Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đề xuất giảm lãi vay xuống dưới 12%/năm

TP.HCM: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. TP.HCM: Sức mua vẫn không tăng.

Ngày 26-7, tại hội nghị lấy ý kiến Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công Thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét giảm lãi suất vay trung hạn, có thể xuống dưới 12%/năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương trong dự thảo đề án, hiện nhiều DN có nhu cầu tiếp tục đầu tư thiết bị để mở rộng sản xuất và thay thế thiết bị cũ, nguồn vốn dự kiến sử dụng một phần vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng mới chỉ điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn, trong khi lãi suất cho vay trung hạn vẫn ở mức cao.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất NHNN điều hành chính sách tiền tệ tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng, đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ngoài ra, đề án cũng kiến nghị NHNN nên mở rộng đối tượng được vay ưu đãi cho tất cả DN. Bởi hiện nay một số DN có đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng lại không thuộc đối tượng ưu tiên và đang gặp khó khăn về vốn. Đối với sản xuất máy nông nghiệp, NHNN có giải pháp hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và vận tải nhỏ hoặc cho mua trả chậm.

Doanh nhiệp sẽ đỡ bớt khó khăn khi lãi suất cho vay trung hạn được giảm. Ảnh: HTD

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), vừa qua Quốc hội ban hành gói giải pháp hỗ trợ về thuế cho DN nhưng đó mới chỉ là giải pháp hậu sản xuất. Thực tế DN vẫn đang quanh quẩn với việc tăng giá đầu vào như điện, nước, xăng dầu hay tìm thị trường để bán hàng hóa chứ chưa nghĩ đến lãi bao nhiêu, được miễn giảm thuế DN bao nhiêu. Ngoài ra, DN thiếu tài sản thế chấp, không có thị trường đầu ra, trong khi ngân hàng thì không dám nhận hàng tồn kho để làm tài sản thế chấp vì hàng này rất khó bán.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc triển khai đề án này đã có độ trễ nhất định, mặc dù các bộ, ngành đã có sự vào cuộc quyết liệt. “Vừa qua nhiều giải pháp mới chỉ tập trung cho hậu sản xuất nhưng lần này đề án sẽ tập trung kiến nghị liên quan đến việc ngay lập tức hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó giúp DN tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư, tiêu thụ được sản phẩm trong quá trình sản xuất” - ông Hoàng nhấn mạnh.

TP.HCM: Sức mua vẫn không tăng

“Để đạt được chỉ tiêu đã đề ra năm 2012, thời gian năm tháng cuối năm này TP sẽ phải gánh một áp lực rất lớn. Tôi đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục tập trung cân đối ngân sách, kiên quyết thu hồi vốn từ những đơn vị sử dụng chưa hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì tỉ lệ tăng trưởng ổn định”. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tại hội nghị về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, bảy tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8-2012 diễn ra sáng 26-7.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cần chủ động làm tốt vai trò kết nối ngân hàng với DN; cùng với đó là giám sát quản lý thu thuế, xử lý các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu thu ngân sách đạt mục tiêu đã đề ra…

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Văn Rê, hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP đã thực hiện đưa lãi suất huy động về mức 9%/năm. Lãi suất cho vay tối đa cho các DN phổ biến ở mức 11%-13%/năm, đó là điều kiện tốt cho DN tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, ông Rê cũng bày tỏ sự lo ngại bởi dù lạm phát đã giảm nhưng sức mua của thị trường vẫn không tăng lên được bao nhiêu trong khi hàng hóa tồn kho còn rất nhiều.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Co.op Mart Bùi Thị Hạnh Thu cho rằng với các DN nhỏ và vừa, nếu không sớm nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các sở, ngành thì khó có thể thoát khỏi khó khăn, ít nhất là trong năm nay.

THU HƯƠNG

Nên giữ ổn định thuế và phí xăng dầu

Petrolimex đã nhiều lần báo cáo với Bộ Công Thương nên giữ ổn định thuế và phí, nhất là trong kinh doanh xăng dầu đến mức hợp lý để điều hành giá tốt hơn. Ngoài ra, có một thực tế là sáu tháng qua nhiều thành viên của Tập đoàn báo lỗ, dù lâu nay kinh doanh có lãi. Nguyên nhân chủ yếu do tiền thuê đất (kho hàng, cầu cảng, bến đỗ) quá cao. Ví dụ ở Hải Phòng tiền thuê đất hằng năm tăng khoảng 11 lần nên ảnh hưởng rất lớn đến các DN trong sản xuất, kinh doanh.

Ông NGUYỄN QUANG DŨNG, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN Petrolimex

Nguồn tin: phapluattp