Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điêu đứng vì thép ngoại

Theo Hiệp hội thép Việt Nam VSA, sức tiêu thụ thép trong nước vào tháng 3 là khoảng 320.000 tấn. Trong khi, lượng thép ngoại thành phẩm nhập về lên tới 400.000 - 500.000 tấn. Cung “bội thực”, lại không thể cạnh tranh về giá, nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao.

Anh Bùi Văn Quang, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Quang Thắng (An Dương Vương, phường 16, quận 8, TP HCM), cho biết: “Lượng thép ngoại bán ra chiếm tới 50 - 70% tổng lượng thép bán mỗi ngày. Giá bán của thép cuộn ngoại rẻ hơn từ 800.000 đến một triệu đồng mỗi tấn so với các loại thép sản xuất trong nước. Vì vậy, thép ngoại đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Một đại lý thép trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP HCM) cho hay, thời gian qua, các công ty sản xuất thép trong nước có giảm giá ba đợt nhưng vẫn chưa rẻ bằng thép ngoại. Hiện thép cuộn do các công ty trong nước sản xuất giao tận nơi ở mức 10 triệu đồng một tấn, thép cây là 10,75 triệu đồng trong khi thép ngoại chỉ 9 - 9,2 triệu đồng một tấn. Điều này khiến ngoài một số thương hiệu Việt đã có tiếng như Việt Nhật, Pomina… có thể “sống” được, còn những hãng thép mới ra đời không được các đại lý chấp nhận.

Thép ngoại đang khiến ngành thép trong nước điêu đứng. Ảnh: Đình Sơn.

“Nhiều vựa mua thép nước ngoài về rồi bán cho người tiêu dùng không am hiểu với giá cao (bằng giá thép trong nước) để hưởng lợi nhuận cao hơn. Điều này cũng khiến các loại thép nội khó cạnh tranh với thép ngoại”, anh Quang tiết lộ.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệu, một nhà thầu xây dựng tại quận Tân Phú (TP HCM), từ sau Tết đến nay, nhiều đại lý khuyên mua thép ngoại với giá tương đối “mềm”. Bình quân 1m2 xây dựng nhà cần khoảng 13 kg sắt, thép. Nếu làm một căn hộ với diện tích sàn khoảng 100 m2, nếu dùng thép ngoại thì tiết kiệm được một triệu đồng so với thép nội.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, để giải quyết hàng tồn kho, các nhà sản xuất thép của Nga, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… bán phá giá phôi thép với giá chỉ 320 - 330 USD một tấn (mặt bằng giá khoảng 400 -  430 USD).

VSA cho biết, có nhiều lô hàng thép nhập từ Trung Quốc trong hai tháng đầu năm được chủ hàng khai là thép cuộn hợp kim (thuế nhập khẩu bằng 0%) nên bán ra thị trường với giá rất thấp so với thép cuộn trong nước. VSA đã có văn văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra các lô thép này.

Ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc công ty kim khí TP HCM (đơn vị kinh doanh thép lớn khu vực phía Nam), thừa nhận: “Thép ngoại bán giá rẻ, người tiêu dùng được lợi, doanh nghiệp kinh doanh lại thu được lợi nhuận cao, không có lý do gì để không nhập về”. Cũng theo ông Xuân, thép ngoại giá rẻ hơn, cộng thêm tâm lý “chuộng đồ ngoại” của người dân nên sức tiêu thụ cao hơn thép nội 4 - 5 lần.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Vinh, nguyên Giám đốc Công ty Thép miền Nam, nhận xét, có những lô thép cuộn nhập về chất lượng kém hơn thép của các tên tuổi lớn trong nước về độ bền, góc uốn... Có điều do thép cuộn bày bán không có nhãn mác nên thép ngoại dễ dàng trà trộn với thép nội, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo ông Cường, ngoài sức ép của thép “ngoại” giá rẻ, ngành thép còn đối diện nguy cơ doanh nghiệp sử dụng tiền vay hỗ trợ lãi suất sai mục đích. Vay tiền hỗ trợ với lãi suất để nhập thép ngoại, doanh nghiệp thực chất đang dùng tiền kích cầu của Chính phủ để tiêu thụ thép ngoại, thay vì hỗ trợ sản xuất và kích cầu thép nội địa.

Theo ông Cường, nếu tình trạng này kéo dài, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước như tăng thuế nhập khẩu, cho vay lãi suất ưu đãi, dừng cấp phép cho các dự án thép… cũng không thể cứu được doanh nghiệp thép trong nước.

 Năm 2009, ngành thép đủ năng lực để sản xuất 5,5 - 6 triệu tấn phôi thép, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực tế về phôi thép. Riêng phôi cho cán tấm nóng thì vẫn phải nhập khẩu do chưa sản xuất được. Về thép cán xây dựng thông thường, năng lực sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu.

 

(Đất Việt)

ĐỌC THÊM