Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Để phát triển bền vững công nghiệp gang thép?

- Mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác quản lý, quy hoạch đối với ngành thép trong thời gian qua đã bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập. Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo khoa học: Tư vấn phát triển công nghiệp gang thép Việt Nam mới diễn ra tại Hà Nội.

Đánh giá về tình hình quy hoạch ngành thép thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương cho rằng: Sau 2 năm thực hiện quy hoạch, về cơ bản ngành thép đã thực hiện tốt mục tiêu là đáp ứng đủ và kịp thời về chủng loại và số lượng các loại sản phẩm thép cho nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thép. Kết quả sản xuất phôi thép, sản phẩm thép đã có mức gia tăng đáng kể, tính đến nay, ngành thép đã sản xuất và đáp ứng được khoảng 56% sản lượng phôi, ngành cũng đã sản xuất được sản phẩm thép tấm lá, thép cán nóng phục vụ nền kinh tế, giảm việc nhập khẩu, đồng thời, đã đưa vào sản xuất thêm 4 dự án sản xuất phôi thép và thép cán nguội.

Việc đầu tư vào ngành thép cũng đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia (DN nhà nước, dân doanh, FDI); đã có sự quan tâm đầu tư vào khâu thượng nguồn (sản xuất phôi thép) và một số chủng loại thép khác như: thép cán nóng, thép tấm lá, thép mạ hợp kim nhôm kẽm,…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch ngành thép đã bắt đầu bộc lộ một số tồn tại cần được khắc phục. Điều này được thể hiện rõ thông qua việc ngành thép phát triển mạnh nhưng thiếu tính bền vững, chậm khắc phục tình trạng mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn và hạ nguồn. Hiện tại, tổng công suất sản xuất cán thép xây dựng vẫn vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu (gần 80% thép tấm lá các loại, gần 50% nhu cầu phôi thép, trên 60% lượng thép phế cho lò điện) do vậy sản xuất thường bị động và chịu nhiều thiệt hại khi giá cả thị trường thế giới có nhiều biến động.

Tổng công suất theo thiết kế của các dự án đã vượt xa nhu cầu dự kiến trong quy hoạch (năm 2015 dự báo nhu cầu 15 triệu tấn; 2020 khoảng 20 triệu tấn), việc cạnh tranh thị trường thép nội địa và xuất khẩu sẽ rất gay gắt. Dư thừa công suất sản phẩm dài, dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt 60-70%, trình độ công nghệ đa số ở mức trung bình hoặc trung bình khá, tiêu hao nguyên vật liệu lớn, khả năng cạnh tranh thấp dẫn đến khối lượng xuất khẩu hạn chế. Chưa sản xuất được một số loại thép cán nóng, thép chất lượng cao như thép không hợp kim, thép mạ điện hợp kim để phục vụ nhu cầu sản xuất cơ khí, ôtô, động cơ điện,… mà nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao.

Đầu tư sản xuất vẫn còn mang tính manh mún, sản xuất nhỏ. Tính liên kết sản phẩm để tạo ra chuỗi giá trị cao hơn chưa được quan tâm, nên lợi nhuận rơi vào khu vực thương mại thuần túy, làm cho việc quản lý giá cả, thị trường của cơ quan nhà nước gặp khó khăn.

Đặc biệt, gần đây tại một số địa phương còn xuất hiện việc cấp phép tràn lan cho các dự án thép không có trong quy hoạch. Kết quả, các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư không có trong quy hoạch lên tới 32 dự án (trong quy hoạch 23 dự án, trong đó: Bà Rịa - Vũng Tàu 7 dự án; Hải Phòng 5 dự án; Thanh Hóa, Hải Dương mỗi tỉnh 4 dự án; Hà Tĩnh 3 dự án). Trong số 32 dự án này, có 24 dự án chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, và không có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và thỏa thuận của Bộ Công Thương.

Với 23 dự án nằm trong quy hoạch thì tiến trình triển khai cũng rất chậm so với tiến độ đặt ra. Cụ thể, dự án liên doanh cán nóng ESSAR - Tổng công ty Thép Việt Nam chậm 2 năm, hiện vẫn chưa xác định được thời điểm xây dựng; Liên hợp gang thép Lào Cai mới triển khai phần khai thác mỏ, phần đầu tư nhà máy gang thép chậm tiến độ 1 năm so với cam kết ghi trong giấy phép đầu tư; dự án liên hợp thép Quảng Ngãi do Tập đoàn E - United (Đài Loan) làm chủ đầu tư cũng chậm 2 năm;… Điều đó gây cho các cơ quan quản lý ngành thép gặp khó khăn trong việc chỉ đạo và điều hành sản xuất.

Trên cơ sở những bất cập trên, để ngành công nghiệp thép phát triển bền vững, Bộ Công Thương đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ và một số Bộ, ngành liên quan, cụ thể như sau: Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác cấp chứng nhận đầu tư các dự án thép tại các địa phương, đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Xây dựng tránh sự chồng chéo về mặt luật pháp; Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt và hữu hiệu công cụ thuế (tài nguyên, môi trường, xuất - nhập khẩu) để bảo hộ hợp lý và kịp thời việc đầu tư và sản xuất trong nước, phù hợp với tiến trình hội nhập của Việt Nam. Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6694/VPCP-QHQT ngày 19/11/2007 về việc chủ trì, nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, thiết bị sản xuất thép phù hợp với Quy định tại Quyết định số: 145/2007/QĐ-TTg ngày 4/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ để xem xét, thẩm định và tăng cường công tác quản lý các dự án thép trong thời gian tới./.

(VEN)

ĐỌC THÊM