Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Đại chiến tiền tệ" đang đến gần?

Bất chấp cam kết của G20, xem ra “đại chiến tiền tệ” đang lấp ló ở phía chân trời, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bước vào một giai đoạn mới và đẩy các nhiều quốc gia trên thế giới sa vào cuộc “chạy đua vũ trang” mới - một cuộc chạy đua phá giá tiền tệ.

Cả thế giới đã thở phào nhẹ nhõm, khi hội nghị trù bị G20 ở Gyongju thông báo 20 nền kinh tế quan trọng nhất thế giới sẽ cùng nhau ngăn chặn làn sóng hạ giá đồng nội tệ để giành lợi thế xuất khẩu và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Thế nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang” vì cam kết này không hề mang tính ràng buộc, trong khi một số cường quốc kinh tế lớn đang âm thầm chuẩn bị một cuộc “chạy đua vũ trang” về tiền tệ.

Rất có thể vào tuần tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại tung ra thị trường hàng trăm tỷ USD mới in nhằm hỗ trợ đà phát triển kinh tế đang “hụt hơi” của nước Mỹ, thông qua việc phá giá đồng nội tệ. Hành động vị kỷ này có châm ngòi cho làn sóng hạ giá đồng nội tệ ở Hàn Quốc, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Taiwan và Brazil.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn mới: sau cuộc khủng hoảng bất động sản-tài chính, suy thoái và khủng hoảng nợ công, dư chấn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang gây ra sự đổ vỡ nghiêm trọng trong thị trường tiền tệ thế giới.

Thế giới đang bên bờ vực thẳm

Một phản ứng dây chuyền chết người đang xảy ra. Thông qua các chính sách vị kỷ, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua hạ thấp tỷ giá đồng nội tệ để giành lợi thế thương mại. Các cường quốc kinh tế nhỏ hơn và các nền kinh tế đang trỗi dậy khác cũng đua nhau đưa ra các chính sách can thiệp tiền tệ để bảo vệ đà phục hồi kinh tế vẫn còn khá bấp bênh.

Giới chuyên gia quan sát diễn biến này với tâm trạng đầy rẫy âu lo bởi vì các động thái trên có quan hệ tương hỗ với nhau và tác hại của nó tỷ lệ thuận với sức mạnh kinh tế của các cường quốc. Ngày càng có nhiều chính phủ trên thế giới khởi xướng hoặc buộc phải có biện pháp thao túng tiền tệ và một cuộc khủng hoảng tiền tệ đang lấp ló ở phía chân trời. Nguy cơ của cuộc khủng hoảng này đã khiến cho Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn phải lện tiếng cảnh báo rằng “cuộc chiến tiền tệ” có thể trở thành một “cuộc chiến thương mại” toàn cầu.

Kinh nghiệm của cuộc “Đại suy thoái” hồi những năm 1930 cho thấy không bên nào giành phần thắng trong cuộc chiến hủy diệt toàn cầu này. Cuộc chạy đua phá giá đồng tiền hồi những năm 1930 đã dẫn đến việc chặn đứng dòng chảy lưu thông hàng hóa, khiến cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài hơn và trở nên tàn khốc hơn.
Cố vấn kinh tế Larry Summers của Tổng thống Barack Obama nhận định: “Chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu sẽ khiến cho thế giới nghèo đi, gây ra tình trạng thù địch giữa các dân tộc và thủ tiêu những cơ hội kinh doanh”.

Những tác nhân thao túng tiền tệ

Để tránh tỷ giá đồng nội tệ dao động ở biên độ không mong muốn, các ngân hàng trung ương luôn tìm cách can thiệp vào thị trường tiền tệ, theo nhiều phương thức khác nhau.

Để giảm giá đông nội tệ theo qui luật cung-cầu, ngân hàng trung ương của một nước thường tung đồng nội tệ để mua số lượng lớn một đồng ngoại tệ nào đó. Đây chính là biện pháp mà các ngân hàng trung ương Nhật Bản và Thụy Sĩ tìm cách áp dụng. Chỉ có điều một nước có tiềm lực kinh tế-tài chính tương đối nhỏ như Thụy Sĩ khó có thể “đảo ngược thế cờ”.

Hạn chế các luồng ngoại tệ “nóng” đổ vào. Brazil đã 2 lần tăng mức thuế đánh vào người nước ngoài mua trái phiếu của nước này, trong khi chính phủ ở Bangkok cũng áp dụng trở lại mức thuế 15% đánh vào các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu Thái Lan.

Ngoài việc áp thuế và mua bán ngoại tệ, Mỹ và Trung Quốc còn áp dụng nhiều “độc chiêu” khác.

