Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điều gì xảy ra ở Tập đoàn Hoa Sen?

Một năm qua, khi mà phần đông các nhà đầu tư đang trong men say tăng giá của thị trường chứng khoán, thì những cổ đông gắn bó với Tập đoàn Hoa Sen phải “ngậm ngùi” nhìn giá cổ phiếu bốc hơi tới hơn 60%. Người thì đổ lỗi cho các chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu, người thì nghĩ đó là chiêu bài “đè gom” của lãnh đạo Hoa Sen, có người lại cho rằng lãnh đạo Hoa Sen tháo chạy trước biến cố lớn…Vậy sự thật ở đâu?

 

Hiện nay, Hoa Sen mới chỉ dừng lại ở mức gia công bán thành phẩm là thép cuộn
(cán nóng hoặc cán nguội) nhập khẩu phần nhiều từ Trung Quốc.

Đó là câu chuyện thị trường, của “trí tưởng tượng” nhiều hơn là “lý trí”. Vậy điều gì đang xảy ra ở Hoa Sen, bí ẩn đằng sau đà tụt dốc không phanh của giá cổ phiếu là gì?

Quản trị “thiếu minh bạch”

Với gần 400 chi nhánh trải dài khắp cả nước, hệ thống phân phối đang là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Hoa Sen trong những năm gần đây. Hoa Sen có được ngày hôm nay không thể không kể đến tài năng của ban lãnh đạo, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ. Tuy nhiên, với sự phụ thuộc quá nhiều vào vị Chủ tịch từ cơ cấu sở hữu cho tới quản trị, mô hình kinh doanh đang thể hiện nhiều dấu hiệu đáng quan ngại cho Hoa Sen.

Chủ tịch HĐQT liên tục mua đúng “đáy” bán đúng “đỉnh”, các công ty “sân sau” sở hữu tới gần 50% cổ phần và thường xuyên mua bán qua lại cổ phiếu với khối lượng lớn, cũng như sự thiếu minh bạch trong việc quản trị nguồn nguyên vật liệu. Có quá nhiều vấn đề nhưng điều làm nhà đầu tư lo ngại nhất lại nằm ở sự xuất hiện thường xuyên và ngày càng lớn của các doanh nghiệp “sân sau” trong giao dịch mua bán hàng hóa với Hoa Sen.

Điển hình như năm tài chính 2017, chỉ riêng Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, công ty sân sau của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ, đồng thời là cổ đông lớn nhất đang nắm 23% cổ phần của Hoa Sen đã phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa với Hoa Sen lên tới gần 7.200 tỷ đồng. Với con số doanh thu thuần năm 2017 đạt 26.150 tỷ đồng, những giao dịch mua bán này đã chiếm tới hơn 27,5% tổng doanh thu của Hoa Sen. Đây là một con số không hề nhỏ, điều đáng chú ý là tỷ trọng những giao dịch liên quan này đang tăng lên rất nhanh và không được thuyết minh rõ ràng.

Chiếc bánh bắt đầu bị chia sẻ

Tôn mạ và ống thép đang là 2 sản phẩm chủ lực và gần như chiếm toàn bộ lợi nhuận của Hoa Sen. Do từ năm 2017, Hoa Sen không công bố con số doanh thu chi tiết từng mảng nên theo ước tính CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) tôn mạ chiếm khoảng 73% doanh thu toàn tập đoàn, ống thép khoảng 20% doanh thu.

Nhìn vào diễn biến thị phần ống thép từ năm 2010-2017, có thể thấy doanh nghiệp này đang tỏ ra khá đuối sức trong cuộc chạy đua “song mã” với Hòa Phát. Năm 2017 là năm đầu tiên Hoa Sen chính thức ghi nhận suy giảm mạnh về thị phần mảng ống thép, chỉ còn 17,8% so với mức 20% thị phần được thiết lập năm 2016. Đây là điều khó tránh khỏi khi từ năm 2017, Hòa Phát quyết định tập trung hơn nữa vào mảng ống thép, nhìn vào số liệu thị phần có thể thấy Hòa Phát giống như một đoàn tàu đang chạy với tốc độ cao, rất khó có thể cản nổi.

Tuy nhiên đây chưa phải vấn đề quá lớn, vấn đề thực sự đáng lo ngại là cái tên Hòa Phát đã chính thức gia nhập lĩnh vực tôn mạ và hứa hẹn sẽ vẽ lại toàn bộ thị trường tôn mạ trong tương lai gần. “Chiếc bánh” tôn mạ vốn đã trở nên chật hẹp với Hoa Sen bởi những cái tên như Nam Kim, Đông Á đang vươn lên mạnh mẽ, nay lại phải đối đầu với một Hòa Phát sở hữu chuỗi sản xuất khép kín và tiềm lực tài chính thì vô cùng mạnh mẽ so với tất cả các doanh nghiệp khác trong ngành.


Biểu đồ ngành tôn.

Giá nguyên liệu tăng nhanh

Chính sách của Tổng thống Donald Trump không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lợi nhuận suy giảm mạnh của Hoa Sen trong những quý gần đây, bởi Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu xuất khẩu của tập đoàn này. Việc đi vay quá nhiều để tập trung tích trữ nguyên nhiên vật liệu tồn kho cũng không phải nguyên nhân chính. Bởi Hoa Sen hoàn toàn có thể bán bớt nguyên vật liệu tồn kho để cân đối lại dòng tiền một cách nhanh chóng.

Vấn đề của Hoa Sen nằm ở việc giá nguyên liệu đầu vào tăng quá nhanh trong lúc thị trường tôn mạ bị dư cung trung hạn khi bản thân các doanh nghiệp đầu ngành liên tục gia tăng công suất và thị trường xuất khẩu đồng loạt thiết lập bảo hộ thương mại. Tình trạng dư cung là khó khăn ngắn và trung hạn mà Hoa Sen nói chung và các doanh nghiệp ngành tôn nói riêng phải đối đầu trước khi bắt đầu cạnh tranh với một Hòa Phát “mạnh vì công nghệ và bạo vì tiền” chính thức gia nhập.

Như vậy có quá nhiều yếu tố tiêu cực đang “đè lên” kết quả kinh doanh của Hoa Sen. Ngắn hạn là tình trạng dư cung và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh, trung và dài hạn là sự “bế tắc” trong quá trình chuẩn bị những công cụ cạnh tranh cần thiết để đấu lại Hòa Phát đang ngày một lớn mạnh cũng như mối lo ngại về một mô hình quản trị thiếu minh bạch đang ngày càng phình to. Có lẽ không nói quá khi cổ đông Hoa Sen bây giờ đang ở vào thế khó khi cùng một lúc phải xử lý “thù trong giặc ngoài”.

Nguồn tin: Người tiêu dùng

ĐỌC THÊM