Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đi tìm thương hiệu

Làng nghề truyền thống rèn Đa Sỹ (TP Hà Đông) có 1200 hộ trong đó có 600 hộ trực tiếp làm nghề rèn. Số còn lại làm dịch vụ cho nghề như cung ứng nguyên liệu, thu gom bán buôn sản phẩm. Trải qua bao thăng trầm, những lò rèn dao, kéo các loại ở Đa Sỹ vẫn ngày đêm đỏ lửa.

 

DASY hay ST ?

Cầm trên tay chiếc kéo cắt tóc sắc bén, ông Hoàng Văn Huynh, chủ cơ sở rèn Huynh Dung giải thích: “Đã là sản phẩm của làng thì xưa nay đều có chữ  DASY. Kéo Đa Sỹ đã thành thương hiệu. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm ngoại và một số làng nghề khác, không ít gia đình đã nhận đơn đặt hàng với yêu cầu sản phẩm có chữ ST. Họ chỉ nghĩ rất đơn giản, Đa Sỹ hay Sinh Từ thì miễn sản phẩm tiêu thụ nhanh là được. Đau đáu với niềm mong ước giữ thương hiệu làng nghề và xây dựng được bản quyền, trong hơn 40 năm làm nghề, ông Huynh đã tận tâm tận lực tham gia các hội thi Sản phẩm sáng tạo, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Ông đi nhiều làng nghề rèn trong cả nước để xem xét, học hỏi cách làm ăn của họ.

 

Năm 2004, ông đoạt giải thưởng quốc gia “Sáng tạo kiểu dáng sản phẩm” cho chiếc kéo cắt tầm cao. Ngay sau đó cha con ông có ý định làm các thủ tục chứng nhận bản quyền nhưng do kinh phí mất hơn 10 triệu đồng nên lại thôi. Sau đó ông đã rất tiếc vì thấy thị trường xuất hiện loại sản phẩm giống hệt như vậy về cơ bản và có chỉnh sửa không đáng kể của một doanh nghiệp Thái Lan. Nhiều gia đình trong làng Đa Sỹ thấy dáng hình sản phẩm của mình trong những bộ dao, kéo gia đình, dao, kéo phục vụ trồng cây cảnh hoặc phục vụ sản xuất công nghiệp như kéo cắt tôn, sắt, kéo định vị… Song do nhiều lý do, chủ yếu là lợi ích kinh tế trước mắt nên cũng không ai có điều kiện để thực hiện những gì mong muốn là được công nhận bản quyền sản phẩm.

 

Tiếng nói của Hiệp hội làng nghề

Năm 2001, Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ thành lập. Tới nay, cơ sở đã có 700 hội viên. Hiệp hội đã giúp nhau làm kinh tế, tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề, mở được 3 khóa học cho 180 người. Thời gian học 3 tháng bao gồm lý thuyết và thực hành. Kinh phí đào tạo khoảng 70 triệu đồng/khóa..., chủ yếu để mua nguyên liệu phục vụ việc học và thuê giáo viên. Quỹ khuyến công của tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/ năm. Số kinh phí còn lại chủ yếu do các hội viên đóng góp. Ông Lê Thanh Yến, Bí thư Đảng ủy bộ phận thôn Đa Sỹ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Vì làng nghề trong khu dân cư nên gây tiếng ồn.

 

Các lò rèn của 600 hộ dân đốt than đỏ lửa quanh năm rất ảnh hưởng tới môi trường. Địa phương cần có một điểm công nghiệp để chuyển sản xuất ra khỏi khu dân cư . Vay  vốn ngân hàng rất khó. Việc đầu tư máy móc hiện đại cũng chưa được nhiều. Các thủ tục chính thống về thương hiệu, bản quyền, Hiệp hội cũng đã có lần đặt ra song không có thời gian để đi làm thủ tục được do bận làm ăn và nhiều việc khác lấn lướt. Thế là sản phẩm DASY phải mang tên ST để tiêu thụ trên thị trường. Rõ ràng, xây dựng thương hiệu bản quyền sản phẩm là điều các làng nghề truyền thống rất mong muốn, nhưng để đạt được thì cần phải có sự quan tâm của nhiều cấp và trước hết là sự chủ động, cố gắng của Hiệp hội, của chính những người làm nghề.


                                                                                                                                                                                                      HNM