Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp khai thác quặng: Mong bán được hàng trong nước

Các doanh nghiệp khoáng sản đều cho hay, xuất khẩu quặng không dễ, nên họ mong bán được hàng cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng không muốn bị ép giá, làm khó như đã từng xảy ra.

Dù những tranh cãi về quyền lợi giữa các doanh nghiệp sản xuất thép có dùng tinh quặng sắt trong nước với các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt còn chưa ngã ngũ, nhưng lần đầu tiên, trước sự chứng kiến của Bộ Công thương và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hai bên đã thẳng thắn với nhau nhiều điều.

Trước đó ít ngày, dựa trên đề nghị của nhiều doanh nghiệp ngành thép có đầu tư lò cao luyện gang mà đầu vào là tinh quặng sắt, VSA đã có kiến nghị tới Bộ Công thương về việc dừng xuất khẩu tinh quặng sắt để dành cho sản xuất phôi thép trong nước. Theo tính toán của VSA, với 1,8 triệu tấn công suất lò cao trong năm nay, tương đương 3,6 triệu tấn quặng thành phẩm và hơn thế rất nhiều nếu là quặng nguyên khai, nguy cơ thiếu quặng cho sản xuất của các lò cao đã được cảnh báo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản) cho hay, cho tới nay, Tổng công ty chưa xuất khẩu được 1 kg quặng nào, vì thủ tục xuất khẩu rất khó khăn và phức tạp. Nhưng khi mời các doanh nghiệp sản xuất thép có lò cao đến đấu giá mua quặng sắt, thì chỉ có Tập đoàn Hòa Phát cùng một số doanh nghiệp tại địa phương quan tâm.

Hơn nữa, hiện Tổng công ty có hai nguồn quặng sắt với quy mô hàng năm 300.000 tấn. Trong đó, khoảng 200.000 tấn là quặng thành phẩm có nguồn gốc từ mỏ Nà Nũng (Cao Bằng) và 100.000 tấn tinh quặng có được từ quá trình sản xuất của Nhà máy Đồng Sin Quyền (Lào Cai). Tinh quặng sắt này tuy có hàm lượng sắt trên 60%, nhưng lại kèm theo 30% lưu huỳnh và không một lò cao luyện gang trong nước nào dám sử dụng toàn bộ bởi sợ hỏng lò.

Ông Ninh Quốc Chính, Phó giám đốc Công ty TNHH Đức Sơn (Hà Giang) cũng cho hay, quặng nguyên khai mà Công ty đang khai thác có hàm lượng từ 26 đến 53% sắt, không đạt tiêu chuẩn để sản xuất gang (trên 60%), nên phải phối trộn với các loại quặng có hàm lượng sắt cao hơn. Nhưng tại Hà Giang lại chưa có nhà máy luyện kim, nên quặng sắt được khai thác ra cũng khó tiêu thụ. Nếu vận chuyển quặng từ Hà Giang về các cơ sở chế biến ở dưới xuôi, thì chi phí vận chuyển bị đội lên rất nhiều, thậm chí cao hơn cả giá thành khai thác quặng, nên chuyện bán quặng ở trong nước cũng không đơn giản.

Thực tế quặng nghèo cũng được ông Phạm Chí Cường lên tiếng cảnh báo với các doanh nghiệp có lò cao. “Các mỏ quặng có hàm lượng sắt cao ở Việt Nam đã được khai thác nhiều năm qua, nên giờ không còn nhiều. Mỏ Quý Xa xếp vào loại tốt hiện chỉ có hàm lượng trên 50%, còn Thạch Khê tốt hơn, nhưng lại lẫn nhiều kẽm, đòi hỏi công nghệ cao, tốn tiền mới xử lý được”, ông Cường nói.

Không chỉ khó khăn về mặt kỹ thuật khi dùng quặng nghèo cho sản xuất lò cao, rất nhiều vướng mắc khi bán hàng trong nước cũng được các doanh nghiệp bán quặng kể ra. Ông Phạm Lê Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long cho hay, cuối năm 2008, quặng của Công ty bán ra có giá 1,4 triệu đồng/tấn, nhưng khi có Thông tư 02/2008/TT-BCT quy định việc xuất khẩu khoáng sản theo hướng ưu tiên trong nước, thì các doanh nghiệp trong nước ra giá mua chủng loại tương đương là 350.000 đồng/tấn. Không chấp nhận thực tế đó, doanh nghiệp quyết tâm xuất khẩu dù phải qua nhiều cửa gian truân.

ở thời điểm này, giá quặng sắt mà Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3 triệu đồng/tấn, trong khi doanh nghiệp trong nước trả chưa đến 1/2 con số này cho quặng tương đương. “Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước không thể dựa vào việc ưu tiên cho tiêu thụ trong nước để ép chúng tôi bán hàng với giá rẻ”, ông Hùng khẳng định.

Với tư cách là khách hàng đã mua được quặng của cả Tổng công ty Khoáng sản, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng công ty Thép Việt Nam rất ổn thỏa với số lượng không nhỏ, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng, không đáng lo ngại chuyện mua – bán quặng giữa các doanh nghiệp, câu chuyện lớn hơn, cần được quan tâm hơn nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định khi mua quặng trong nước chính là vấn đề “thông đường”.

Năm 2009, Tập đoàn Hòa Phát mua 200.000 tấn quặng ở Cao Bằng, nhưng mất 10 tháng với đủ các loại giấy tờ, văn bản và nỗ lực của cả bên bán, bên mua mới vận chuyển được 100.000 tấn quặng ra khỏi Cao Bằng. Ông Cường cho hay, thực tế này cũng đã được ghi nhận ở rất nhiều địa phương miền núi phía Bắc, nơi có hoạt động khai thác quặng sắt.

(baodautu.vn)

ĐỌC THÊM