Thông qua chính sách vị kỷ của mình, Mỹ đã cố tình hạ giá đồng USD. Thứ nhất, FED đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức gần bằng không, cung cấp tín dụng giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. FED đã nhiều lần in thêm tiền để mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ và khiến cho khối lượng đồng USD lưu thông ngày càng gia tăng. Theo "Wall Street Journal", FED có kế hoạch bơm thêm vào thị trường 500 tỷ USD "vẫn còn thơm mùi mực".

Đối với giới đầu tư tài chính, lãi suất thấp đồng nghĩa với lợi nhuận thấp và dẫn đến tình trạng rút tiền trong nước để đầu tư vào các nước có lãi suất cao hơn.

Trên thực tế, đồng USD không chỉ chịu tác động của các thế lực thị trường mà còn chịu tác động của việc Trung Quốc “cột” đồng nhân dân tệ (NDT) vào đồng USD. Để cân bằng, Trung Quốc ồ ạt mua trái phiếu chính phủ Mỹ và làm tăng giả tạo nhu cầu về đồng tiền Mỹ. Theo "China Securities Journal", đến quí 3/2010, trong tổng số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có tới gần 1.700 tỷ USD – phần lớn là trái phiếu chính phủ Mỹ và phần còn lại là phiếu nợ tính bằng đồng USD.

Về phần mình, Trung Quốc lại theo đuổi một chính sách tiền tệ hoàn toàn khác: hầu như không để NDT chảy ra nước ngoài và giám sát chặt chẽ các luồng vốn lưu chuyển trong nước. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải đổi phần lớn thu nhập của mình từ đồng euro, đồng yên và đồng USD sang đồng NDT, với tỷ giá hối đoái cố định. Các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc phải giao dịch bằng đồng NDT và du khách chỉ được mang vào hoặc mang ra khỏi biên giới tối đa 20.000 NDT.

Như vậy, khó có thể hình thành một thị trường NDT quốc tế và qua đó là tỷ giá dựa trên qui luật cung-cầu. Chính phủ Trung Quốc tìm cách kiểm soát hoàn toàn giá trị của đồng nội tệ và qua đó kìm giá đồng NDT để giành lợi thế xuất khẩu.

Nguy cơ xảy ra “Đại chiến tiền tệ”

Diễn biến hiện nay trên thị trường tiền tệ không có gì bất thường vì từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã kìm giá đồng NDT thấp hơn giá trị thực và Thụy sĩ cũng nhiều lần tung đồng nội tệ để điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Bất thường là hiện có nhiều nước đồng loạt thao túng tỷ giá đồng nội tệ.

Trong thời gian sắp tới, những mâu thuẫn hiện nay có nguy cơ ngày càng trở nên căng thẳng. Do kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 2 con số, chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ in thêm tiền để kích thích kinh tế, trong khi chính phủ Trung Quốc cũng không hề phát đi tín hiệu sẽ tăng giá đáng kể đồng NDT.

Trong bối cảnh đó, các nước đang nổi lên như Hàn Quốc, Thái Lan, Nam Phi và Brazil phải hứng chịu áp lực. Việc Trung Quốc kìm giá đồng nội tệ và Mỹ hạ lãi suất cơ bản đang khiến cho các luồng tiền “nóng” mang đầy tính chất đầu cơ ồ ạt đổ vào các nước này, với hậu quả là đẩy đồng nội tệ lên giá, xuất khẩu co lại vì mất sức cạnh tranh và quá trình phục hồi kinh tế bị đe dọa nghiêm trọng. Chính vì vậy mà các nước nói trên phải có biện pháp chống đỡ bằng chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ, dẫn đến phản ứng dây chuyền về hạ giá đồng nội tệ trên phạm vi toàn cầu với sức tàn phá khôn lường.

Phản ứng dây chuyền này lại dẫn đến việc ban hành các biện pháp cực đoan hơn nữa. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy lo ngại rằng triển vọng các nước dựng lên hàng rào thuế quan và hạn chế đầu tư là không còn xa vời. “Cuộc chiến tiền tệ” hiện đang có nguy cơ trở thành cuộc “Đại chiến thương mại” toàn cầu.

Vào ngày 11 tháng 11 tới, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Seoul, với mục tiêu chính là ngăn chặn việc xảy ra “cuộc chiến tiền tệ” toàn cầu. Để làm được điều này, các bên cần có sự nhân nhượng lẫn nhau và các nước như Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn, các nước như Mỹ phải tiết kiệm hơn nữa và các nước đang nổi lên cũng phải kiềm chế hơn trong việc can thiệp vào thị trường tiền tệ. 

Nguồn: Spiegel.de