Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp khốn đốn vì lãi vay

Lãi suất vay từ các ngân hàng tăng lên 22 - 23% khiến nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất, lợi nhuận âm, khó khăn bủa vây.

Chi phí tài chính tăng vọt

Giám đốc một cơ sở may tại quận Tân Phú (TP.HCM) thở dài cho biết những ngày đầu tháng 5 vừa qua, hầu hết các ngân hàng ông tiếp xúc đều đưa ra mức lãi suất thấp nhất là 23%/năm. Một số ngân hàng đưa lãi suất lên đến 24% vì ông là khách hàng mới. Với mức lãi suất này, doanh nghiệp không dám vay bởi làm nhiều cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Thôi thì làm cầm chừng theo kiểu “đến đâu hay đến đó”.

 
Lãi suất vay tăng cao khiến Công ty giấy Sài Gòn lên kế hoạch bị lỗ trong năm nay - Ảnh: Quý Phương

Ngay cả những doanh nghiệp (DN) lớn có mối quan hệ thân thiết với ngân hàng thì lãi suất cũng đã được nâng lên. Công ty giấy Sài Gòn trong tháng 4 đã nhận được thông báo thay đổi lãi suất cho các khoản vay dài hạn lên 19%/năm và dự kiến mức lãi suất này sẽ còn thay đổi. Ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn - cho biết với lãi suất lên tới 20%/năm, năm 2011, chỉ riêng tiền lãi vay ngân hàng công ty sẽ phải trả gần 100 tỉ đồng. Lãi suất liên tục tăng từ đầu năm đến nay khiến chỉ tiêu kinh doanh cả năm của DN này là... lỗ gần 70 tỉ đồng dù doanh thu vẫn tăng 30% so với năm 2010. “Kể từ khi thành lập đến nay chưa bao giờ công ty bị lỗ nặng đến vậy nhưng vẫn phải gồng mình gánh chịu. Nếu tình hình vẫn kéo dài thì nhiều doanh nghiệp không cầm cự nổi”, ông Cao Tiến Vị nói.

 

Lãi suất 24 - 25% làm sao DN vay nổi? Tỷ suất lời của họ đâu cao như vậy được?  

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

 
 

 

Theo ông Nguyễn Thế Hiển, giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh sắt thép ở H.Bình Chánh, TP.HCM, những năm trước, ngân hàng cấp cho công ty hạn mức vay trong năm. Ví dụ như 50 tỉ đồng/năm và cứ thế DN khai thác triệt để hạn mức này để đẩy mạnh sản xuất. Nhưng hiện nay, mặc dù vẫn còn hạn mức nhưng công ty ông không dám vay vì lãi suất quá cao. Đặc biệt, với các DN thép, xây dựng thì tỷ lệ nợ luôn ở mức cao và gây khó khăn cho họ. Ví dụ, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen báo cáo chi phí lãi vay trong 3 tháng đầu năm lên gần 68 tỉ đồng, hơn gấp đôi lãi vay của cùng kỳ năm trước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lợi nhuận công ty mẹ trong kỳ chỉ còn hơn 2 tỉ đồng trong khi 3 tháng đầu năm 2010 công ty này đạt lợi nhuận hơn 60,4 tỉ đồng.

Sản xuất thụt lùi

Ông Ngô Thế Hiển phân tích: hệ quả của việc lãi suất quá cao, DN không dám vay vốn ngân hàng là sản xuất co hẹp và chậm lại. “Thậm chí, có DN than vãn với tôi rằng họ cố làm để trả hết các khoản vay từ trước, xong sẽ đóng cửa nghỉ ngơi”, ông Hiển nói.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận xét tình hình sản xuất - kinh doanh của DN ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều DN cố thủ nhưng nếu không có chính sách gì để tháo gỡ khó khăn thì sẽ không qua khỏi. “Lãi suất 24 - 25% làm sao DN vay nổi? Tỷ suất lời của họ đâu cao như vậy được? Tôi cũng khuyên các ngân hàng với lãi suất này đừng cho DN vay nữa, vì không mang lại hiệu quả mà còn khiến DN yếu hơn, chỉ cầm cự trước mắt thôi”, ông Minh lắc đầu.

DN không dám đầu tư phát triển, không đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, chắc chắn trong tương lai gần hàng hóa sản xuất trong nước sẽ giảm mạnh sức cạnh tranh. Trong khi lộ trình hội nhập đang diễn ra một cách mạnh mẽ, tới đây hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam sẽ có nhiều hơn các lợi thế về thuế, về giá... Điều này theo ông Minh, viễn cảnh không mấy sáng sủa đang hiện diện trước mắt các DN Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Trên cương vị Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, ông Cao Tiến Vị cũng cho rằng nhiều DN hội viên đang rất khó khăn vì lãi suất vay cao tới mức khó tưởng tượng như hiện nay. Có một thực tế là DN càng nhỏ lại càng không dám than khổ bởi họ vẫn có tư duy “xấu che tốt khoe” vì sợ ngân hàng càng không cho vay đồng thời sợ đối tác cũng “lánh xa”. Nhưng nỗi khổ chung đang ảnh hưởng đến tất cả mọi DN dù mức độ khác nhau và họ chỉ còn biết trông chờ vào các giải pháp mới của Chính phủ để giảm bớt sự khó khăn đó.

Cơ cấu lại sản phẩm

Để thích ứng với điều kiện kinh doanh khó khăn hiện nay, đặc biệt là giải quyết vấn đề vốn vay, các DN không chỉ cắt giảm chi phí sản xuất mà còn cơ cấu lại danh mục sản phẩm. Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty CP dược Hậu Giang, khẳng định đã cắt giảm sản xuất 10% sản phẩm. Tương tự, ông Bùi Đình Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH cân Nhơn Hòa, cho hay sản phẩm cân điện tử của Nhơn Hòa vừa phải ngừng sản xuất. Trên thực tế, việc ngưng đầu tư cho một sản phẩm bất kỳ trong chiến lược phát triển cũng sẽ khiến DN gặp bất lợi trong cạnh tranh.

Theo ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Casumina, các DN phải chú ý đến phương thức thanh toán với đối tác để bảo toàn vốn, bằng cách giao hàng lấy tiền ngay. Ví dụ trước đây Casumina giao hàng và thu tiền sau 30 ngày nhưng kể từ năm 2008 cho tới nay rút ngắn còn 15 ngày. Ngoài ra, nên giảm tồn kho, nhưng việc trữ vật tư và sản phẩm tồn kho ít hiện tại có thể đồng nghĩa với rủi ro.

Nguồn: Thanhnien