh.

Còn theo một báo cáo đặc biệt của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS) bình luận về những tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ nâng lãi suất cơ bản lên 9% đến nền kinh tế và một số doanh nghiệp đang niêm yết, trong đó có hai gương mặt của ngành sắt thép là HPG và POM.

Cụ thể, BVS cho rằng, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện bình ổn tỷ giá và tăng lãi suất cơ bản sẽ tăng áp lực cho yếu tố đầu vào của HPG (Than mỡ và thép phế phục vụ cho sản xuất thép) và của POM (phôi thép, cũng như thép phế). Đầu ra của hai doanh nghiệp này là thép thành phẩm sẽ tăng giá cùng với giá thế giới và chịu tác động của tỷ giá.

Về chi phí tài chính, BVS cho rằng chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản khá lớn của HPG vào khoảng 36% và tỷ lệ 50% của POM (tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn bằng ngoại tệ là 91.6 triệu USD và 22 triệu EUR vào cuối 2009).

Như vậy, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp ngành thép cần nỗ lực nhiều để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra.

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM