Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điểm lại thông tin kinh tế tuần 6-10/8

 Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 14.396 tỷ đồng. Chốt tuần 10/8, VN-Index đóng cửa tại 968,47 điểm, tăng nhẹ 8,87 điểm (+0,92%) so với cuối tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp với tổng giá trị trên 719 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Tổng quan

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 04 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, với hai ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Trong đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước gắn trực tiếp với tăng trưởng tín dụng.

Chỉ thị nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém).

Được triển khai từ đầu năm trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp, việc này tiếp tục được khẳng định. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định, các nhu cầu tín dụng hợp lý, đảm bảo các điều kiện cho vay, đang và sẽ tiếp tục được đáp ứng tốt. Ngoài ra, bên cạnh chỉ tiêu được giao, tổ chức tín dụng muốn cho vay nhiều hơn thì chính họ phải đẩy mạnh xử lý được nợ xấu nhiều hơn, tạo được nguồn tái tạo cũng như tự tạo được dư địa cho mình.

Theo chỉ thị 04, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai kế hoạch thanh tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, nhất là những hành vi vi phạm đã được cảnh báo; xử lý những tổ chức tín dụng không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

Về mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường; kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Yêu cầu này được cho là nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ, đặc biệt là tại các ngân hàng thương mại, cùng với đó là phục vụ mục tiêu chung về chống đô la hóa nền kinh tế.

Tin trong nước

Tuần từ 6-10/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên trong phạm vi 10 đồng. Chốt tuần 10/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.676 VND/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.306 VND/USD.

Sau khi giảm nhẹ các phiến trong tuần, tỷ giá liên ngân hàng tăng khá mạnh trở lại vào phiên cuối tuần. Chốt phiên 10/8, tỷ giá giao dịch ở mức 23.306 VND/USD, giảm nhẹ 14 đồng so với cuối tuần trước đó.

Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do duy trì ở mức cao từ tuần trước đó trong 3 phiên đầu tuần và giảm trở lại vào 2 phiên cuối tuần. Kết thúc ngày 10/8, tỷ giá giảm 180 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, với tỷ giá mua vào ở mức 23.320 VND/USD và tỷ giá bán ra ở mức 23.350 VND/USD.

Trên thị trường liên ngân hàng, tuần qua, ngược lại so với tuần trước đó, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 10/8, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,51% (+2,29 điểm phần trăm); 1 tuần 4,61% (+2,13 điểm phần trăm); 2 tuần 4,60% (+1,83 điểm phần trăm); 1 tháng 4,65% (+1,17 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục duy trì biến động tăng giảm nhẹ tất cả các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 10/8, lãi suất đứng ở mức qua đêm 2,17% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,29% (+0,05 điểm phần trăm); 2 tuần 2,37% (+0,04 điểm phần trăm); 1 tháng 2,51% (+0,02 điểm phần trăm).

Trên thị trường mở, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh khối lượng tín phiếu được chào thầu xuống mức 13.000 tỷ đồng với 4 kỳ hạn, cụ thể kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2.0%; 14 ngày 2,25%, 28 ngày 2,75% và 140 ngày 3,75%. Khối lượng trúng thầu chỉ đạt 3.400 tỷ đồng. Trong tuần có 13.300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 90.730 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước chào thầu 11.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố trong tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%, có 4.096 tỷ đồng trúng thầu. Trong tuần, không có khối lượng đáo hạn, số dư trên kênh cầm cố ở mức 4.096 tỷ đồng.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 14.396 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.

Trên thị trường trái phiếu, trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội gọi thầu 8.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Khối lượng dự thầu giảm so với tuần trước đó và tỷ lệ trúng thầu đạt 48%.

Cụ thể, ngày 6/8, Ngân hàng Chính sách xã hộ gọi thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh ở 3 loại kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, tuy nhiên khối lượng dự thầu rất thấp và không có khối lượng trúng thầu.

Ngày 8/8, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 4 loại kỳ hạn 5, 7, 10 và 15 năm. Kết quả, Cơ quan này huy động được 2.150 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và 1.800 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm, hai loại kỳ hạn còn lại không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu đều tăng 0,03 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó, cụ thể kỳ hạn 10 năm giao dịch tại 4,53% và 15 năm 4,81%.

Với chứng khoán, thị trường tuần qua giao dịch lình xình tăng - giảm xung quanh mốc tham chiếu từ tuần trước đó. Chốt tuần 10/8, VN-Index đóng cửa tại 968,47 điểm, tăng nhẹ 8,87 điểm (+0,92%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,17 điểm (+2,04%) lên mức 108,41 điểm.

Thanh khoản thị trường tuần qua gần như không thay đổi so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng trên 4.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp với tổng giá trị trên 719 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần qua.


VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tâm điểm theo dõi của thị trường tài chính thế giới khi đồng Lira (TRY) của nước này đã sụt tới 16% so với USD trong phiên cuối tuần trước. Chốt phiên ngày 10/8, tỷ giá USD/TRY nhảy vọt 15,97% lên mức cao kỷ lục 6,4265.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự biến động này là do Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi mức thuế đánh vào nhôm, thép nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, lên 20% và 50%. Tuy nhiên, chính sách “tăng trưởng bằng mọi giá” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng tỷ giá hiện nay.

Sự sụt giảm giá của đồng Lira và sự chao đảo về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang gây ra những rối ren cho các thị trường mới nổi khác, gây tổn thương cho một số ngân hàng châu Âu - vốn có tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, tỷ giá EUR/USD đã giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1,15 trong phiên cuối tuần trước, đồng thời chỉ số USD cũng vượt mốc 95 điểm. Đây đều là những mốc tâm lý quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư và làm chính sách

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM