Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 18 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn hơn 1,7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư sớm nhất vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào thời điểm đất nước ta bắt đầu đổi mới. Qua hơn 20 năm, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã rất thành công tại đây. Khởi đầu cho làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Bà Rịa Vũng Tàu phải kể đến 2 dự án là Nhà máy sản xuất thép của Công ty TNHH Thép Vina Kyoei và Công ty TNHH may mặc Hikosen Cara.
Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: “Nhà đầu tư Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đến với chúng tôi ngay từ khi Việt Nam mới cải cách, mở cửa. Đó là thời điểm mà kinh tế của tỉnh đang khó khăn nhất, khó khăn cả về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý, môi trường đầu tư. Nhưng các nhà đầu tư đã thành công và cùng đồng hành phát triển với tỉnh trong suốt những năm qua”.
Tại Công ty TNHH ống thép Nippon Steel Việt Nam (Ảnh: Dantri)
Sau một thời gian đầu tư ở Philippines, Singapore…, năm 1990, bà Sachiko Okuyama, nhà sáng lập Công ty Hikosen đã quyết định chuyển nhà xưởng về Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với hình thức Liên doanh với Công ty XNK Vũng Tàu. Năm 2000 hết thời hạn giấy phép đầu tư, Hikosen Cara được cấp phép tiếp tục đầu tư. Công ty TNHH may mặc Hikosen Cara ra đời theo mô hình mới 100% vốn nước ngoài của Nhật Bản.
Ở lĩnh vực công nghiệp, cái tên Vina Kyoei của các nhà đầu tư Nhật Bản cũng được người dân Bà Rịa-Vũng Tàu biết đến từ năm 1995, khi chính thức đưa nhà máy đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, với những sản phẩm thép gân, thép tròn trơn và thép cuộn, phục vụ ngành xây dựng lần đầu tiên được sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là nhà máy đặt nền móng cho việc hình thành trung tâm sản xuất thép lớn nhất cả nước tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau gần 20 năm hoạt động, từ một nhà máy chỉ sản xuất các sản phẩm thép ngành xây dựng công suất 300.000 tấn/năm, Vina Kyoei đã xây dựng thêm một nhà máy luyện phôi thép công suất 450.000 tấn/năm. Nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 250 lao động Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Ông Mitsuhiro MORI – Tổng Giám đốc Công ty Thép Vinakyoei cho biết: “Thép Vina Kyoel là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 1994. Chúng tôi rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn nhưng với kế hoạch đầu tư phát triển của công ty cùng sự quan tâm hỗ trợ tích cực của lãnh đạo Bà Rịa Vũng Tàu trong các năm qua, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng luyện phôi thép và mở rộng nhà máy cán thép giai đoạn 2 với công suất mỗi dự án là 500.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư là 220 triệu USD. Hy vọng, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà và tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương”.
Một nhà đầu tư Nhật Bản cũng có mặt sớm và thành công tại Bà Rịa-Vũng Tàu là Nippon Steel & Sumitomo Metal. Tập đoàn này đặt chân đến Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2010. Với mục tiêu đặt một nhà máy chuyên sản xuất cọc ống thép, ván cọc ống thép, phục vụ cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cầu, đường, tập đoàn này đã thành lập Công ty Nippon Steel & Sumikin Việt Nam. Tháng 6/2010, nhà máy chính thức đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2.
Theo ông Kenichi Kanezaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ống thép Nippon Steel Việt Nam, “Công ty Nippon Steel Pipe Việt Nam hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 huyện Tân Thành. Đây là dự án sản xuất thép xây dựng đầu tiên của tập đoàn Nippon bên ngoài nước Nhật. Chúng tôi quyết định đặt nhà máy tại đây vì thấy rằng, môi trường đầu tư tại đây thông thoáng, và luôn được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các sở ban ngành để dự án sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Bà Rịa Vũng Tau có nguồn lao động địa phương khá dồi dào, người lao động Việt Nam thân thiện, ham học hỏi, chịu khó lao động… cũng là điều khiến chúng tôi quyết định đầu tư”.
Hiện tại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 18 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó 12 dự án đã đi vào hoạt động với ngành nghề kinh doanh đa dạng, như: sản xuất thép, ren và gia công ống dầu khí, cơ khí, khuôn mẫu, cảng biển, may mặc, hải sản. Mặc dù số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký chưa nhiều, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện đạt khá cao, chiếm khoảng 70% so với tổng vốn đầu tư đăng ký.