Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điều chỉnh tỷ giá, hi vọng không phải là đối phó!

Điều mà mọi người mong đợi là việc điều chỉnh tỷ giá đồng bạc Việt Nam lần này không phải là một phản ứng chậm trễ và tạm thời trước áp lực của thị trường, một giải pháp tình thế trong một chuỗi giải pháp tình thế mang tính chất đối phó như thường thấy, mà là một bước đầu quả cảm trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện các cân đối vĩ mô cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có đầy đủ năng lực cạnh tranh, có khả năng tăng trưởng nhanh và ổn định trong lâu dài - chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn.

Liều an thần tạm thời

Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước duy trì tỷ giá ngoại tệ chính thức ở mức 18.932 VND ăn 1 USD vào thời điểm cuối năm 2010 trong khi trên thị trường tự do tỷ giá thực tế của đồng USD có khi lên tới mức 21.500 VND có thể là một liều thuốc an thần tạm thời cho các nhà nhập khẩu, đặc biệt là cho những tập đoàn có nợ nước ngoài, nhưng hiệu quả của biện pháp này đối với việc ổn định lâu dài giá trị đồng bạc Việt Nam cũng như đối với việc giảm thiểu tình trạng khiếm hụt thường xuyên cán cân thương mại và gia tăng nợ nước ngoài vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ là việc kềm giữ tỷ giá trong thời gian vừa qua đã là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm giảm khối dự trữ ngoại tệ quốc gia và làm cho nguồn cung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng trở nên hiếm hoi hơn. Việc kềm giữ tỷ giá trong một thời gian khá dài không phù hợp với tín hiệu thị trường còn tạo nên tình trạng được gọi là "chợ đen" trong quan hệ mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng và các doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu. Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải lách luật trong quan hệ mua bán ngoại tệ nhưng doanh nghiệp chịu thiệt thòi hơn vì trong nhiều trường hợp họ không thể hạch toán phần tiền đồng phải trả thêm ngoài tỷ giá chính thức.

Và việc gì phải đến đã đến. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích kinh tế, ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh dạn điều chỉnh tỷ giá chính thức lên 20.693 VND/ 1 USD, một sự điều chỉnh giảm 9,3% tỷ giá đồng bạc Việt Nam. Đây là một bước đi cần thiết và khá mạnh mẽ, nhưng không gây ngạc nhiên vì trên thực tế tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ trên thị trường tự do đã lên đến mức trên 21.000 VND/ 1 USD từ cuối năm 2010 (thứ Bảy, 12/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tỷ giá thêm 0,1%, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng nay là 20.713 VND ăn 1 USD). Các doanh nghiệp cũng đã tính toán giá thành sản phẩm của họ trên cơ sở tỷ giá thực tế này, do đó yếu tố gây lạm phát của việc giảm giá đồng bạc Việt Nam đã hình thành từ trước khi việc điều chỉnh tỷ giá chính thức xảy ra.

 

Ảnh: VnEconomy.com

Nhưng không vì thế mà chúng ta không đề phòng áp lực tăng giá của lần điều chỉnh này vì tập quán "té nước theo mưa" trên thị trường trong nước là phổ biến. Do vậy, trong thời điểm nhạy cảm này, các biện pháp quản lý thị trường, kiểm kê tồn kho hàng hóa nhằm bình ổn giá cả, ngăn chặn những toan tính lợi dụng "ăn theo" để kiếm lời không chính đáng là thực sự cần thiết, đặc biệt khi giá xăng dầu và giá điện "được phép" điều chỉnh tăng theo tỷ giá mới.

Dù sao đi nữa, quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này cần được xem là một tín hiệu tích cực. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước dường như đã có những thay đổi tốt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ hướng về lợi ích chung của toàn nền kinh tế. Tỷ giá đồng bạc Việt Nam có vẻ như không còn chịu những áp lực chính trị nhằm duy trì ở mức cao. Các nhà nhập khẩu sẽ không còn cảm thấy được nuông chiều và các tập đoàn lớn sẽ phải cân nhắc thận trọng nhiều hơn khi quyết định vay nợ nước ngoài. Tỷ giá sát thực tế của đồng bạc Việt Nam không những mang lại tin vui cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, mà còn là tin vui cho những doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng tiêu dùng nội địa. Từ nay, họ sẽ không còn chịu một áp lực cạnh tranh phụ không công bằng của một tỷ giá đồng Việt Nam được kềm giữ ở mức cao.

