Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Cứu" thép "nội"

Dù cuối tháng 3/2009, thuế nhập khẩu thép đã được tăng lên phổ biến ở mức 8%, biên độ tỷ giá VND/USD cũng đã được nới rộng lên +/- 5% nhưng xem ra ngành thép Việt Nam vẫn chưa “dễ thở” trước trước các đối thủ “ngoại”.

 Cung thép tăng

Nếu như trước đây Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu thép vào thị trường Việt Nam nhiều nhất thì trong đợt đổ bộ lần này còn một khối lượng lớn được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia…Ngoài ra, thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nga cũng xuất hiện trên thị trường với giá bán nhỉnh hơn thép trong khu vực ASEAN khoảng 100.000 – 150.000 đồng/tấn, dù thuế nhập khẩu lên đến 12%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm cho đến nay lượng thép nhập khẩu của Việt Nam tăng đột biến. Tính sơ bộ trong hai tháng 1 và 2 năm 2009, lượng phôi thép nhập khẩu ước đạt khoảng 170.000 -180.000 đồng/tấn với mức giá giao động khoảng 400 USD/tấn. Cộng thêm đó, lượng thép thành phẩm nhập khẩu cũng lên đến hàng trăm ngàn tấn với mức giá chỉ trên dưới 9 triệu đồng/ tấn tuỳ loại. Chỉ tính riêng 15 ngày đầu của tháng 2 năm 2009, lượng thép nhập khẩu đã đạt khoảng 270.000 đồng/tấn, tăng hơn 25.000 tấn so với tháng 1. Song đến đầu tháng 3, đã có thêm khoảng 100.000 tấn thép cuộn được nhập vào Việt Nam trong đó lượng thép nhập khẩu vào thị trường miền Nam nhiều hơn thị trường miền Bắc. Mặc dù chưa thống kê lượng phôi thép thành phẩm của tháng 3 năm 2009 nhưng hầu hết các ý kiến đều cho biết cao hơn so với hai tháng đầu năm khoảng 20 – 25%.

Theo ông Nguyễn Kim Đề - TGĐ Tổng Công ty thép Việt Nam “trong thời gian tới thép nhập khẩu sẽ còn tăng lên và giá có thể thấp hơn” do thị trường thép trên thế giới vẫn đang trong tình trạng ảm đạm. Nhất là mới đây Trung Quốc đã hạ thuế xuất khẩu thép xây dựng từ 15% xuống 0% và nới lỏng thủ tục quản lý giấy phép nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này giải phóng khoảng 160 tấn hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, giá thép và phôi thép trên thế giới hiện tiếp tục duy trì ở mức thấp, với giá phôi thép chào bán tại thị trường Viễn Đông và Địa Trung Hải dao động ở mức 300 USD/ tấn. Từ đó tính ra thép thành phẩm nhập khẩu có thể còn thấp hơn cả phôi thép trong nước nhập khẩu hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn

Trong khi cung thép trên thị trường tăng lên thì nhu cầu đối với nhóm sản phẩm này lại đang có dấu hiệu suy giảm xuống. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, chưa kể nguồn cung thép ngoại, tổng sản lượng sản xuất sắt thép trong nước trong quý I/2009 ở khoảng 761.000 tấn, chỉ giảm khoảng 24% nhưng lượng tiêu thụ thép của các thành viên trong hiệp hội lại giảm đến khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng ở mức 698.000 tấn.

Tuy có lợi thế “sân nhà” nhưng ngành thép Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh do giá bán cao hơn thép nhập khẩu từ ASEAN trung bình từ 700.000 – 800.000 đồng/tấn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, vừa qua các doanh  nghiệp buộc phải giảm giá hai đợt trong tháng 2 với tổng mức giảm trung bình là 800.000 – 900.000 đồng/tấn, song tình thế vẫn chưa cứu vãn nhiều. Cụ thể, đơn vị Tổng công ty thép Việt Nam (Vnstee) ở khu vực phía Nam trong tháng 2 đã giảm 20-25% so với cùng kì năm 2008 và giảm hơn 30% so với tháng trước. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận xuất hiện sau khi Bộ Tài chính ban hành quyết định tăng thuế thép lên phố biến ở mức 8% hồi cuối tháng 3 vừa qua cũng tạo ra áp lực cho doanh nghiệp thép nội.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thép, ngày 13/4/2009, Bộ Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu thép hợp kim thuộc nhóm 72.27 và 72.28 lên 10%. Đây là mức thuế nhập khẩu tối đa theo cam kết WTO 2009 và mức trần của biểu khung thuế nhập khẩu do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Mức thuế mới có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng đối với các tờ khai hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 20/4/2009.

Theo Bộ Tài chính, việc này nhằm ngăn ngừa tình trạng nhập khẩu thép hợp kim thay thế thép xây dựng với mức thuế suất thấp. Các loại thép được điều chỉnh thuế (thép hợp kim dạng thanh, que) là những loại vừa qua được các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều vào Việt Nam cho mục đích xây dựng. Đó là phản ứng của Bộ Tài chính sau khi Hiệp hội Thép và Bộ Công Thương liên tiếp có các hành động phát hiện và phản ứng trước tình trạng gian lận trong nhập khẩu thép. Bộ Tài chính cũng tuyên bố sẽ truy thu thuế các doanh nghiệp lách luật, gian lận nhập khẩu thép.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có công văn số 1708/VPCP-KTN  yêu cầu các địa phương có liên quan phối hợp với các Bộ chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, tạm dừng cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường. Các dự án sản xuất thép chỉ được xem xét nếu đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu quặng sắt, các dự án sản xuất thép chất lượng cao như: thép kỹ thuật điện, ống thép không hàn, thép hình cỡ lớn, thép hợp kim, thép đặc biệt.

Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngành thép Việt Nam thoát khỏi những khó khăn trước mắt.

(Sanotc)

ĐỌC THÊM