Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

DN thép đối phó với tỷ giá và nợ

Giá bán ở một số loại thép dùng trong công nghiệp như thép tấm, thép lá, thép mạ thấp hơn giá thế giới.

Doanh nghiệp ngành thép cũng như một số ngành mà nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn đang phải đối phó với hai vấn đề: tỷ giá tăng và động thái giảm dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại.

Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK trong các doanh nghiệp thép niêm yết và chuẩn bị niêm yết, để thu xếp được tiền trả ngân hàng đúng hạn, một vài doanh nghiệp đã bán thép cán nguội hay còn gọi là thép mỏng cho doanh nghiệp khác với giá thấp hơn giá nhập khẩu về cảng khoảng 5%. Sức ép bán hàng đến từ việc các ngân hàng tiếp tục siết nợ doanh nghiệp để giảm dư nợ tín dụng xuống trước thời điểm chốt dư nợ năm 2009.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phước Tiến (PHT) cho biết, tiêu thụ thép trên thị trường tháng 12 chậm do các ngân hàng hút tiền về không giải ngân cho các dự án. “Hiện nay, giá bán ở một số loại thép dùng trong công nghiệp như thép tấm, thép lá, thép mạ là mặt hàng kinh doanh chính của PHT thấp hơn cả giá thế giới, nên chúng tôi cũng không muốn bán hàng ra”.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhận xét, tăng lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỷ giá là những chính sách phù hợp với đòi hỏi của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Mặc dù vậy, nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có Hòa Phát. Tuy nhiên, Hòa Phát bị ảnh hưởng thấp do Tập đoàn đang có hệ số vay nợ thấp. Những thay đổi này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của HPG trong năm 2010.

Trong các mặt hàng thép hiện nay, mặt hàng thép xây dựng, tôn có thể tăng giá bán trên thị trường để bù đắp tăng giá vốn do tăng tỷ giá USD, dù tiêu thụ thép xây dựng nói chung trong tháng 12 cũng yếu do tác động của giảm dư nợ tín dụng và các nhà phân phối không kỳ vọng giá thép tăng nên không vội dự trữ hàng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC (SMC), chi phí giá đầu vào của thép đang tăng lên nhưng giá bán phải tăng từ từ, không dễ dàng gì mà tăng ngay. “Tỷ giá tăng làm tăng chi phí đầu vào của thép xây dựng khoảng 5% thì giá bán sản phẩm mới chỉ tăng được 3%. Như vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhất định”, ông Anh cho biết.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của tỷ giá đến các doanh nghiệp ngành thép lại theo hai hướng tốt xấu khác nhau. Cụ thể là hầu hết doanh nghiệp đều có một lượng hàng tồn kho, gồm nguyên liệu đã về đến cảng và nguyên liệu đang trên đường về. Tỷ giá tăng, giá bán tăng nhẹ thì doanh nghiệp có lượng tồn kho về cảng lớn sẽ được hưởng chênh lệch vì giá nguyên liệu thấp (đã thanh toán ở thời điểm tỷ giá thấp).

Còn số lượng nguyên liệu đã ký hợp đồng mua đang trên đường nhập khẩu về sẽ bị tăng giá tính theo VND, vì doanh nghiệp phải mua USD với giá cao để thanh toán.

Ảnh hưởng của tỷ giá cũng tác động khác nhau với doanh nghiệp ghi nhận nợ bằng USD hay VND. Nếu nhận nợ bằng VND thì tỷ giá không làm tăng nợ.

Liên quan đến giảm dư nợ, một vài doanh nghiệp cho biết, thông thường doanh nghiệp rất khó mua được USD của ngân hàng nhưng đối với doanh nghiệp đã đủ hạn mức vay, ngân hàng đã gọi lên bán USD cho để doanh nghiệp trả nợ, giảm nợ vay xuống. Còn đối với những doanh nghiệp chưa sử dụng hết hạn mức thì khoản nợ USD được treo để ưu tiên cho doanh nghiệp đã sử dụng hết hạn mức vay. Ông Anh cho biết, tỷ giá tăng nhưng hai tuần nay doanh nghiệp đã mua được USD chứ không đến mức căng thẳng như trước.

Như nhiều ngành hàng khác, doanh nghiệp ngành thép đang chịu tác động của việc thay đổi chính sách vĩ mô. Các doanh nghiệp hy vọng, cuối tháng 12, sau khi ngân hàng đã chốt dư nợ của năm, sức ép giảm dư nợ sẽ không còn. Doanh nghiệp có thể vay vốn mới để nhập hàng chuẩn bị cho vụ hàng mới và dự trữ khi giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới có xu hướng tăng lên.

Giá bán thép cán nguội hiện nay so với giá nhập khẩu thép cán nguội hiện tại trên thị trường thế giới (giao sau hai tháng tới) thấp hơn tới 16%. Tức là bán hàng ngày hôm nay, sau đó doanh nghiệp sẽ phải nhập nguyên liệu về với giá cao hơn. Giá phôi thép nhập khẩu cũng đã tăng nhẹ do giá quặng, than cốc, và giá vận tải tăng.

Cổ phiếu ngành thép chắc cũng sẽ có sự phân hóa tùy theo tiềm lực tài chính của mỗi doanh nghiệp cũng như khả năng xử lý vấn đề tỷ giá, hạn chế rủi ro.

(ĐTCK)

ĐỌC THÊM