Điều chỉnh tỷ giá cần nhiều biện pháp kèm theo

Tuy nhiên, điều chỉnh giảm tỷ giá đồng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhưng chưa đủ nếu nó không đi kèm với những biện pháp đồng bộ khác nhằm thực hiện các cân đối kinh tế vĩ mô thiết yếu. Trong thời gian dài, một đồng bạc Việt Nam được định giá ở mức cao - cùng với nhiều nguyên nhân khác - được cho là tác nhân chủ yếu đưa đến tình trạng thâm hụt thường xuyên cán cân thương mại và làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam không những trên thị trường quốc tế mà còn ngay tại sân nhà.

Một đồng Việt Nam có giá thấp hơn được nhiều người kỳ vọng là sẽ góp phần cải thiện lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới, nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ cần nhiều hơn thế để có thể giữ được ưu thế trên thị trường do đồng Việt Nam giá thấp mang lại. Họ cần được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về thuế suất, về lãi suất ngân hàng mới có thể thực sự đóng góp phần của mình cho nỗ lực của cả nước nhằm đạt được mục tiêu giảm bớt nhập siêu, tiến đến quân bình cán cân thương mại trong những năm tới.

Mặt khác, tỷ giá thấp của đồng bạc Việt Nam sẽ khuyến khích các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, với điều kiện tất nhiên là các chính sách kinh tế vĩ mô từ nay về sau gây được tín nhiệm cho các nhà đầu tư về khả năng ổn định lâu dài của đồng bạc, kèm với một chiến lược khuyến khích đầu tư năng động qua việc giảm bớt và thu hẹp các lĩnh vực kinh doanh độc quyền.

 

Ảnh: VnE

Đầu tư công cần giảm mạnh để đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài tăng nhanh và hiệu quả đầu tư tăng lên, một yếu tố quyết định để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế mà không gây lạm phát. Tăng trưởng mạnh của dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) sẽ giúp cải thiện trước mắt cán cân thanh toán quốc gia theo hướng tích cực.

Một khi cán cân thương mại và cán cân thanh toán đều được cải thiện tốt, khối dự trữ ngoại tệ quốc gia sẽ được củng cố và điều này rất có ý nghĩa cả về mặt kỹ thuật lẫn về mặt tâm lý trong việc ổn định giá trị đồng bạc Việt Nam trong lâu dài. Chắc chắn là khi nhập siêu giảm và dự trữ ngoại tệ quốc gia ngày càng tăng, kỳ vọng về khả năng trượt giá của đồng bạc trong tương lai sẽ giảm theo. Hơn nữa, một khi tỷ giá đồng bạc đã được ấn định hợp lý và có tính ổn định cao, những biện pháp liên quan đến việc kết hối ngoại tệ thu được từ xuất khẩu và từ các nguồn khác sẽ không quá khó khăn để triển khai, đơn giản vì chúng hoàn toàn phù hợp với lợi ích của người có ngoại tệ.

Những biện pháp hỗ trợ khác như tăng cường việc quản lý vay nợ nước ngoài một cách chặt chẽ hơn, đồng thời hạn chế tối đa việc cấp tín dụng bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước sẽ là những hành động cần thiết tiếp theo nhằm từng bước xóa dần tình trạng đô la hóa, xác lập chủ quyền tiền tệ quốc gia, đồng thời củng cố và tăng cường khối dự trữ ngoại tệ của đất nước.

Việc điều chỉnh giảm tỷ giá đồng bạc Việt Nam lần này chắc chắn sẽ tạo e ngại cho áp lực lạm phát. Do vậy, một chính sách tài khóa tiết kiệm là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc tiết kiệm công chi, như trên đã nói, đầu tư công cần giảm mạnh và chỉ dành cho các dự án thực sự có hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt tài chính. Ngay cả đối với các dự án xây dựng hạ tầng, việc mời gọi đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước với các hình thức khuyến khích đầu tư đa dạng như kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cần xem xét áp dụng. Một chính sách tài khóa tốt dựa trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả sẽ làm nhẹ đi áp lực lạm phát vốn thường xuyên đè nặng lên nền kinh tế. Giờ đây nên có một sự phân công lại hợp lý hơn và hiệu quả hơn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ nên hướng vào mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế và ổn định tiền tệ, còn chính sách tài khóa nên hướng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Điều mà mọi người mong đợi là việc điều chỉnh tỷ giá đồng bạc Việt Nam lần này không phải là một phản ứng chậm trễ và tạm thời trước áp lực của thị trường, một giải pháp tình thế trong một chuỗi giải pháp tình thế mang tính chất đối phó như thường thấy, mà là một bước đầu quả cảm trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện các cân đối vĩ mô cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có đầy đủ năng lực cạnh tranh, có khả năng tăng trưởng nhanh và ổn định trong lâu dài. Được như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá vào đầu Xuân sẽ là một tin vui cho mọi người, cho toàn nền kinh tế và cho đất nước.

Nguồn: Doanh Nhân Sài gòn Cuối tuần